Nếu con nói dối, bố mẹ hãy sử dụng ngay cách hữu dụng này để dạy con thành đứa trẻ trung thực

Rất nhiều em bé nói dối một cách không kiểm soát khiến bố mẹ đau đầu tìm cách giải quyết, đây chính là phương pháp vô cùng hữu hiệu trong việc giúp con luôn trung thực.

Đã là bố mẹ, ai cũng muốn nuôi dạy con mình thành những đứa trẻ trung thực. Bố mẹ nào cũng mong rằng mỗi việc con làm đều có lý do đúng đắn và con biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Bởi tất cả chúng ta đều hiểu rằng, lòng tin giữa người với người là một thứ vô cùng khó để đạt được nhưng lại dễ dàng mất đi khi thiếu sự trung thực.

Làm thế nào để bố mẹ nuôi dạy thành công những đứa trẻ trung thực?

Để bắt đầu tìm hiểu về cách dạy trẻ tính trung thực, bố mẹ hãy đọc câu chuyện nhẹ nhàng dưới đây: 

Tôi có một cô con gái 6 tuổi, và đêm nào tôi cũng đưa con vào phòng ngủ và chúc con bé ngủ ngon. Hôm đó cũng như mọi đêm khác, khi tôi đưa con vào phòng ngủ thì con nói: "Mẹ ơi, khỉ bông của con khác lắm, bạn ấy cũng lớn lên giống con hả mẹ?".

Chú khỉ mà con nói là thú bông mà con đã ngủ với nó từ khi 2 tuổi, chính xác là con đã ngủ với một trong số những chú khỉ giống hệt nhau. Chúng tôi mua nhiều như vậy để đề phòng khi một chú bị hỏng thì ngay lập tức sẽ được thay thế để không ảnh hưởng đến thói quen của con gái mình. 

Nếu con nói dối, bố mẹ hãy sử dụng ngay phương pháp đặc biệt hữu dụng này để nuôi dạy con thành đứa trẻ trung thực  - Ảnh 1.

Con gái luôn ngủ với thú bông như người bạn - Ảnh minh họa.

Tất nhiên, khỉ bông của con gái tôi không lớn lên như cô bé nghĩ. Mà vì chú khỉ bông trước đó đã bị rách áo, đầu bị lật và bị bẩn khá nhiều nên chúng tôi thay chú bằng một bạn khỉ bông mới. Nhưng trong tâm trí của con gái tôi, cô chỉ có một chú khỉ bông là bạn thôi. Làm sao để con chấp nhận được việc bố mẹ đã vứt bỏ và thay mới những người bạn đó của con trong suốt những năm qua. 

Khoảnh khắc con hỏi tôi về chú khỉ bông đã khiến tôi vô cùng bối rối. Tôi không biết mình có nên phản bội lòng tin của con và cho con biết sự thật hay cứ công nhận với con rằng bạn khỉ bông đã lớn lên để con không đau lòng?

Nhưng, tôi là một người mẹ nuôi dạy con theo chủ nghĩa trung thực bởi vậy tôi đã chọn sự thật để nói với con mình. Tôi ôm con vào lòng và thủ thỉ: "Bạn khỉ bông không lớn lên con ạ. Chúng ta có nhiều bạn khỉ bông, khi những bạn khỉ cũ bị bẩn, bị rách mẹ đã mua thêm các bạn khỉ khác để con luôn có những bạn khỉ sạch sẽ và lành lặn ôm đi ngủ mỗi đêm. Con có thể bạn khỉ bông hôm nay mềm hơn không? Vì bạn ấy là một chú khỉ mới tinh".

Sau khi nghe tôi nói, con bé im lặng khoảng một phút. Sau đó cười khúc khích và nói với tôi rằng: Cứ như chúng ta có cả một bữa tiệc khỉ bông đúng không mẹ? Tôi gật đầu mỉm cười với con. Sau đó con ngủ ngon và ngày hôm sau cô không còn nói gì về sự khác biệt của những chú khỉ bông nữa. 

Qua câu chuyện trên, các bậc phụ huynh sẽ thấy rằng để trung thực với một đứa trẻ là không hề dễ dàng. Nhưng thành thật với con lại là điều đầu tiên mà ai cũng cần làm nếu muốn nuôi dạy một đứa trẻ trung thực. 

Dù con có được tiếp xúc với bao nhiều người, đi học ở môi trường tốt thế nào đi chăng nữa thì bố mẹ vẫn luôn là hình mẫu hoàn hảo nhất mà con sẽ noi theo. Con sẽ bắt chước một cách vô thức tất cả những hành vi của bố mẹ, bao gồm cả những hành động gian dối hay trung thực mà bố mẹ vô tình thể hiện ra.

Bố mẹ hãy luôn nhớ rằng, cốt lõi của việc nuôi dạy những đứa trẻ trung thực là cách mà chúng ta thành thật với các con ngay cả trong những tình huống khó khăn.

Vậy nếu con nói dối thì phải dạy chúng như thế nào?

Đối với trẻ nhỏ: Từ 0 đến 5 tuổi

Việc đầu tiên, bố mẹ cần nhớ rằng thế giới của trẻ nhỏ rất khác đối với người lớn, và có những khái niệm mà con hoàn toàn không hiểu như "nói dối" chẳng hạn. Rất nhiều em bé không biết mình đang nói dối mà đó chỉ là cách con kể lại những gì diễn ra trong trí tưởng tượng phong phú của con mà thôi. Nếu như gặp phải tình huống con có biểu hiện không trung thực, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn với con. 

Nếu con nói dối, bố mẹ hãy sử dụng ngay phương pháp đặc biệt hữu dụng này để nuôi dạy con thành đứa trẻ trung thực  - Ảnh 2.
 

Hãy cứ để con kể câu chuyện tưởng tượng của mình, lắng nghe và cố gắng thấu hiểu điều con muốn nói. Không có đứa trẻ nào muốn nói dối cha mẹ mình cả, luôn luôn có nguyên nhân đằng sau khiến con cư xử như thế. Khi nắm bắt được nguyên nhân, hãy thành thật nói chuyện để cùng con giải quyết vấn đề.

Đối với trẻ từ 5 - 8 tuổi

Con thường nói dối vì sợ phải chịu trách nhiệm cho một hành động nào đó của mình. Con thường không có ý xấu khi nói dối mà chỉ vì quá sợ hãi mà thôi. Bố mẹ hãy trấn an con và cho con một cơ hội để giải quyết hậu quả cho những hành động của mình trong sự hòa bình, không quát mắng hay trừng phạt. 

Tất nhiên, không phải lời nói dối nào cũng vô hại, không phải lúc nào con cũng vô tình nói dối mà hoàn toàn có những lời nói là chủ đích của con để che giấu một điều gì đó. Lúc này sự tinh tế của bố mẹ sẽ giúp giải quyết tốt hơn là những câu gặng hỏi đe nẹt.

Hãy cứ từ từ nói chuyện với con, sử dụng những thông tin của mình để tìm ra vấn đề mà con gặp phải hay che giấu. Nói với con rằng bố mẹ luôn lắng nghe và tha thứ cho mọi lỗi lầm của con, nhưng đừng bao giờ nói dối. Chỉ khi cảm nhận được sự tin tưởng và cảm thông từ bố mẹ, con mới có thể thành thật.

Nuôi dạy một đứa trẻ trung thực không hề đơn giản nhưng cũng không phải quá khó khăn. Chỉ cần bố mẹ trung thực thì các con sẽ hiểu được giá trị của sự trung thực và cư xử thành thật trong suốt cuộc đời mình.  

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang