Buộc con phải nhường nhịn trẻ nhỏ hơn
Nhiều bố mẹ thường hay áp đặt con phải nhường nhịn mọi thứ cho em hoặc những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn. Ví dụ, một bé gái 5 tuổi đang chơi búp bê thì em gái 2 tuổi chạy ra giằng bằng được. Người mẹ lại gần và bảo con: "Nhường cho em đi. Em nhỏ hơn, con phải nhường em".
Dạy con biết nhường nhịn, chia sẻ cho người khác là tốt nhưng nếu thái quá và rập khuôn sẽ làm tổn thương đến ý thức của con về quyền sở hữu.
Con sẽ hoang mang về việc phải trao đồ vật thuộc sở hữu của mình cho người khác chỉ vì đối phương nhỏ tuổi hơn. Không chỉ vậy, việc phải nhường nhịn mọi lúc cũng gây ra sự bất bình đẳng trong các mối quan hệ. Con sẽ có suy nghĩ ỷ lại vào độ tuổi để vòi vĩnh và đòi người lớn đối xử ưu tiên.
Bắt con phải nói lời chào
Nhiều bố mẹ thường bắt con chào hỏi người lớn, họ hàng hoặc bạn bè của mình. Chẳng hạn khi đi trên đường và gặp người quen, mẹ liền nhắc: "Chào cô đi con".
Tuy nhiên con chẳng những không chào còn quay mặt đi và tỏ vẻ phụng phịu. Mẹ mất vui, xấu hổ với người quen và yêu cầu con phải chào ngay lập tức. Khi con không nghe lời, mẹ liền mắng con vì hư, khó bảo.
Chào hỏi là kỹ năng giao tiếp cơ bản và con cần được học từ nhỏ. Tuy nhiên, khi gặp người lạ, con dễ thấy xấu hổ và không kịp thích ứng. Hoặc có thể khi đó, con đang không vui hay mải chú ý đến việc gì đó.
Bố mẹ nhắc nhở con trước mặt người ngoài về việc chào hỏi vô tình biến con thành thụ động, thu mình, ngại giao tiếp và xấu hổ với việc phải làm hài lòng người khác.
Không chào hỏi nhiều khi đơn thuần là cơ chế "tự bảo vệ" của con. Thông qua cơ chế này, con tự học cách phân biệt những người mình "có thể tin cậy" – "không thể tin cậy". Khi đã thân quen, con sẽ tích cực trong việc chào hỏi hơn.
Để con tích cực chào hỏi, bố mẹ có thể chủ động giới thiệu bạn của mình, để con dần tiếp cận với đối phương. Khi con chưa thể chào, bố mẹ không nên trách mắng mà hãy chờ đến khi về nhà, lựa lúc vui vẻ để hỏi chuyện và nhắc nhở.
Dần dần con sẽ hiểu được chào hỏi là quy tắc giao tiếp cơ bản và thể hiện sự yêu quý, tôn trọng với đối phương.
Bắt con khiêm tốn khi được khen ngợi
Khiếm tốn là đức tính tốt nhưng nếu lúc nào bố mẹ cũng bắt phải khiêm tốn thì có thể khiến con mất tự tin.
Khi con đạt điểm thi cao và được hàng xóm khen ngợi, mẹ liền xua tay nói: "Những đứa trẻ khác còn giỏi hơn cháu nhiều!".
Câu nói vô thưởng vô phạt này có thể tác động rất lớn đến con. Thay vì được động viên khuyến khích, con lại tự ti và nghĩ rằng mình kém cỏi hơn các bạn hay thậm chí mẹ không nhìn nhận thành tích của mình.
Trước mỗi lời khen, điều đầu tiên bố mẹ làm không phải là khiêm tốn khước từ mà là học cách đón nhận. Bố mẹ có thể sử dụng quy tắc giao tiếp: 5 điểm cảm ơn, 3 điểm hỗ trợ, 2 điểm kỳ vọng. Tức là bố mẹ cảm ơn sự khen ngợi của đối phương sau đó đề cập đến sự tích cực con để đạt được thành quả. Sau cùng bố mẹ bày tỏ kỳ vọng con sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lại.
Với ví dụ trên, thay vì câu nói "Những đứa trẻ khác còn giỏi hơn cháu nhiều!", bố mẹ có thể nói: "Vâng, lần này cháu đã nỗ lực nhiều trong học tập. Tôi mong cháu cố gắng đạt thành tích tốt hơn những lần sau".
Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/neu-cu-bat-con-phai-thuc-hien-3-phep-lich-su-nay-thi-khong-khac-nao-bo-me-dang-don-con-vao-tinh-trang-ton-thuong-tam-ly-2220202811344283.htm
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.