Ngành giáo dục lãng phí hàng tỷ đồng tiền sách giáo khoa, cha mẹ thì thở dài vì mỗi năm mỗi tốn

(lamchame.vn) - Tại phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 12/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Tôi thấy rất thương trẻ con, học sinh bây giờ học rất khổ sở”. Bà cho rằng, thực nghiệm, đổi mới quá nhiều làm khổ học sinh.


Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: “Tôi thấy rất thương trẻ con, học sinh bây giờ học rất khổ sở”. Kể lại thời điểm cách đây vài chục năm, bà Ngân nói rằng, khi đó kiến thức không nặng nề nhưng những gì học được từ nhỏ vẫn không thể nào quên, trong khi đó, học sinh vẫn có 3 tháng hè trọn vẹn. Còn bây giờ, học sinh không có nghỉ hè, không được vui chơi vì phải học thêm, học hè.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cải cách phải đổi mới căn bản, toàn diện nhưng sau khi đổi mới phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng không thể có SGK tự chọn được. “Thực nghiệm gì mấy chục năm rồi vẫn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm. Khổ lắm!”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, thực nghiệm, đổi mới nhiều quá mà không biết kinh nghiệm ở đâu, chỉ làm khổ học sinh.

Chi phí cho sách giáo khoa mỗi năm là gánh nặng của nhiều gia đình.

Liên quan vấn đề sách giáo khoa (SGK), một số đại biểu cho biết, cử tri rất phản đối việc sử dụng SGK một lần vì rất lãng phí. Bà dẫn chứng, năm học 2018-2019, NXB Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK, nhưng 100 triệu bản này năm sau không được sử dụng. Mỗi năm phụ huynh phải chi trung bình 1.000 tỷ đồng để mua SGK nhưng chỉ sử dụng một lần.

Cũng về chính sách sử dụng SGK, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 29 nêu “Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập” và cho rằng, nếu quy định như vậy thì mỗi trường đều có quyền lựa chọn SGK. Khi đó, bố mẹ mua nhưng đến trường bảo không được, hoặc sách của nơi này không mang đến nơi khác được, như vậy sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội. “Sách phải được Bộ GD&ĐT quy định theo một chương trình chung”, ông Hiển nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, về khía cạnh thí điểm giáo dục, bản báo cáo thẩm tra dự án luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế; một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội. Do vậy, đề nghị cần bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban TVQH trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang