Chi phí giáo dục là khoản đầu tư quan trọng nhất của đời người, mà sự lựa chọn đúng - sai đôi khi dẫn đến những hệ quả khó lòng sửa chữa được. Vậy nên, cũng không quá khó hiểu khi mỗi khi con gần đến giai đoạn chuyển cấp là các bậc phụ huynh lại đau đầu không biết chọn trường cho con theo hướng nào. Trường công hay tư, quốc tế hay tăng cường tiếng Anh, con học nhiều hay chương trình học nhẹ nhàng... Không ít chia sẻ, tranh luận giữa các phụ huynh thể hiện sự băn khoăn, lo lắng, khó định hướng của các bậc cha mẹ.
Nói về việc chọn trường, anh Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập cho rằng, thế hệ trước đây của anh và nhiều bậc cha mẹ chỉ có lựa chọn duy nhất là học trường công của chính phủ. Nhưng trong nhiều năm qua, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn, điều kiện phát triển tốt hơn, cha mẹ quan tâm đầu tư giáo dục cho con cái cũng nhiều hơn trước và mức độ hội nhập của xã hội Việt Nam với môi trường quốc tế cũng cao hơn rất nhiều.
Học sinh ngày nay có thể lựa chọn trường công của chính phủ, trường tư với nhiều mô hình hoạt động như dạy chương trình tương tự trường công; trường tư có sự tự chủ cao về chương trình học, thậm chí chỉ dạy chương trình các quốc gia khác hoặc chương trình quốc tế. Người học có nhiều lựa chọn để tìm kiếm cho mình chương trình học, môi trường học phù hợp nhất với nhu cầu.
"Chắc chắn là trong thời đại ngày nay cha mẹ có điều kiện hơn, nhưng cũng đối diện với thách thức đó là phải tiếp cận khá nhiều thông tin để tìm hiểu và chọn được ngôi trường phù hợp nhất", anh Khánh Nguyên nói.
Trường tăng cường tiếng Anh, trường song ngữ, hay trường quốc tế hoàn toàn là gì?
Theo anh Nguyên, các danh xưng nói trên không có sự phân loại chính thức nào từ cơ quan quản lý. Đây chỉ là cách gọi phụ huynh và các nhà giáo dục đưa ra để gọi tên một cách mạch lạc các hệ thống trường học ở Việt Nam.
Trường tăng cường tiếng Anh là thuật ngữ chúng ta tạm đưa ra để có thể miêu tả chính xác nhất về một chương trình học vẫn dạy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, có bổ sung thêm một số các tiết học tiếng Anh. Thông thường với trường tăng cường tiếng Anh thì mức độ học sinh thành thạo ngoại ngữ sẽ cao hơn so với chương trình bình thường của quốc gia.
"Ví dụ TP HCM đã đưa ra chương trình tăng cường tiếng Anh, trong đó học sinh kết thúc tiểu học đạt tiếng Anh ở trình độ A2, hết trung học đạt trình độ B1 và hết phổ thông đạt trình độ B2. Mức độ này cao hơn 1 bậc so với chương trình phổ thông đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay trên toàn quốc. Theo đề án dạy và học ngoại ngữ toàn quốc, đầu ra cuối chương trình phổ thông là B1. Như vậy, các trường nào đặt mục tiêu tăng thời lượng tiếng Anh để học sinh đạt mức B2 khi tốt nghiệp THPT thì có thể coi là trường tăng cường tiếng Anh", anh Nguyên cho biết.
Bên cạnh đó, có những trường học chủ yếu dạy chương trình quốc tế hoặc của những quốc gia khác hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chương trình dạy bằng tiếng Việt nếu có thì chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 5-10% theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Đây có thể liệt kê vào nhóm các trường quốc tế hoàn toàn.
Những trường này trước đây theo truyền thống là của các cơ quan ngoại giao của những quốc gia tương ứng mở ra tại Việt Nam để phục vụ học sinh mang quốc tịch đó. Nhưng lâu dần, nhu cầu học các trường quốc tế tăng cao, thu hút cả phụ huynh người Việt với mong muốn con cái được hội nhập toàn cầu, phục vụ mục đích du học hoặc định cư nước ngoài... Thậm chí, nhiều trường quốc tế hiện nay mở ra với học sinh 100% người Việt. Theo anh Nguyên, đây là lựa chọn khá hấp dẫn với phụ huynh Việt Nam.
