Nàng dâu Việt kể về cái Tết một mình lái xe trên tuyết, bật khóc vì nhớ chồng, nhớ nhà trên đất Nhật

4 năm ở Nhật, nàng dâu Việt Trần Ngọc Mai nhớ mãi cảm giác cô đơn khi một mình lái xe trong trời tuyết mịt mù, bật khóc vì nhớ chồng, nhớ nhà, nhớ quê hương.

Nếu như ngày Tết đối với hội chị em là một chuỗi những ngày "ám ảnh" với công việc bếp núc, cỗ bàn bận rộn. Thì những nàng dâu xa quê hương lại coi việc được bận bịu trong ngày Tết là một niềm hạnh phúc. Bởi lẽ, chỉ có những người phải đón Tết trong cô đơn thì mới thấm thía được ý nghĩa của tình thân, của những bữa cơm sum họp có đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Nhắc đến Tết, Trần Ngọc Mai (25 tuổi, Hà Nội) lại không thể quên được những kỷ niệm khó quên trên đất Nhật. Hai vợ chồng Mai sang Nhật sống từ ngay sau đám cưới, nên cô gái Hà Nội này không có cơ hội được đón năm mới cùng nhà chồng. Trong ký ức của cô, có lẽ 4 lần đón Tết Việt tại Nhật Bản sẽ trở thành những trải nghiệm không thể nào quên.

Mai và ông xã đã có 4 năm ăn Tết Nhật.

4 năm ăn Tết ở Nhật thì 4 năm đều có ấn tượng riêng. Nhưng buồn nhất có lẽ là năm thứ 2 vợ chồng cùng sang Nhật. Mai kể, ngày đó cô vẫn ở một mình, vì trường học của hai vợ chồng cách nhau tới 20 cây số. Hàng ngày, cô lại tự lái xe đi học. Đến ngày Tết, lẽ ra vợ chồng được đoàn tụ vui vẻ bên nhau thì vì công việc, học tập bận rộn mà phải chịu cảnh hai nơi xa cách.

"Năm ấy, đợt Tết mình bận lắm, nhiều bài tập nên toàn 9-10 giờ đêm mới lái xe về nhà. Bên Nhật thì không ăn Tết âm lịch nên hôm đó, nhịp sống vẫn bận rộn như thường. Nhớ nhất một buổi tối, quên không ăn tối nên bụng đói meo. Mình lái xe mà tuyết cứ mịt mù đâm vào kính xe. Trong xe thì nhạc lại chuyển đến bài Lắng nghe mùa xuân về. Thế là cứ vừa khóc vừa nhớ nhà, vừa nhớ chồng. Đến 29 Tết thì chồng mình xin phép sếp về thăm nhưng vì một số trục trặc nên không xin nghỉ thêm được ngày mùng 1 Tết. Vì cứ muốn ở cùng nhau qua đêm giao thừa nên sáng sớm mùng 1, hai vợ chồng thống nhất sẽ mua vé tàu cho chồng quay lại viện. Mình nhớ là hôm đó còn suýt muộn tàu, chồng kể lại là vừa lên tàu là cửa đóng sầm luôn. Xong mình lại lên viện nghiên cứu tiếp. Mà tinh thần không có, gọi điện về cho gia đình lúc đấy thấy mẹ bảo chuẩn bị đi chùa rồi chúc Tết mà cứ khóc thôi. Rồi cứ nói giá mà…", Mai kể.

4 năm ở Nhật thì có duy nhất một năm đầu tiên hai vợ chồng Mai mới có cơ hội về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Nhưng lần đó về vào mùng 3, nên cũng gần như đã hết không khí Tết cổ truyền. Vì đã lâu không được về quê hương đón năm mới, nên Mai nhớ và rất trân trọng những khoảng thời gian được gần gũi mọi người.

Mâm cơm tất niên đơn sơ mà Mai tự chuẩn bị ở Nhật.

Hội người Việt tại Nhật cũng có tổ chức đón năm mới.

Khi được hỏi, Mai cho rằng khác với những chị em hay than phiền Tết mệt mỏi, là nặng nề, áp lực. Thì Mai lại chỉ mong được một lần về quê ăn Tết cùng gia đình. Bởi chỉ có ở bên cạnh người thân trong những ngày này, mới có thể cảm nhận được đầy đủ hương vị Tết. "Nếu ở Việt Nam mà ở quê đón Tết chắc phức tạp hơn nên chị em kêu ca như vậy chứ nhà mình cũng đơn giản lắm. Nấu nướng chỉ bận tí xíu thôi nhưng lại vui. Mình đón Tết bên này rồi thấy buồn lắm nên thú thực chỉ mong về nhà thôi, có bận bịu một chút nhưng bận mà vui. Với cả mình nghĩ một năm cũng chỉ có một lần nữa mà", Mai bộc bạch.

Năm ngoái, vợ chồng Mai đón thêm thành viên mới. Mai sinh em bé vào ngày 20 Tết nên mẹ chồng sang Nhật đón Tết cùng với cả nhà. Mùng 5 Tết, bố chồng Mai sang sum họp. Rồi anh trai chồng đang làm việc ở Tokyo cũng ghé qua thăm cháu. Đó là cái Tết duy nhất cả nhà được đoàn tụ trên đất khách.

"Mình sinh em bé có chút sự cố nên con phải ở lại bênh viện suốt 3 tuần liền. Ngày nào mình với mẹ chồng cũng chỉ chờ đến giờ thăm con là đưa nhau vào viện. Chỉ mình được vào còn mẹ chồng cứ ngồi ngoài chờ miết thôi. Bác sỹ cứ hứa hẹn sắp khỏi rồi mà mãi chưa khỏi. Cả nhà cứ ngóng Tết thì con về mà lai rai suốt hết Tết. Nên hồi đó có tâm trạng Tết gì đâu, mà chỉ ngóng con thôi à, cả nhà gọi là đón tết bệnh viện", Mai chia sẻ.

Đón Tết ở Nhật cũng có đặc thù riêng. Bởi bên này người Việt sống khá đông. Nhưng khu vợ chồng Mai ở thì toàn là người làm nghiên cứu, tháng 1, tháng 2 mọi người đều rất bận, chỉ ở lại viện nghiên cứu suốt nên hầu như các nhà chỉ đón Tết với người thân là chính, không có nhiều hoạt động cộng đồng. Trường Mai cũng có gần 100 người Việt, đêm giao thừa hay có một bữa tất niên. Nhưng hai vợ chồng Mai sống không gần trường, nhà xa nên cứ hết việc lại tranh thủ về nhà ngay. Ở trường ông xã lại chỉ tổ chức Tết Tây. Nên những ngày này, hai vợ chồng cũng có chút chạnh lòng vì không có được cảm giác đón Tết ấm cúng như ở Việt Nam.

Mai chỉ ao ước được về Việt Nam đón Tết cùng người thân.

Hai vợ chồng Mai sống riêng, nên năm nào có đủ vợ chồng thì sẽ đi sắm Tết. Mua cành đào, lọ hoa, mâm ngũ quả, nấu ít món ăn ngày Tết như xôi gà luộc, canh miến... Còn bánh chưng với giò chả thì ở chỗ Mai ở không có bán, phải đặt mua qua mạng, cũng khá là đắt mà không được ngon như ở nhà. Các nàng dâu xa quê hay rủ nhau mua chung cho đỡ tiền vận chuyển và để Tết có thêm không khí.

"Năm nay, ông xã mình bảo vệ PhD, nên hi vọng tối hôm đấy sẽ là tối vui nhất của nhà mình trên đất Nhật", Mai hào hứng tâm sự.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang