Nếu mại dâm được hợp pháp hóa: Lo ngại về việc chọn nghề của giới trẻ

Bàn về vấn đề này, có ý kiến lo lắng rằng, nếu mại dâm được hợp pháp hóa thì một bộ phận lớp trẻ sẽ chọn mại dâm làm nghề.

Câu chuyện có nên hợp thức hóa mại dâm mới đây lại được nêu ra tranh luận. Có ý kiến ủng hộ, có ý kiến phản đối gay gắt. Người phản đối thì cho rằng mại dâm làm xấu hình ảnh xã hội, trái với đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Còn những ý kiến đồng tình lại cho rằng công nhận mại dâm để quản lý tốt hơn, bảo vệ quyền con người của những người bán dâm, và hơn hết dù có cấm thì mại dâm vẫn tồn tại. Tất cả đều có lĩ lẽ riêng.

Ở nước ta, mại dâm là tệ nạn và bị cấm nhưng thực tế, mại dâm vẫn tồn tại. Hiện không chỉ nữ bán dâm, còn có bán dâm nam, bán dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, thậm chí cả người nước ngoài bán dâm tại Việt Nam. Những người bán dâm hoạt động dưới nhiều hình thức, công khai có, bí mật cũng có…

Mại đâm là sự lựa chọn cuối cùng của các cô gái

Bàn về vấn đề này, có ý kiến lo lắng rằng, nếu mại dâm được hợp pháp hóa thì một bộ phận lớp trẻ sẽ chọn mại dâm làm nghề.

Trước ý kiến này, LS Trần Sỹ Tiến - Công ty Luật TNHH Hà Nội VDT - bày tỏ: “Đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Nhưng thực tế xã hội luôn cho chúng ta những suy nghĩ đối nghịch. Chúng ta không công nhận mại dâm là nghề nhưng mại dâm vẫn hiện hữu trong xã hội đáp ứng nhu cầu có thật.

Lớp trẻ có chọn "nghề mại dâm” hay không cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Từ nhận thức của bản thân các em, hoàn cảnh gia đình, xa hơn là sự dạy dỗ từ trong trường học mang tính định hướng cho các em”.

Còn anh Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, người từng có 8 năm làm việc cho các dự án giúp đỡ người nghiện, người nhiễm HIV và gái mại dâm cho hay: “Qua tiếp xúc trò chuyện, tôi biết mại dâm là sự lựa chọn cuối cùng của các cô gái. Ai cũng khóc khi lần đầu “hành nghề” hết.

Anh Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN (ảnh nhân vật cung cấp)

Đương nhiên, sẽ có nhiều người hỏi là tại sao họ không làm các công việc như ô sin, nghề lao động chân tay khác… Nhưng, khi làm nghề này đa phần là họ cần tiền gấp. Hầu như không ai chọn nghề này nếu như không phải bước đường cùng.

Việc các anh chị em ẩn mình do sự kì thị xã hội không giúp chúng ta hiểu hơn về họ. Vì vậy, chúng ta chỉ thấy anh chị em mại dâm là xấu xa, là lười biếng, là người phá tan xã hội này. Nhưng chúng ta không thấy nhiều người trong số họ cũng phải một tay gánh vác cả gia đình. Họ cũng là mẹ của những đứa trẻ đang ngày ngày chơi với con chúng ta trong trường học...

Nếu xã hội cởi lòng hơn, nhiều câu chuyện của họ sẽ cho ta thấy chính họ cũng đóng góp một phần giải toả áp lực sex, stress của xã hội này.

Năm 1999, nhóm bạn trẻ chúng tôi đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục sức khoẻ sinh sản và phòng chống HIV cho thanh niên (đây là một hình thức giáo dục đồng đẳng, lấy thanh niên nói chuyện với thanh niên) có dịp sang thăm Thái Lan tìm hiểu các mô hình bên đó.

