Nếu thuộc kiểu cha mẹ thứ 3 trong bài viết này thì xin chúc mừng: Bạn rất tuyệt vời đấy, con cái cũng có tương lai tươi sáng

Con bạn có thật sự là đứa trẻ ngốc nghếch? Hay do chính bạn chưa có cách giáo dục tốt?

Thời gian trước, cộng đồng mạng từng phì cười với một clip quay cảnh cậu bé 5 tuổi khóc lóc, trách mắng bố. Cậu nhóc liên tục mếu máo, tố cáo bố chỉ cắm mặt vào điện thoại cả ngày mà không chỉ bài vở cho mình. Cậu còn yêu cầu tịch thu điện thoại để bố không được chơi game nữa.

Vẻ mặt hờn dỗi, đôi má phúng phính của cậu nhóc này từng khiến dân tình cười nghiêng ngả. Nhưng ngẫm lại, thực trạng giống như gia đình cậu bé đang diễn ra rất nhiều. Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ không làm gương tốt cho con cái. Khi vừa về nhà, việc đầu tiên họ làm là lấy điện thoại ra chơi game, lướt web. Họ quát mắng, bắt con học cái này cái kia, nổi sung khi thấy con không làm xong bài vở, chỉ trích con "Sao dốt nát thế!".

Cách giáo dục này thật sai trái. Cha mẹ không sống nền nếp nhưng lại bắt con cái phải làm này làm kia. Tất nhiên, kiểu giáo dục này không thể nào hiệu quả!

Có một câu nói rất hay: "Con cái là bản sao của cha mẹ". Nhiều vấn đề ở trẻ em phản ánh những vấn đề tiềm ẩn của cha mẹ. Nếu muốn con trở thành một người thích học hỏi thì chính cha mẹ phải trở thành kiểu người như vậy trước. Nếu muốn con trở thành một người tuân thủ phép tắc, thì mỗi hành động của cha mẹ phải là tấm gương cho con.

Nếu thuộc kiểu cha mẹ thứ 3 trong bài viết này thì xin chúc mừng: Bạn rất tuyệt vời đấy, con cái cũng có tương lai tươi sáng - Ảnh 1.

Cậu bé trách bố cả ngày chỉ chơi điện thoại.

01
Cha mẹ không chịu học hỏi chính là nỗi buồn của con cái

Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con, và mọi hành động của cha mẹ đều có ảnh hưởng lớn đến con. Nhiều cha mẹ chỉ biết yêu cầu con phải đạt được 10 điểm nhưng khi con không đạt được kết quả đó thì chẳng bao giờ chịu tìm hiểu nguyên nhân.

Con bạn có thật sự là đứa trẻ ngốc nghếch? Hay chính phụ huynh chưa tạo cho con môi trường học tập tốt? Câu trả lời rõ ràng là vế sau. Đối với trẻ em, môi trường học tập chính là yếu tố tốt nhất để phát triển.

Có một ông bố nọ thường xuyên than phiền chuyện con trai đi học thêm rõ nhiều nhưng điểm số vẫn kém. Nhưng thực ra khi đứa trẻ còn nhỏ, ông bố này rất thích chơi mạt chược. Mỗi khi không có ai trông con, anh ta thường dẫn con đi chơi cùng mình và để đứa trẻ ngồi bên cạnh. Cứ thế, tâm trí đứa trẻ từ lâu đã không còn đặt vào việc học nữa, dẫn đến kết quả học tập không cao.

Giống như câu nói: "Cha mẹ kiểu gì thì con cái kiểu đó". Một ông bố suốt ngày ngồi lê la đánh mạt chược thì không thể nuôi dạy được đứa con mê đọc sách. Nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy việc cha mẹ ham học hay không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi vào đại học của con cái.

Trong số liệu khảo sát, người ta thấy rằng hình mẫu cha mẹ ảnh hưởng đến thói quen đọc sách của con, giúp ích rất nhiều cho việc mở rộng kiến thức của trẻ.

Ngô Diệc Thù, 20 tuổi được mệnh danh là tài nữ của Trung Quốc. Cô thuộc lòng nhiều bài thơ, có khối lượng kiến thức lớn và thi đỗ vào Đại học Thanh Hoa với 613 điểm. Quá trình trưởng thành của Ngô gắn liền với sự dạy dỗ của cha mẹ. Ngay từ nhỏ, cha mẹ của Ngô Diệc Thù đã lập thời khóa biểu đọc sách sau bữa tối cho cả gia đình. Sau khi áp dụng điều này một thời gian thì con gái họ dần hình thành đam mê đọc sách.

