Rất nhiều người cho rằng việc sống tối giản không phù hợp với những gia đình có con nhỏ, bởi những đứa trẻ sẽ ''ngốn'' rất nhiều đồ đạc. Từ quần áo, đồ chơi, sách vở... và một trăm khoản không tên khác. Một số người khác lại cho rằng đây là lối suy nghĩ sai lầm, chẳng nhẽ vì vậy mà họ không có ý định sinh con?
Minh Trang, bà mẹ có 4 đứa con cho rằng khi có con, đặc biệt là có nhiều con sẽ giúp hai vợ chồng có cơ hội sống tối giản và thử các cách chi tiêu tiết kiệm. Nổi tiếng là một bà mẹ sống giản dị, cho con tiếp xúc với thiên nhiên và không gian ngoài trời nhiều nhất có thể, Minh Trang khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi cách giáo dục và chăm sóc 4 bạn nhỏ Daisy, Bánh Mì, Bơ, Ruốc. Các bé rất nhanh nhẹn, thông minh, hiểu chuyện và rất nề nếp.
Theo bà mẹ 4 con, tiết kiệm để không lãng phí, để giảm chi tiêu những khoản không cần thiết, tập trung cho các khoản thiết yếu hơn. Quan trọng hơn là khi bố mẹ tiết kiệm sẽ dạy cho các bạn nhỏ 1 đức tính quan trọng cho quãng đời sau này. Ngoài ra, tiết kiệm còn góp phần bảo vệ môi trường. Cùng lắng nghe bà mẹ 4 con chỉ ra 11 tips cho việc chi tiêu và tiết kiệm khi có một gia đình đông con như thế nào nhé.
1. Chọn đồ mình thực sự cần. Đồ mình CẦN nghĩa là nếu không có món đồ đó thì sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hiện tại của mình.
2. Đồ mình không cần thì dù giá rẻ hay được sale nhiều bao nhiêu cũng là chi tiêu không cần thiết, lãng phí.
3. Đồ thiết yếu không có hạn sử dụng hoặc hạn sử dụng siêu dài thì có thể mua số lượng nhiều 1 lúc cho tiết kiệm chi phí, vì thường mua số lượng lớn bao giờ cũng có giá tốt hơn là mua lẻ. Ví dụ như: bỉm, sữa, giấy ăn, giấy vệ sinh, nước giặt, đồ thực phẩm khô…
4. Đồ dùng dùng thường xuyên, theo cặp, như kiểu tất (vớ) mình thường mua cùng màu, cùng loại, đảm bảo vừa đỡ mất thời gian tìm kiếm phân loại, vừa đảm bảo nếu lỡ may thất lạc 1-2 chiếc thì vẫn yên tâm không lo cọc cạch, lãng phí.
5. Đồ dùng cá nhân của các bạn nhỏ sẽ dán sticker ghi tên đầy đủ, nhất là đồ mang tới lớp, để tránh thất lạc, nếu thất lạc thì cũng dễ tìm lại. Với quần áo thì mình dùng bút marker viết tên vào mác quần áo hoặc mặt trong phần gấu áo, cạp quần. Với bình nước, ba lô, cốc đánh răng, bàn chải, kem đánh răng, chăn, gối… thì khâu tên hoặc dùng bút đánh dấu để viết tên lên.
6. Với các đồ dùng không cần dùng quá lâu năm hoặc các đồ nội thất lớn, các đồ máy móc, dụng cụ giá trị cao, ưu tiên mượn hoặc xin hoặc mua lại đồ dùng rồi nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Ví dụ như nôi cũi, xe đẩy em bé, máy hút sữa, đồ thiết bị bếp, thiết bị gia dụng...
7. Ngược lại, nếu có đồ dùng còn tốt nhưng không có nhu cầu sử dụng nữa, mình thường đăng bán thanh lý hoặc cho/tặng những người cần, vừa đỡ tốn chỗ trong kho, để lâu dễ hư hại, hỏng hóc, giảm giá trị, lại thu hồi được 1 chút chi phí để dùng cho các việc cần thiết khác. Đơn giản và nhanh nhất là post thông tin các món cần mua/thanh lý trên facebook cá nhân, ngoài ra thì có 1 số hội nhóm thanh lý khác. Mình thường ưu tiên mua/thanh lý của người quen, hoặc các hội nhóm mình quen biết (ví dụ group cư dân của chung cư nhà mình), vì 1 là người mua/bán sẽ ở gần mình, việc xem hàng/mua bán cũng dễ dàng, 2 là đảm bảo là người thật việc thật, tránh các trường hợp ở xa, không thể xác thực thông tin dẫn đến nguy cơ lừa đảo đáng tiếc.
8. Mua hàng chính hãng, từ các kênh bán hàng uy tín. Vì mua phải hàng giả, kém chất lượng, hoặc không có bảo hành, không được hỗ trợ đổi trả cẩn thận thì dù rẻ hơn 1 chút nhưng thực ra vẫn là đắt và lãng phí. Mình siêu thấm thía vụ này sau khi làm mất đôi tai nghe airpod xong tiếc tiền nên mua 1 đôi giá rẻ, nhưng về dùng siêu chán và được vài ngày là cất vào ngăn kéo, thế nên tuy chỉ 500.000 đồng thì vẫn cứ là lãng phí.
9. Các dịp đặc biệt như sinh nhật, 8/3, 20/10, sắp sinh em bé… mình hay gửi wishlist tới những người thân thiết nhất của mình, và cũng khuyến khích mọi người gửi wishlist vào các dịp đặc biệt của họ. List đồ sẽ đa dạng các khoảng giá để người nhận linh hoạt lựa chọn theo khả năng của mình. Đây là việc khá phổ biến ở nước ngoài, đảm bảo người nhận sẽ nhận được đồ họ thực sự cần, người tặng đỡ mất công phải nát óc suy nghĩ, đoán đoán các kiểu, tránh lãng phí rất nhiều.
10. Đồ thực phẩm nên ưu tiên mua đồ địa phương và theo mùa, sẽ rẻ tươi hơn vì không mất nhiều chi phí như đồ nhập khẩu và trái mùa.
11. Tip cuối cùng của mình là tăng cường tự làm, đồ DIY (do it yourself - tự tay làm lấy) trong khả năng có thể, thay vì mua sẵn. Những dịp đặc biệt, các bạn nhỏ nhà mình thường tự làm thiệp, tự làm quà tặng cho bố mẹ, ông bà, bạn bè. Hàng sáng chúng mình tự pha cafe, tự nấu và ăn sáng ở nhà, thi thoảng tự nấu trà sữa, tự làm các món ăn vặt yêu thích cùng nhâm nhi với nhau, vừa an toàn, đảm bảo lành, sạch, vừa vui, và đương nhiên cũng tiết kiệm nhiều.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/muon-song-toi-gian-thi-tot-nhat-la-khong-nen-co-con-ba-me-4-con-chung-minh-dieu-nguoc-lai-cang-nhieu-con-cang-co-co-hoi-tiet-kiem-22202151115594036.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.