Chính phủ Thái không có luật về mại dâm và người Thái không thích nước họ bị xem là "thiên đường tình dục". Thái đang có các quy định rõ ràng về "khu đèn đỏ" dành cho mại dâm, các quy định hành nghề dành cho các loại hình mại dâm và họ chỉnh các quy định này vài lần do các hình thức đa dạng về mại dâm.

Nhóm bạn trẻ chúng tôi được mục sở thị một cơ sở mại dâm kiểu nhà hàng tại tỉnh Phitsanulok (một tỉnh phía bắc Thái Lan) và hoàn toàn bất ngờ vì thời điểm năm 1999 ấy, Việt Nam nói đến chuyện tình dục giống như phản động bây giờ.

Cơ sở là một nhà hàng mà khách ngồi ăn có thể ngắm vào phòng kiếng có các cô gái mang số, mặc áo đầm trang điểm đẹp và cố khoe đường cong của mình nhằm kích thích khách hàng.

Người dắt chúng tôi vào thăm nơi đây là nhân viên y tế địa phương và anh được người quản lí nhà hàng niềm nở cho cả nhóm vào thăm, hướng dẫn tận tình. Anh nhân viên y tế chia sẻ thêm là các chị em làm việc ở đây phải đi khám sức khoẻ định kì ở cơ sở của anh và phải có giấy y tế mới được làm việc.

Ngành y tế thì kết hợp với các tổ chức phi chính phủ địa phương làm việc với chị em hành nghề mại dâm nhằm bảo đảm dịch vụ thân thiện của họ cũng như kiểm soát cơ sở có hành vi trái quy định hay không.

Chị em hành nghề an tâm không bị đối xử tàn tệ hay bạo lực bởi chủ và nhân viên dịch vụ cũng như khách hàng. Họ được học các kỹ năng bảo vệ bản thân, kiến thức về an toàn tình dục và hành nghề..., cũng như họ biết các nhân viên phi chính phủ để liên hệ khi có tình huống nào nguy hiểm xảy ra cho mình."

Luật sư Trần Sỹ Tiến (ảnh nhân vật cung cấp)

Hợp pháp hóa mại dâm phải có hệ thống công cụ pháp lý đủ mạnh

Chia sẻ dưới góc độ của một luật sư, LS Trần Sỹ Tiến cho biết, nếu coi mại dâm là một nghề thì đồng nghĩa với việc phải sửa luật. Hiện nay theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 thì các hành vi bị nghiêm cấm là mua dâm, bán dâm.

Do vậy Pháp lệnh này sẽ phải được thay thế bằng luật mới về mại dâm. Trên thế giới cũng có quốc gia coi mại dâm là một nghề. Ví dụ như Hà Lan, Đức… Tuy nhiên, đa số các quốc gia còn lại không công nhận đó là một nghề.

Cũng theo LS Tiến, nếu mại dâm là một nghề thì tất nhiên là phải sửa luật để công nhận mại dâm là một nghề chính thức. Cùng với đó là phải có những quy định để bảo vệ họ, ít nhất cũng như những người lao động khác.

Không nhưng vậy, mại dâm còn là một nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, an toàn tính mạng. Do vậy, càng cần phải có những quy định để quản lý chặt chẽ những hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Nếu hợp pháp hóa mại dâm sẽ giúp kiểm soát được hoạt động mại dâm trong khuôn khổ nhất định. Tuy nhiên, vấn đề kéo theo là cũng phải có những hoạt động khác để đồng bộ nghề nghiệp mại dâm với các ngành nghề khác. Thêm vào đó lại phải có một hệ thống công cụ pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn việc mại dâm quá giới hạn và các tệ nạn khác chạy theo.

Giả sử có coi mại dâm là nghề cũng không phải vì một xã hội văn minh mà chỉ có thể cho các nhà quản lý nhà nước kiểm soát được hoạt động mại dâm trong khuôn khổ nhất định. Như vậy, đó mới là một ý tưởng để duy trì trật tự, đem lại sự ổn định cho xã hội.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang