Nếu có ai bảo mùi gì quyến rũ nhất thì với tôi đó không phải là Chanel No5 kinh điển, sự quyến rũ vĩnh hằng của phụ nữ Pháp tinh tế. Tất nhiên nó càng không phải là Clive Christian No.1 Imperial Majesty, thứ nước hoa đắt nhất thế giới với mức giá đến gần 300 triệu, biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp.
Đừng nói về cổ chai làm từ vàng 18 carat cùng viên kim cương lấp lánh trị giá 5 carat, hãy nói về 1 thứ mùi vô giá và thượng hạng hơn nhiều. Đó chính là… mùi của Tết, khả năng lưu hương là vĩnh cửu, nhắc nhở tất cả người Việt chúng ta về tình yêu, giá trị gia đình và sự sum vầy…
Ai đó bảo Tết thì có gì đâu mà hấp dẫn? Bánh chưng thì ngấy, thịt thì ngày nào chẳng ăn. Tết chỉ có lo toan và những nỗi sợ như người lớn sợ… hóa đơn. Và Tết thì có quá lắm hóa đơn phải chi trả mà nhiều hạng mục không thể gọi tên. Nhưng Tết cũng mang đến những cảm xúc không ai có, mang đến 1 thứ mùi vị mà kẻ tha hương nhớ quay nhớ quắt đến độ nước mắt chảy xuống ở khóe mi, mà trẻ nhỏ háo hức đến độ mong 1 năm có mấy bận Tết đến trong nhà để được nô đùa, được cưng nựng, được ăn bánh kẹo thoải mái và được nhận lì xì.
Chỉ có người lớn với những cái đầu đầy toan tính vật chất, sự hằn học và những nỗi lo cho ngày mai mới sợ Tết đến độ ước gì nó đừng tới gần. Còn nếu chúng ta giữ được 1 tâm hồn thơ trẻ, giữ được 1 trái tim biết yêu thương Tết vẫn mang về những mùi hương vô giá, thứ mùi người ta gọi là mùi Tết, đặc trưng đến độ trái tim này có phần loạn nhịp vì hân hoan…
Nói đến mùi người ta nghĩ sẽ được cảm nhận bằng khứu giác. Nhưng để nói về mùi Tết người ta cảm nó bằng cách rất khác, ấy là cả 5 giác quan cùng với những nhịp rung lên của cảm xúc và trái tim thương nhớ...
Ấy là lúc gói bánh chưng, mùi của lá dong, của đỗ, gạo, của hạt tiêu... nó khiến người ta nao nao vô cùng. Lúc nồi bánh chưng được đặt lên bếp sôi lục bục, mùi khói khi canh nồi bánh chưng, mùi củi cháy trong đêm để luôn đỏ lửa, để nước luôn sôi, sẽ “ám ảnh” người ta đến muôn kiếp. Ấy là ấu thơ, là gia đình và là sự hân hoan trẻ nhỏ, thứ dư âm trong sáng tuyệt đối mà đôi lúc giữa những lúc cuộc sống bộn bề mà lòng mình vẫn còn chưa ngăn nắp, nhưng mùi khói từ nồi bánh chưng, mùi ngô nướng, khoai nướng đêm hôm ấy vẫn cứ luẩn quất đến độ nhớ thương.
Thứ mùi không tốn 1 xu, nhưng có khả năng bám dính vĩnh cửu, nhắc nhở tất cả người Việt chúng ta về tình yêu, giá trị gia đình và sự sum vầy…
Ấy cũng là lúc mớ mùi già được đun lên, hương mùi xông khắp căn phòng dịu êm như thanh tẩy tất cả những nỗi buồn của năm cũ. Người ta gọi mùi già là mùi của đêm 30, của nồi nước tắm tất niên truyền từ ông bà, mẹ cha, sang đến đời cháu con. Người ta có thể không biết tại sao mùi già lại có ý nghĩa thanh tẩy, là không khí trong sạch, là lòng người thư thái. Chỉ biết dọn đi hết những không khí u uẩn trong góc nhà, dọn đi hết những ưu phiền là điều có thật của thứ mùi hương ấy...
Tết ấy cũng là mùi của nhang khói, 3 ngày Tết mẹ thắp hương rì rầm tiếng khấn vái, mùi hương lan tỏa trong căn nhà thấy ấm êm đến độ đong đầy mọi cảm xúc. Mẹ cầu xin sức khỏe, cầu bình an, mùi hương như sự che chở rất đỗi vô hình. Cho người ta tin rằng còn mẹ còn cha, còn những lời cầu nguyện ấy là chúng ta còn những bóng cây đa cây đề của sự bao dung, độ lượng và sự che chở.
Dư vị ngày Tết không thể thiếu mùi đồ ăn. Chẳng phải vô cớ mà người Việt gọi là ăn Tết. Dù cuộc sống có no đủ rồi thì khi nồi bánh chưng được bắc lên, khi trong nhà có thịt lợn trữ sẵn, có nem rán, có bát canh măng, có dưa hành, có bát đông nấu sẵn, có mứt… thì đó mới là Tết.
Tất cả món ăn làm nên Tết đều có mùi rất riêng, thứ mùi rất nhẹ của hành muối hăng hăng, của vị thơm mứt Tết, của bánh chưng thơm từ gạo, từ lá dong… Nhẹ thôi mà thoang thoảng bao nhiêu năm luôn luẩn quẩn trong đó len lỏi, lần dở kí ức.
Bao nhiêu người đã thấy mùi nem rán bay trong góc bếp mà có 1 cảm giác rất lạ, mùi canh măng cũng thế thân thương đến độ ngửi mùi là thấy Tết. Tất cả những món ăn làm nên Tết đều có mùi rất riêng, thứ mùi rất nhẹ của hành muối hăng hăng, của vị thơm mứt Tết, của bánh chưng thơm từ gạo, từ lá dong… Nhẹ thôi mà thoang thoảng bao nhiêu năm nhưng luôn luẩn quẩn trong đó len lỏi như khói bếp, cứ mỗi độ Tết đến kẻ tha hương lại lần dở kí ức để thấy 1 thứ mùi bay trong tâm trí đến độ thiết tha 1 cảm xúc không thể gọi tên.
Mùi Tết rất lạ, tất nhiên nó cảm bằng khứu giác nhưng cũng bằng mắt thấy mà như thấy mùi, thấy vị Tết. Nó lẫn vào nhau đến độ như trộn tất cả lên rồi thương nhớ, nhớ thương rồi lòng dấy lên những rung âm trong trẻo, hoài niệm của quá khứ và hiện thực thành 1 thứ cảm xúc đẹp mê hồn, dù ngay cả có vương chút nỗi buồn.
Mùi của Tết có 1 thứ đặc biệt đến độ mà ai cũng công nhận không có nó không thể gọi là Tết dù bánh chưng, dưa hành, thịt đông, canh măng, canh mọc, gà luộc… có đầy ắp trên mâm. Đó hẳn nhiên nó là mùi sum vầy. Mùi của thứ tiếng xôn xao chúc tụng năm mới, mùi của những bữa cơm đoàn viên cười nói vang nhà, mùi của những cái ôm, ánh nhìn trìu mến.
Có 1 thứ mùi Tết mà trẻ nhỏ ai cũng nhớ mãi, đó là mùi áo mới. Ngày xưa Tết mới có quần áo mới mà quần áo mới có cái mùi đặc trưng thơm nhẹ. Trẻ thơ xúng xính áo mới và hít hà cái mùi trong 1 sự tự mãn về phong cách. Đó hẳn là bộ quần áo háo hức và nhiều mong đợi nhất trong cuộc đời, đến độ có khi còn cảm xúc hơn cả cô gái lúc choàng lên người chiếc khăn voan lúc về nhà chồng.
Có thể nhiều người quên khi không nhắc tới nó, nhưng nếu nói tới ai cũng phải gật gù, Tết đó còn là mùi tiền mới. Trẻ nhỏ được lì xì tờ tiền mới cóng, tiền mới cũng có mùi thơm rất lạ lùng. Ai bảo “lạnh như tiền” thì lúc này sai, sai quá. Tờ tiền mừng tuổi nóng ấm, thơm tho và hân hoan tuyệt đối. Những em bé ngày ấy lớn lên, lúc đưa những tờ tiền bỏ vào chiếc phong bao lì xì thấy mùi tiền mới lại nhớ tuổi thơ của mình mà gửi luôn cả vào đó những yêu thương gửi gắm cho cha mẹ, cho con cháu…
Trẻ thơ xúng xính và hít hà cái mùi áo mới trong 1 sự tự mãn về phong cách. Đó hẳn là bộ quần áo háo hức và nhiều mong đợi nhất trong cuộc đời...
Người ta bảo hoa để ngắm nhưng hoa cũng để thơm. Tất cả những thứ hoa ngày Tết như quất, đào, thược dược, lay ơn, violet… đều có thứ mùi thơm rất nhẹ mà quyện vào nhau say đắm, tinh tế khác hẳn với vẻ rực rỡ của chiếc áo nó mặc lên.
Mùi Tết trong mỗi người dù cũng giống mà cũng khác nhau, người nhớ thương mùi vôi mới, mùi cánh cửa sơn lại, mùi chiếc lư đồng được đánh bóng...
Rồi tất cả chúng ta, những đứa trẻ thơ bé ngày ấy lớn lên, rồi rời xa cha mẹ, rồi phụng phịu, cau có với hệ tư tưởng lỗi thời, với những nề nếp “khó chấp nhận”. Mẹ cha thích lộn xộn, con cái thích ngăn nắp, thời thượng. Cha mẹ nói nhiều, thanh niên thích được im lặng.
Nhưng có xa đến nơi nào, dù có ở bên kia bán cầu trái đất, thì Tết vẫn vọng về 1 thanh âm, 1 dự vị, 1 thứ mùi Tết len lỏi đến độ cay cả mắt. Nhớ mẹ nói nhiều mà có những câu đến khi đầu 2 thứ tóc mới biết là đúng, nhớ chén trà đắng ngọt thơm nồng uống cùng cha, nhớ nồi bánh chưng sôi lục bục cùng khói tỏa, nhớ vị ngọt và mùi thơm của miếng mứt... nhớ đến độ hoang hoải mà không thể chạm vào ngay lúc ấy mới thấy quê hương, mẹ cha là nhà.
Và Tết là để người ta nhắc rằng chúng ta đã có 1 tuổi thơ ngọt ngào được nuôi dưỡng bằng tình yêu của mẹ cha mà muốn về ngay nhà, trong gian nhà cũ kĩ, trong những mùi vị Tết nhớ thương.
Bao nhiêu năm lớn lên để tạo thành mùi Tết. Người ta không thích gói bánh chưng vẫn nấu bánh chưng để hưởng thanh âm xôn xao, để ngửi mùi gạo, mùi đỗ, mùi lá dong… để cho trẻ nhỏ thấy được 1 thứ mùi của yêu thương, của sum vầy. Thứ nâng đỡ người ta lúc cô đơn, lúc tưởng chừng muốn gục ngã.
Ừ thì có thể mất tất cả nhưng có 1 thứ không thể nào mất ấy là nhà mình, là những yêu thương vô điều kiện mẹ cha luôn giữ ở đó, như chiếc hộp bí mật mà công khai để về mở ra là 1 phép nhiệm màu của sự tha thứ, bao dung, nhẫn nại bung tỏa.
Bao nhiêu người con xa quê vào lúc cắt bông hoa đào bằng giấy thấy rưng rưng, thấy như mùi pháo thơm năm nào bay tỏa trong tâm trí đến độ cứ muốn chìm vào đó mãi.
Và giờ này là khi bạn đang được cảm nhận tất cả những mùi Tết kia mà không cần phải dùng đến sự tưởng tượng, khi còn mùi của cha mẹ, của những bữa cơm đoàn viên, của những món ăn ngày Tết… thì hãy tận hưởng nó bằng tất cả giác quan và trái tim thơ trẻ, được 1 lần thôi sống lại tuổi thơ và giữ cho con cái yêu thương của ấu thơ. Cũng nên sống bằng trái tim của kẻ trưởng thành, đừng giữ mãi sự bồng bột bởi thời gian của mẹ cha ngày càng bị rút ngắn đi rồi. Hãy giữ những hạnh phúc của tình yêu máu mủ, giữ sự thân thương ruột rà, thứ mà tiền nào bạn cũng không thể mua…
Nào Tết đến thật rồi, hít yêu thương tràn tỏa trong lòng, xóa đi những bộn bề của năm cũ… Chúng ta có lẽ sẽ không thực hiểu thế nào là tình yêu nếu không có Tết. Nào hãy giữ cho yêu thương ở ngay đây, trong trái tim này và tự pha chế thứ mùi Tết thượng hạng của riêng chính mình!
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/mui-cua-tet-thu-mui-huong-thuong-hang-voi-cong-thuc-pha-che-doc-quyen-cua-nhung-ban-limited-co-do-luu-huong-vinh-cuu-162211102000023183.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.