Trường song ngữ là một hình thức "lai" giữa trường quốc tế và trường quốc gia, trong đó 1 ngôn ngữ quốc tế và ngôn ngữ quốc gia được song song giảng dạy. Mô hình trường song ngữ phổ biến nhất ở Việt Nam là 50% chương trình Việt Nam và 50% chương trình nước ngoài. Tỷ lệ này có thể xê dịch một chút tùy trường.
"Đây là mô hình khá thú vị vì kết hợp được ưu điểm của cả hai mô hình kể trên. Ngoài ra còn giảm đi nhược điểm của chúng. Ví dụ trường tăng cường tiếng Anh có ưu điểm bám khá sát chương trình phổ thông quốc gia nhưng thời lượng tiếng Anh hạn chế, nên không phải học sinh nào học xong cũng đạt được trình độ B2 như mục tiêu đề ra. Trường hoàn toàn quốc tế cũng không ưu việt bởi hạn chế sự tiếp xúc với văn hóa và tiếng mẹ đẻ. Trường song ngữ do vậy được đánh giá khá "an toàn". Tất nhiên, mô hình này cũng có hạn chế bởi nó nằm ở khoảng "lưng chừng" giữa hai chương trình trên", anh Nguyên nói.
Chọn trường nào cho con?
Trở lại câu hỏi nên chọn trường nào cho con, anh Nguyên cho rằng, cha mẹ cần hiểu được đích đến để chọn đúng đường đi.
"Trước khi chọn trường, cha mẹ cần hiểu mình cần gì, mình muốn dẫn dắt con mình tới đâu, từ đó mới quyết định con đường và phương tiện gì để đi. Vấn đề chọn trường không đơn giản chỉ là ngôn ngữ, mà sâu xa hơn còn là chọn văn hóa, giá trị và bằng cấp kèm theo", anh nói.
Chọn trường cũng là một "di sản" mà cha mẹ để lại cho con cái lâu dài. Ví dụ cha mẹ đã chọn trường quốc tế thì biết trước con cái sẽ dùng ngoại ngữ thành thạo nhưng tiếng mẹ đẻ sẽ gặp thách thức. Hoặc nếu chọn mô hình trường quốc gia thì con cái sẽ tốt ở mảng ngôn ngữ, văn hóa trong nước nhưng phải bồi dưỡng thêm về hội nhập. Trường học mang theo những giá trị không phải nhất thời mà lâu dài, có khi cả cuộc đời mỗi em học sinh.
Mỗi đứa trẻ phù hợp với những giá trị khác nhau của một mô hình trường học. Cũng không loại trừ khả năng những đứa trẻ là anh chị em trong cùng một gia đình nhưng phù hợp với những hệ thống trường học khác nhau. Theo chuyên gia này, mỗi mô hình đều có những ưu nhược điểm riêng, và thông qua việc tìm hiểu rõ các mô hình trường sẽ hiểu được mô hình nào phù hợp nhất với con cái của mình.
"Cả trường công và trường quốc tế đều có thể sản sinh ra những học sinh xuất sắc, và đây là cái tôi thường thấy. Có những trường hợp thành công và thất bại cả trong trường quốc tế hay trường công Việt Nam. Không có trường học tốt nhất, chỉ có trường học phù hợp nhất", anh Nguyên nói.
Các trường tư thường thu một mức học phí từ cao đến rất cao. Vậy nên, trường công vẫn là một lựa chọn tốt với đại đa số các em học sinh, hoặc là lựa chọn duy nhất ở những khu vực nằm ngoài đô thị. Nếu không có điều kiện để tiếp xúc với nhiều chương trình học thiên về kỹ năng mềm, học sinh vẫn có thể học thêm những mảng trường công thiếu để bổ sung kỹ năng.
Đặc biệt, giáo dục gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cha mẹ đồng hành cùng con cái, học tập từ các cha mẹ khác, từ các thầy cô, sách vở... nhất là trong giai đoạn cách tiếp cận thông tin rộng mở và dễ dàng như hiện nay.
Bên cạnh đó, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên nhấn mạnh vai trò của nỗ lực cá nhân. Cha mẹ, thầy cô, trường học... đều không thể học thay được cho học sinh mà chỉ tạo cảm hứng, tạo môi trường. Quan trọng nhất là nỗ lực của bản thân người học, đó mới là yếu tố để mang lại hiệu quả trong học tập, bất chấp điều kiện, hoàn cảnh học tập có thể bất lợi ở mức nào.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.