Hỏi:
Em có tham gia một hội các mẹ có con bằng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Em nghe nói khi các chị mang thai bằng cách TTTON thì phải giữ rất kỹ, thậm chí có khi còn phải nằm một chỗ, nói chung vô cùng vất vả. Bác sĩ cho em hỏi, nếu phải có con bằng cách đấy thì thực tế em phải trải qua các quá trình như thế nào và phải chăm sóc thai ra sao ạ? Nếu ở Hà Nội thì em có thể đến đâu để làm TTTON ạ?
Trả lời:
Bác sĩ tư vấn: Bác sĩ Phạm Thị Mỹ – Chuyên khoa Sản và Hiếm muộn – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ.
Chào bạn!
Trước hết, chúng ta cần biết rằng, trong chu kỳ thai tự nhiên, phôi sẽ phát triển và di chuyển từ vòi trứng vào buồng tử cung để làm tổ. Còn khi thực hiện kỹ thuật TTTON thì phôi sẽ được nuôi cấy bên trong ống nghiệm và được chuyển vào buồng tử cung khi phôi được 2,3,5 hoặc thậm chí là 6 ngày tuổi. Đến thời điểm phôi làm tổ thì niêm mạc tử cung và phôi được chuẩn bị đầy đủ trong TTTON không khác nhiều so với tự nhiên.
Vậy thì, thai thụ tinh trong ống nghiệm và thai tự nhiên có điểm gì khác nhau?
- Khi TTTON, các bạn phải bỏ chi phí quá lớn và mang trong mình một áp lực vô cùng nặng nề, đặc biệt với những cặp vợ chồng mong con quá lâu hoặc bị áp lực quá lớn từ gia đình. Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế cũng là nỗi lo lớn với các bạn. Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều những gia đình phải bán tài sản, vay tiền khắp nơi để chạy chữa. Áp lực của các bạn là quá lớn nên chúng tôi có thể thấu hiểu phần nào nỗi niềm đó.
Bệnh nhân cố gắng giữ tinh thần thoải mái nhất có thể. Nếu có thể làm được điều này thì bạn đã thành công 50% trong hành trình chữa trị vô sinh, hiếm muộn rồi.
- Sau khi chuyển phôi, các bạn nên đi lại nhẹ nhàng, bình thường, chỉ tránh những vận động nặng và leo cầu thang nhiều. Tuyệt đối không nên nằm yên một chỗ như các mẹ truyền tai nhau vì nó không làm tăng tỉ lệ có thai mà theo nghiên cứu nó còn làm giảm lưu lượng máu đến tử cung, tăng nguy cơ huyết khối thậm chí giảm tỷ lệ có thai.
Có bệnh nhân của chúng tôi truyền tai nhau sau chuyển phôi về nằm yên 1 vị trí không được trở mình, đến ngày thứ 3 gọi điện cho chúng tôi vì lý do là đau lưng quá không chịu được nữa, lại gây stress. Điều này là hoàn toàn không nên vì nó sẽ làm thai phụ khó chịu, đẫn đến sản sinh những hóa chất trung gian làm cản trở quá trình làm tổ của phôi, gây khó đậu thai, tăng nguy cơ dọa sẩy.
Trừ khi bạn có dấu hiệu dọa sẩy hoặc sinh non mới có chỉ định nằm nghỉ ngơi tại giường. Tóm lại, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể nên vận động hay nghỉ ngơi thế nào là hợp lý.
- Khi TTTON, sau chuyển phôi, bạn phải sử dụng thuốc hỗ trợ hoàng thể hay nói nôm na là thuốc hỗ trợ thai nên các bạn phải tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc hay thay thuốc nếu không có ý kiến của bác sỹ.
- Khi có thai TTTON 12 tuần đầu, có thể các bạn sẽ được hẹn thăm khám sát sao hơn (cách 1 tuần hoặc 2 tuần tùy tuổi thai). Nếu ở gần bệnh viện, các bạn nên đến viện để khám và kiểm tra. Nếu bạn ở xa, đi lại khó khăn thì có thể khám thai tại cơ sở khám thai uy tín và người nhà mang kết quả lên bệnh viện để được hướng dẫn tiếp. Sau mốc 12 tuần bạn sẽ được hẹn lịch thăm khám theo quy trình khám thai giống như thai tự nhiên và tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Chỉ lưu ý khi bạn có dấu hiệu dọa sẩy hay dọa sinh non như đau bụng dưới cơn hoặc ra huyết âm đạo thì hãy bình tĩnh xác định tình hình, nằm nghỉ tại giường nếu mức độ nhẹ và đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất khi cần thiết.
Hiện tại, ở Hà Nội, ngoài bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì đang có khá nhiều các trung tâm thực hiện TTTON như bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Trung tâm công nghệ phôi 103… Bạn có thể lựa chọn nơi thuận tiện nhất cho mình
Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây phần nào đã giải đáp những băn khoăn của bạn. Và nếu phải thực hiện TTTON, mong bạn nên vững vàng, giữ tâm lý thoải mái và đừng quá lo sợ.
Thân ái!
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.