Người nhà mặc áo tang bao vây bệnh viện.
Ngày 7/11, hàng chục người nhà bệnh nhân Phan Văn Thuận (SN 1994, trú xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã tập trung bao vây Trung tâm y tế huyện Nông Sơn để phản ứng sau khi anh Thuận qua đời.
Theo gia đình nạn nhân, nguyên nhân khiến họ bức xúc là do các bác sĩ tắc trách khiến anh Thuận chết tức tưởi.
Cụ thể, anh Thuận bị sốt 39 độ nên đến điều trị tại Trung tâm y tế huyện Nông Sơn vào chiều 6/11. Dù bị sốt nhưng anh Thuận vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, nằm bấm điện thoại bình thường.
Các bác sĩ tại đây đã tiến hành khám và truyền nước cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ sau khi truyền nước thì anh Thuận bị "sốc tim". Bệnh nhân sau đó được cấp cứu khoảng 30 phút và được chỉ định chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Anh Thuận vẫn tỉnh táo, nằm bấm điện thoại khi nhập viện.
Tuy nhiên, bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam xác nhận bệnh nhân đã tử vong trước đó.
"Thuận bị bệnh tim bẩm sinh và từng phẫu thuật lúc 7 tuổi nhưng khi vào Trung tâm y tế huyện Nông Sơn, các bác sĩ không hề hỏi bệnh nhân Thuận có tiền sử bệnh gì hay không.
Chỉ sau khi anh Thuận mất, người nhà đến hỏi nguyên nhân thì bác sĩ mới hỏi lại và "ghi thêm vào bệnh án". Trước đó, các bác sĩ nói rằng anh Thuận bị sốt xuất huyết nhưng sau đó lại "sửa bệnh án" là bị viêm nội tâm mạc.
Việc làm của họ là tắc trách, vô trách nhiệm khiến anh tôi chết tức tưởi", một người thân bệnh nhân bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn, xác nhận sự việc bệnh nhân Phan Văn Thuận tử vong sau khi nhập việc. Đặc biệt, ông Châu phủ nhân nguyên nhân tử vong là do tắc trách của nhân viên y tế.
Theo hồ sơ, bệnh nhân Thuận nhập viện lúc 17h30 ngày 6/11 trong tình trạng bị sốt 39 độ, tức ngực. Các y bác sĩ đã cho làm tất cả các xét nghiệm.
Nhưng bệnh nhân sau đó đột ngột tử vong.
"Chúng tôi chẩn đoán sơ bộ ban đầu là "theo dõi viêm nội tâm mạc", một dạng bệnh liên quan đến tim mạch. Bệnh viện đã tiến hành cho hạ nhiệt, truyền dịch, nhưng bệnh nhân bị đột tử bất ngờ.
Bệnh nhân tự bị đột tử nhưng người nhà cứ nghĩ do truyền dịch bị sốc thuốc. Khi bệnh nhân trụy tim mạch, trụy tuần hoàn, chúng tôi buộc phải tăng khối lượng tuần hoàn bằng cách xả dịch, đặt nội khí quản…, làm tất cả các biện pháp hồi sức.
Bệnh nhân này có tiền sử bệnh tim mạch, có phẫu thuật năm lớp 1", ông Châu giải thích.
Theo ông Châu, việc một nam thanh niên khỏe mạnh đột tử khiến gia đình phản ứng là rất dễ hiểu. Gia đình cũng lầm tưởng anh Thuận bị sốt xuất huyết, nhưng không phải.
"Ngành y chúng tôi rất thông cảm. Tôi khẳng định tinh thần, thái độ phục vụ của Trung tâm không hề có sự tắc trách", ông Châu nhấn mạnh.
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.