Bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder - ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý.
Căn bệnh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ với mọi người.
Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu tương đối quy mô trên 1.594 học sinh ở hai trường tiểu học tại Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh này 3,01%.
Theo ThS. BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần Nhi – Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn tăng động giảm chú ý thường khởi phát bệnh sớm từ trước khi trẻ 7 tuổi. Trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ. Hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành.
Có 3 dạng rối loạn tăng động giảm chú ý:
Hiếu động – bốc đồng: Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý dạng này sẽ rơi vào tình trạng hiếu động và bốc đồng quá mức.
Không chú ý: Triệu chứng nổi bật nhất là ít chú ý.
Kết hợp hiếu động – bốc đồng và giảm chú ý: Trường hợp này có triệu chứng của cả hai trường hợp trên.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý
Hiện nay y văn thế giới vẫn chưa có đủ thông tin về nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên các khoa học cho rằng chứng rối loạn này có thể liên quan tới các hóa chất trong não. Khi các hóa chất trong não mất cân bằng có thể ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh.
Dấu hiệu trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý
Nếu có những dấu hiệu sau, con rất có thể đã mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Bố mẹ cần sớm đưa con đến gặp bác sĩ để có cách điều trị kịp thời, tránh để ảnh hưởng đến tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai.
Cụ thể có 7 dấu hiệu sau bố mẹ cần lưu ý:
Không nhận biết được mong muốn của người khác
Dấu hiệu thường gặp nhất của trẻ bị tăng động là không có khả năng nhận biết được nhu cầu, mong muốn của người khác.
Trẻ có thể cắt ngang lời khi mọi người đang nói chuyện và không chịu ngồi yên chờ đến lượt mình. Khi tham gia các hoạt động trong lớp và chơi đùa với các bạn, trẻ thường xen vào phần của người khác.
Xáo trộn tình cảm
Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường khó kiềm chế được cảm xúc cá nhân, kể cả cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Nhiều khi, trẻ bùng nổ cơn giận dữ giữa chốn đông người hoặc những thời điểm không phù hợp.
Bồn chồn, không yên
Trẻ mắc chứng rối loạn này thường không thể ngồi yên một chỗ và lúc nào người cũng như được gắn động cơ. Trẻ sẽ cố gắng đứng lên, chạy nhảy xung quanh liên tục. Khi bị bố mẹ bắt ngồi im, trẻ sẽ liên tục vặn vẹo, nghịch ngợm những thứ xung quanh.
Không hoàn thành nhiệm vụ
Trẻ mắc ADHD có thể thích thú với rất nhiều thứ nhưng lại không bao giờ theo đuổi đến tận cùng. Thường thì trẻ sẽ bắt đầu một dự án, một công việc hoặc bài tập về nhà nhưng luôn làm được một lúc lại bỏ dở và quay sang thứ khác thu hút hơn.
Thiếu tập trung
Trẻ gặp khó khăn trong việc chú ý những lời người lớn nói. Khi bố mẹ hỏi, trẻ sẽ trả lời là đang lắng nghe nhưng khi bố mẹ yêu cầu lặp lại, trẻ sẽ không biết nói gì.
Hay lơ đễnh
Trẻ mắc ADHD không hề kém thông minh so với những đứa trẻ bình thường. Vấn đề trẻ gặp phải khó khăn khi nghe các lời hướng dẫn của người lớn. Điều này dẫn đến những sai sót, lỗi lầm do lơ đễnh.
Mơ màng
Trẻ mắc chứng ADHD thường được miêu tả là hiếu động, ồn ào quá mức. Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại khi một số trẻ lại thích yên tĩnh và không quan tâm đến thế giới xung quanh.
Trẻ có thể luôn trong trạng thái mơ màng, thích nhìn lơ đãng ra ngoài trời và không hứng thú với những hoạt động tập thể.
Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/neu-con-ban-co-nhung-...
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.