Rất nhiều lần tôi nhìn thấy người bố được đóng vai ác, còn người mẹ thì đóng vai hiền trong giáo dục trẻ. Một người tỏ ra hung dữ hay đánh phạt trẻ, người còn lại thì dụ ngọt hay nói kiểu như "Ôi, mẹ thương, mẹ thương!".
Tưởng chừng, nó hiệu quả và tốt cho trẻ vì con thường nín khóc hay bớt quậy phá. Tuy nhiên, cách giáo dục "ông đánh, bà xoa" kiểu này là không đúng.
Nó sẽ ảnh hưởng lên hành vi và nhận thức ban đầu của trẻ, đặc biệt niềm tin và tính chân thật lên cha mẹ của trẻ sẽ bị phá vỡ.
Điều này rất nguy hiểm vì bạn đang dạy trẻ về phe cánh hay sự ỷ lại. Điều này cũng không có lợi ích trong giáo dục để trẻ có biểu hiện tốt hơn.
Sự không thống nhất trong cách dạy dỗ của cha mẹ để lại rất nhiều hậu quả cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Sự thống nhất quan trọng như thế nào?
Trẻ học thông qua trải nghiệm. Sự lặp lại một cách thống nhất sẽ giúp não bộ của con ghi nhận và đó là cách mà trẻ thay đổi hành vi.
Khi cùng 1 hành vi, nếu cha mẹ có cách xử lý khác nhau (ví dụ một người thì cho qua, một người phạt đánh mắng) thì trẻ không thể nhận ra đâu là đúng để thay đổi hành vi.
Giáo sư Bales, ĐH Georgia, Mỹ từng chia sẻ: "Sự thống nhất giúp não bộ trẻ ghi nhận, điều này cần thiết để phát triển sự tiên đoán cho hành vi của trẻ cho 1 tình huống nào đó".
Điều này có nghĩa là, trước khi xảy ra 1 tình huống tương tự trong tương lai, cách giải quyết thống nhất của cha mẹ trong tình huống trước đó sẽ giúp trẻ dễ dàng tiên đoán liệu biểu hiện như thế nào là đúng đắn để tránh gặp vấn đề trong trường hợp tương tự.
Hơn nữa, chính sự phát triển khả năng tiên đoán này làm trẻ có thể tự kiểm soát và quản lý cảm xúc tốt hơn. Đó là cách trẻ lớn lên trong hành động và trong suy nghĩ.
Nghiêm trọng hơn, theo nghiên cứu của nhóm Tiến sĩ Jaursch, ĐH Friedrich-Alexander-University, Đức cho thấy sự không thống nhất trong giáo dục của cha mẹ có liên quan đến phát triển các hành vi bất thường ở trẻ.
3 biểu hiện không thống nhất của cha mẹ khi dạy con
1. KHÔNG THỐNG NHẤT có thể đến từ sự đối lập trong cách giải quyết của cha mẹ, dù họ có thỏa thuận trước hay không. Ví dụ kiểu ông đánh bà xoa là 1 dạng có thỏa thuận.
2. KHÔNG THỐNG NHẤT cũng đến từ 1 phía từ cha hoặc mẹ. Ví dụ buổi sáng, trẻ làm đổ sữa lên bàn, lúc đó mẹ phạt bé. Nhưng chiều hôm đó, bé làm rơi thức ăn lên bàn, mẹ đi nhặt thức ăn lại. Đó cũng là 1 dạng không thống nhất.
3. Một sự KHÔNG THỐNG NHẤT nữa thường thấy là chỉ 1 người trong nhà giữ vai trò chơi, nói chuyện hay "sửa" hành vi của trẻ khi sai.
Người còn lại chỉ lo việc bên ngoài và không quan tâm, thường là người chồng. Điều này rất dễ làm bé hiểu sai vai trò của cha mẹ trong sự có mặt của họ trong gia đình.
Như vậy, để có sự thống nhất, chúng ta nên bao gồm trách nhiệm của cả cha và mẹ trong gia đình, mỗi người đều nên có 50% trách nhiệm giáo dục và chăm sóc trẻ khi cần.
Cả hai nên thống nhất cách giải quyết và khi 1 người "thi hành án" thì người còn lại sẽ ủng hộ quyết định này. Cách phân chia bên dưới có thể giúp bạn dể hiểu hơn.
Cha mẹ cần thống nhất điều gì?
1. Cha mẹ CẦN THỐNG NHẤT đưa ra luật lệ và nếp sống trong gia đình khi bắt đầu có trẻ xuất hiện trong đời sống của họ.
2. Cha mẹ có thể cùng bỏ qua 1 số hành vi không gây hại (không nhất thiết tất cả hành vi của trẻ đều cần phạt hay răn đe), nhưng với các hành vi ở mức độ nặng thì CẦN THỐNG NHẤT cách giải quyết.
Hành vi nào là nặng thì cả hai sẽ thống nhất trước đó và có thể cho trẻ biết, đặc biệt khi trẻ từ 2.5 tuổi.
Ai là người "thi hành án", ai là người đứng ngoài. Cả người đứng ngoài và người thi hành án sẽ cùng trò chuyện với trẻ trong 24 tiếng sau khi "thi hành án".
Khi trò chuyện, bạn cho trẻ biết là cả hai bố mẹ đều thương trẻ, và mong muốn con không tái phạm nữa vì đó là luật của gia đình mình.
3. Tránh tối thiểu 3 điều được nói ở trên trong mục "không thống nhất", dù là khi trẻ không ở nhà.
Vài nét về tác giả: Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực". |
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.