Mua muối đầu năm, phong tục đẹp còn lưu giữ

(lamchame.vn) - Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cha ông ta thường dặn con cháu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Đặc biệt, nhiều năm gần đây, mua muối đầu năm được nhiều gia đình chú ý, duy trì.

Nằm trên một quả đồi thoải, từ nhiều năm nay, cụm di tích lịch sử cấp tỉnh đình, đền, chùa Cầu Muối xã Tân Thành (Phú Bình) thu hút nhiều người đến làm lễ và mua những gói muối về nhà với mong muốn một năm nhiều may mắn và thành công.

Từ xưa đến nay, muối luôn là thành phần không thể thiếu trong các gia đình, tượng trưng cho sự mặn mà, đằm thắm. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái. Cũng có người quan niệm rằng hạt muối là sự kết tinh cao, màu trắng trong hàm ý là sự sạch sẽ tinh khiết, cũng là biểu trưng cho mọi tình cảm tốt đẹp mặn mà. Hạt muối nhỏ nhoi nhưng mang nhiều ý nghĩa văn hóa thiêng liêng như thế. Chính vì lẽ đó, có người còn rắc muối gạo quanh nhà, đầu ngõ để xua đuổi những tà khí, mong muốn sự bình yên cả năm. Đầu xuân, mọi người đi lễ Tết đình chùa xong thường hay mua một gói muối đặt vào cùng lễ dâng, với hy vọng mang may mắn về cho cả gia đình trong năm mới.

Bà Vi Thị Châm ở xóm Cầu Muối xã Tân Thành (Phú Bình) cho rằng: Với người dân miền núi dân tộc như chúng tôi, muối rất cần thiết và quan trọng. Có lẽ ngày xưa người dân thiếu muối nên thường xuyên cầu xin trời phật ban phát muối cho dân lành nên mới có tên là đền Cầu Muối. Trước tết, nhiều gia đình ở xã Tân Thành đã mua muối về đóng thành từng gói nhỏ, bán cho du khách làm lễ tại lễ hội Đình đền chùa Cầu Muối.

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên xuôi theo Quốc lộ 37 khoảng 25km, đến trung tâm huyện Phú Bình, rẽ trái theo đường liên huyện, qua UBND xã Tân Thành 5km vào làng Cầu Muối, du khách sẽ tới cụm di tích lịch sử, văn hóa Đình - Đền - Chùa Cầu Muối. Quần thể này gồm một ngôi đình, một ngôi chùa, cùng hai ngôi đền Thượng và đền Công Đồng nằm dựa lưng vào núi, không gian thoáng đãng và cảnh vật hữu tình. Đình Cầu Muối thờ Thành Hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh, Dương Tự Minh, một danh tướng thời Lý. Chùa Cầu Muối thờ phật. Cách đình, chùa Cầu Muối khảng 150m là đền Công Đồng, nơi thờ tự chính của Đạo Tứ Phủ, tương truyền rất linh thiêng. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây từng là nơi đóng quân, huấn luyện của Đại đoàn 308 và Sư đoàn 304… Với những giá trị lịch sử đó, năm 2005, Cụm di tích Đình, đền, chùa Cầu muối được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Người dân làng Cầu Muối xã Tân Thành còn truyền tai nhau câu chuyện li kì, huyền bí về nguồn gốc lập nên Đền Công Đồng Cầu Muối rằng: “Ngày xưa có hai mẹ con người nọ đi bán muối ngang qua địa phận của dãy núi hiện nay cho xây dựng Đền thì thấy không khí trong lành, núi non xanh tốt bèn nghỉ chân tại đó. Người con thấy khát nước nên đòi mẹ đi lấy nước. Người mẹ xuống khe suối ngay dưới chân núi lấy nước thì bị một con hổ dữ tát chết, người con thấy lâu thì xuống tìm mẹ, khi xuống đến suối thì cũng bị hổ tát chết. Nhưng hổ đói lại không ăn thịt mà để hai mẹ con nằm cạnh nhau bên bờ suối. Cũng kì lạ thay, không biết từ đâu, mối đùn đất che kín hai mẹ con chỉ để hở hai bàn chân. Dân làng thấy lạ, bèn làm lễ cúng rồi chọn một vị trí đẹp trên lưng chừng núi chôn cất. Nhưng mỗi ngày, mỗi tháng qua đi đống đất mối đùn lên ngày một to hơn, thành một cái gò đất cao. Dân làng đem rào giậu chỗ đó cẩn thận và coi đó là vùng đất thiêng, không được xâm phạm. Theo lời người dân kể lại, Mẫu báo mộng vào một người trong làng, yêu cầu lập đền thờ ngay phía trên gò đất đó".

Hiện nay, bên trong hậu cung ngay dưới tượng thờ Quan hổ là mộ của vị Thánh Mẫu trong truyền thuyết được nhân dân truyền miệng tới bây giờ. Câu chuyện tuy mang tính chất li kì, nhưng đó là những giá trị được kết tinh, lưu truyền và bảo tồn đến ngày nay.

Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Cụm di tích Đình Đền chùa Cầu Muối hàng năm thu hút rất nhiều du khách đến làm lễ. Có lẽ tên của di tích cũng gắn liền với câu tục ngữ: Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi nên nhiều người dù bận rộn đến mấy, đầu năm cũng đến tham dự lễ hội Đình đền chùa Cầu Muối tổ chức khai hội vào mùng 4 tháng Giêng. Tại đây, nhiều tiết mục văn nghệ, múa hát, múa lân đã đem lại không khí tưng bừng, phấn khởi của đầu Xuân năm mới, cùng với các nghi lễ dâng hương, thỉnh chuông cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống người dân no ấm, an bình.

Trong một lần đến thăm cụm di tích đình đền chùa Cầu Muối, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đánh giá cao giá trị lịch sử của cụm di tích này. Giải thích về mối tương quan giữa câu nói của người xưa với tên gọi cụm di tích, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: Câu nói “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, xét về cú pháp, thi pháp, văn phạm thuộc văn hóa Việt thường áp dụng nhiều với người miền xuôi nhưng câu nói lại nhập vào cảnh quan miền núi nơi đây. Điều đó thể hiện sự thống nhất giữa văn hóa tâm linh cảnh quan, kiến trúc của cụm di tích với văn chương ngôn từ của người miền xuôi với miền ngược có sự thống nhất hài hòa và chặt chẽ.

“Đầu năm mua muối…” là phong tục có từ lâu đời. Ngày nay, do quan niệm “thoáng” của từng gia đình mà có người thực hiện, người không. Phong tục này mang yếu tố tinh thần. Mỗi gia đình đón xuân mới với gói muối mặn mà đem lại cảm giác yên tâm, tạo tâm thế phấn khởi bước vào một năm mới.

muoi
 
muoi 1
 
muoi 2 

Theo www.sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang