1. Tham gia đầy đủ các buổi họp mặt giữa phụ huynh - giáo viên
Trẻ nhỏ sẽ có thành tích học tập tốt nếu như luôn được bố mẹ quan tâm sát sao đến việc học. Cách tốt nhất để nắm rõ tình hình của con là bố mẹ hãy tham gia đầy đủ các buổi họp, buổi trao đổi giữa phụ huynh - giáo viên, ban giám hiệu.
Đây là cách để bố mẹ cập nhật thông tin trường lớp nhanh nhất. Ngoài ra, bạn còn có thể nói chuyện với giáo viên về năng lực học tập của con, cũng như những điều muốn nhà trường chú ý hơn. Nếu con có nhu cầu học tập đặc biệt thì những buổi gặp mặt này càng là cơ hội tốt để trao đổi.
2. Đến thăm trường và đọc thông tin trên website
Việc biết rõ quy mô, vị trí các phòng học trong trường như: phòng ăn, phòng chức năng,... sẽ giúp bạn kết nối dễ dàng với con hơn khi nói chuyện về một ngày ở lớp. Ngoài ra, bố mẹ cần tích cực kiểm tra trang website chính thức của trường.
Bởi đây thường là nơi đăng những thông tin quan trọng và chính thức như: lịch học, cách thức liên hệ với nhà trường, các sự kiện sắp diễn ra,..
3. Hỗ trợ con làm bài tập về nhà
Hỗ trợ ở đây không có nghĩa là bố mẹ giúp con làm bài tập. Thay vào đó, bố mẹ tạo cho con một không gian yên tĩnh, thoải mái và đầy đủ ánh sáng để tập trung học. Bên cạnh đó, bố mẹ cần loại bỏ những yếu tố nền gây mất tập trung như: tivi, truyện tranh, điện thoại.
Việc hướng dẫn con làm bài tập là tốt nhưng đừng bắt con phải làm đúng kết quả. Bố mẹ hãy hướng dẫn và để con tự làm. Có thể kết quả cuối cùng sẽ bị sai nhưng sau đó, con tự rút ra bài học cho mình.
4. Cung cấp bữa sáng đủ chất dinh dưỡng cho con
Nếu không được ăn sáng, con sẽ không có đủ sức khỏe để trải qua cả ngày dài học tập. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ có bữa sáng đầy đủ thường học tập tốt hơn so với những trẻ nhịn đói.
Vậy nên trước khi cho con đến trường, bố mẹ cần chuẩn bị đồ ăn sáng cho con. Các món ăn nên giàu protein, chất xơ và ít đường để giúp tăng cường khả năng tập trung và trí nhớ. Trong trường hợp con đi học muộn không kịp ăn sáng, bố mẹ có thể có thể cho con mang theo trái cây tươi, các loại hạt, sữa chua hoặc bơ đậu phộng và bánh sandwich để ăn.
Ngoài bữa sáng, bố mẹ cần chú ý cho con ngủ đủ giấc. Trẻ ở độ tuổi tiểu học cần ngủ từ 10 - 12 tiếng/ đêm. Đi ngủ sớm và đủ giấc sẽ giúp con tỉnh táo cả ngày. Ngược lại, thiếu ngủ dễ khiến con bị cáu kỉnh và mệt mỏi, thiếu tập trung trong lớp học.
5. Dạy con các tác phong, nề nếp
Khi đã đi học, trẻ cần phải có tác phong kỷ luật, biết sắp xếp công việc của mình thật khoa học. Chẳng hạn như đối với bài tập được giao, trẻ sẽ đánh dấu vào giấy nhớ để làm. Khi hoàn thành xong, trẻ có thể gạch những mục đó đi.
Hoặc với góc học tập, trẻ cần biết sắp xếp sách vở ngăn nắp, gọn gàng, tránh vứt bừa bộn. Thực tế nhiều đứa trẻ thường để sách vở lung tung và bị cuống mỗi sáng đi học. Để con học được tác phong, nề nếp thì bố mẹ cần làm mẫu và yêu cầu con thực hành theo. Trong quá trình hướng dẫn, bố mẹ nhắc nhở nếu thấy con chưa làm đúng.
6. Dạy con các kỹ năng học tập
Nhiều đứa trẻ vì không biết sắp xếp thời gian biểu nên thường làm bài tập muộn với hạn cô giáo giao. Để con không rơi vào tình trạng này, bố mẹ cần hướng dẫn cho con cách lên kế hoạch: Môn nào cần làm trước, môn nào cần làm sau và làm trước bao nhiêu ngày.
Ngoài ra, bố mẹ cần dạy con cách học tập đúng đắn, không nên quá căng thẳng. Chẳng hạn như trong quá trình học, nếu thấy quá mệt, con có thể tạm nghỉ 30 phút để thư giãn. Trước những bài kiểm tra, bố mẹ cho con làm thử các bài mẫu để rèn luyện kiến thức, kỹ năng phân bổ thời gian cho các câu hỏi.
7. Nhắc nhở con về những điều quy định, kỷ luật ở trường học
Mọi trường học đều có các quy tắc và hình thức kỷ luật nếu vi phạm. Chẳng hạn như con sẽ bị đình chỉ học nếu gian lận, bắt nạt bạn,... Hãy nhắc nhở con về những điều này, đồng thời bày tỏ những kỳ vọng của bố mẹ với con. Điều này sẽ giúp những đứa trẻ chú ý hơn trong cách cư xử ở trường lớp và luôn nỗ lực học tập tốt.
8. Bố mẹ tích cực tham gia vào hội phụ huynh, các sự kiện ở trường
Việc tham gia vào hội phụ huynh hay tình nguyện giúp đỡ nhà trường trong các sự kiện sẽ thể hiện được sự quan tâm đến giáo dục của bố mẹ. Một vị phụ huynh năng nổ cũng thường chiếm được cảm tình của giáo viên và khiến các thầy cô quan tâm tới con bạn hơn.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng quan tâm đến cảm xúc của con. Bởi một đứa trẻ không thích bố mẹ xuất hiện quá nhiều ở trường lớp.
9. Cho con đi học một cách nghiêm túc
Nếu con bị ốm, bố mẹ tất nhiên có thể xin phép giáo viên cho con nghỉ học vài buổi. Tuy nhiên, đừng lạm dụng điều này. Việc cho phép nghỉ học vô tội vạ có thể khiến con nảy sinh tính lười biếng và kiếm cớ, giả vờ mệt mỏi để được nghỉ học.
Ngoài ra, bố mẹ cần cho con đi học đúng giờ, không đi muộn và chú ý đến vấn trang phục của con. Trong trường hợp con thường xuyên than vãn không muốn đi học, bố mẹ hãy đến trường, gặp giáo viên và tìm hiểu rõ nguyên nhân. Bởi rất có thể con bạn đã gặp phải vấn đề không hay nào đó ở lớp, dẫn đến việc khủng hoảng tâm lý.
10. Dành thời gian trò chuyện với con về trường lớp
Vào mỗi buổi tối, bố mẹ hãy dành ra một khoảng thời gian để trò chuyện với con về những gì đã xảy ra trong ngày. Bạn có thể hỏi: "Hôm nay con đã học những gì", "Con cảm thấy thế nào về những chuyện ở lớp ra?",... Những câu hỏi này không chỉ giúp mối quan hệ giữa bố mẹ - con cái gắn kết hơn mà còn giúp bố mẹ sớm phát hiện ra những vấn đề của con. Từ đó, chúng ta kịp thời có cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nam-hoc-moi-da-bat-dau-va-day-la-10-dieu-quan-trong-ma-bo-me-can-lam-luon-va-ngay-de-con-co-thanh-tich-xuat-sac-o-bac-tieu-hoc-162200509151259304.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.