Nhà Triết học nổi tiếng Jean-Jacques Rousseau từng nói: "Việc giáo dục con người bắt đầu từ khi mới sinh ra. Con phải được giáo dục trước khi biết cãi lại và không nghe lời. Lời nói và việc làm của cha mẹ có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục con" .

Nếu thuộc kiểu cha mẹ thứ 3 trong bài viết này thì xin chúc mừng: Bạn rất tuyệt vời đấy, con cái cũng có tương lai tươi sáng - Ảnh 2.
 

02
Trong 3 kiểu cha mẹ dưới đây, bạn thuộc kiểu nào?

Tiểu thuyết gia, Nhà Triết học vĩ đại Lev Nikolayevich Tolstoy cho biết: "Bản chất của việc giáo dục con cái là giáo dục chính bản thân mình, và tự giáo dục là cách mạnh mẽ nhất để cha mẹ tác động đến con cái".

Thực tế có 3 kiểu nuôi dạy thường gặp: Kiểu bảo mẫu, kiểu huấn luyện viên và kiểu làm gương cho con. Với kiểu thứ nhất, cha mẹ thường có xu hướng bao bọc, làm hết mọi việc cho con. Dù con đã lớn nhưng cha mẹ vẫn coi con như một "đứa trẻ to xác" và kết quả là con ngày càng ỷ lại.

Với kiểu cha mẹ huấn luyện viên, họ thường dẫn dắt con đi đúng hướng. Vận động viên bóng bàn Trung Quốc Đặng Á Bình có thể coi là hình mẫu của cha mẹ kiểu này. Một ngày nọ, con trai cô mong muốn trở thành một tuyển thủ thể thao điện tử chuyên nghiệp. Đặng Á Bình không phản đối mà bảo con: "Chơi game chuyên nghiệp, giành chức vô địch cũng tốt".

Sau đó, cô dẫn con đi tham quan câu lạc bộ thể thao điện tử hàng đầu Trung Quốc. Được cảm nhận một cách trực quan cuộc sống hàng ngày của các vận động viên thể thao điện tử, cùng sự căng thẳng mà họ trải qua, con trai Đặng Á Bình quyết định "quay xe". Chàng trai trẻ quyết định nối nghiệp bóng bàn của mẹ và đạt nhiều thành tích tốt.

Nói về kiểu cha mẹ thứ ba, họ luôn cố gắng làm gương cho con. Khi con nhìn thấy cha mẹ của mình luôn phấn đấu không ngừng trong cuộc sống thì tự bản thân cũng được truyền cảm hứng và đặt mục tiêu cũng phải giỏi giang như cha mẹ.

Trịnh Uyên Khiết là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Khi con gái anh học tiểu học, thành tích của cô bé rất kém và chuyên đứng cuối sổ. Tuy nhiên, Trịnh Uyên Khiết chưa bao giờ mắng mỏ con. Thay vào đó, anh ấy quyết định phải làm gương cho con. Một ngày nọ, Trịnh có buổi ký tặng độc giả, dù đã rất mệt nhưng anh không hề bỏ dở mà quyết tâm ký đến tận 1h chiều, khi không còn người nào nữa mới thôi.

Ông bố nổi tiếng đã gửi video ký tặng cho con gái mình xem để cô bé biết, một khi đã quyết tâm thì việc gì cũng xong. Con gái của Trịnh Uyên Khiết thật sự bị ảnh hưởng bởi tinh thần của bố và quyết tâm học hành chăm chỉ. Kết quả, cô bé thực sự vươn lên vị trí top đầu lớp sau đó.

Có thể thấy, cách tốt nhất để giáo dục chính là làm gương. Một khi trẻ thấy cha mẹ mình xuất sắc thì trong lòng trẻ sẽ nảy nở hạt mầm chăm chỉ. Cha mẹ đừng vội yêu cầu con mình phải trở thành người xuất sắc mà hãy cố gắng thúc đẩy bản thân trở thành người xuất sắc trước. Có như vậy thì con trẻ mới tiếp bước chúng ta.

 

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/neu-thuoc-kieu-cha-me-thu-3-trong-bai-viet-nay-thi-xin-chuc-mung-ban-rat-tuyet-voi-day-con-cai-cung-co-tuong-lai-tuoi-sang-162213011210023984.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang