Ngày 8/3: Đàn ông làm việc nhà có phải là bình đẳng giới?

Nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ cho rằng: Bình đẳng giới là phải chấp nhận sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ. Đàn ông gồng mình để làm tất cả mọi việc không phải là bình đẳng giới, chấp nhận sự khác biệt mới là bình đẳng giới. Còn theo cây viết trẻ Phạm Sao Mai đang sinh sống ở Pháp thì ngày 8/3, cô chưa bao giờ có quà tặng từ người đàn ông của mình. Bởi “Đơn giản bởi chúng tôi đang sống ở một đất nước mà chưa bao giờ coi ngày này là ngày mọi đàn ông già trẻ lớn bé đều thấy trách nhiệm “phải” tặng quà, “phải” tung hô hay “phải” tôn vinh phụ nữ cả”.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ:

Bình đẳng giới là chấp nhận sự khác biệt

Này cô gái, nếu cô thực sự muốn đề cao bình đẳng giới, đấu tranh cho nữ quyền thì cô hãy nhớ rằng bình đẳng giới nghĩa là sự bình đẳng cho cả đàn ông chứ không chỉ là với riêng phụ nữ.

Bình đẳng giới là nếu cô lỡ mang thai ngoài ý muốn khi chưa kịp kết hôn mà người đàn ông không chịu khoác lên cho cô chiếc váy cô dâu, đừng đổ lỗi cho anh ta tất cả. Trừ phi anh ta cưỡng hiếp, bỏ thuốc mê hay đe dọa cô thì trách nhiệm của hai người như nhau. Cơ thể là của cô, cô phải có trách nhiệm với chính nó để tự biết bảo vệ mình khỏi việc mang thai khi chưa sẵn sàng hoặc là đừng lên giường với người đàn ông nào hoặc là sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả nhất và sẵn sàng tự chịu trách nhiệm nếu lỡ có rủi ro, kể cả các bệnh xã hội.

Bình đẳng giới là cô phải cho đàn ông được quyền yếu đuối, được quyền kém cỏi. Đừng ép đàn ông phải luôn mạnh mẽ, phải luôn cứng rắn, chững chạc. Hay dù là đứa con trai bé bỏng của cô, hãy để nó được quyền khóc khi đau đớn, khi buồn phiền. Hãy để những người nam giới quanh cô được thể hiện chính cảm xúc của họ. Và để họ được làm đẹp, được ăn diện, được khoác lên mình những phụ kiện mà họ thích. Đừng bao giờ mỉa mai một người đàn ông rằng anh ta là đồ đàn bà nếu anh ta không được như cô mong muốn, điều ấy chỉ càng cho thấy cô đang xỉ vả bình đẳng giới mà cô theo đuổi thôi.

Bình đẳng giới là khi người đàn ông ngoại tình, cô đừng đổ lỗi cho người đàn bà thứ ba tất cả, đừng gán cho họ cái tội cướp chồng cướp cha. Đừng đi đánh ghen ầm ĩ. Người sai đầu tiên chắc chắn không phải là cô nhân tình kia. Còn nếu cô là người ngoài cuộc, cô đừng ác miệng đổ lỗi cho người vợ không biết giữ chồng. Trách nhiệm gìn giữ hạnh phúc một gia đình không phải là của riêng phụ nữ. Nếu người vợ không khéo léo mà người chồng ngoại tình là phải, thì người chồng không hoàn mỹ mà người vợ ngoại tình có là phải không? Con người hơn con vật ở chỗ không luôn cư xử như bản năng mà còn có lý trí!

Bình đẳng giới là khi đến ngày 8/3 hay 20/10, cô đừng gào lên đòi quà hay những bông hoa bán ngoài đường với giá cắt cổ.

Nếu đã đòi bình đẳng, sao còn đòi được ưu tiên?

Bình đẳng giới là chị em phải chấp nhận sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ. Đàn ông được coi là phái mạnh không phải chỉ bởi vì sức mạnh cơ bắp mà còn vì nhiều phẩm chất mà ít người phụ nữ có được, cũng như ít người đàn ông có thể có được những phẩm chất đặc trưng của phụ nữ. Gồng mình để làm tất cả mọi việc đàn ông làm không phải là bình đẳng giới, chấp nhận sự khác biệt mới là bình đẳng giới.

Bình đẳng giới không phải là hạ thấp đàn ông để nâng phụ nữ lên.

Bình đẳng giới không phải là từ bỏ việc nội trợ, không phải việc đi chơi khuya, uống rượu hút thuốc hay tự mình xách vali hoặc mở cửa xe. Bình đẳng giới không phải là chối bỏ nghĩa vụ và từ chối đặc quyền. Bình đẳng giới không phải là chiếm lấy vị trí quan trọng mà là giữ được sự tôn trọng, bắt đầu từ việc tôn trọng chính mình và những người đàn bà khác.

Và tất nhiên, bình đẳng giới cũng là bình đẳng với đàn ông, không nâng cao họ lên, không hạ thấp họ xuống, không đặt ra chuẩn mực cho họ và không trút mọi lỗi lầm, sự xấu xa lên họ.

Bình đẳng giới không phải là làm gì mà là nghĩ như thế nào, mà thay đổi hành động thì dễ chứ thay đổi tư duy thì khó.

Cây viết trẻ Phạm Sao Mai:

8/3 là ngày các tổ chức phụ nữ kiểm điểm lại trách nhiệm của mình

Có một sự thật là tôi chưa bao giờ có quà tặng 8/3 từ người đàn ông của mình. Đơn giản bởi chúng tôi đang sống ở một đất nước mà chưa bao giờ coi ngày này là ngày mọi đàn ông già trẻ lớn bé đều thấy trách nhiệm “phải” tặng quà, “phải” tung hô hay “phải” tôn vinh phụ nữ cả. Tôn trọng phụ nữ, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để người phụ nữ có một cuộc sống không vất vả, thiệt thòi là những mối quan tâm thường nhật. Khác đi mới là vấn đề cần nói đến và cần quan tâm. Khác đi lập tức những người phụ nữ sẽ đấu tranh thông qua các tổ chức Công đoàn để đạt được những yêu sách của mình.

Ngày mùng 8 tháng 3 hàng năm ở đây (và cả ở nhiều nước khác trên thế giới nữa - tôi có thể khẳng định như thế) là ngày các tổ chức phụ nữ kiểm điểm lại mọi vấn đề còn tồn đọng trong năm liên quan đến phụ nữ và trẻ em để đưa ra những giải pháp thích hợp để cải thiện tình hình không chỉ thể hiện ở các bản tham luận hay báo cáo.

Ở đất nước nào cũng luôn có những vấn đề cần giải quyết như chăm sóc y tế cho các lao động nữ, vấn đề bình đẳng giới hay những vấn đề liên quan đến bà mẹ và trẻ em... Đây cũng là ngày hơn mọi ngày khác trong năm, tiếng nói của người phụ nữ được các cơ quan đoàn thể lắng nghe, nguyện vọng của người phụ nữ được trình bày, thậm chí cả những uẩn khúc khó nói cũng được lắng nghe một cách kiên nhẫn và với thiện chí thay đổi dẫu chỉ là những biến chuyển từng bước một.

Tóm lại, đây là ngày của nhìn nhận một cách nghiêm túc những vấn đề liên quan đến chị em và những việc làm thiết thực của toàn xã hội nhằm đem đến cho người phụ nữ một chất lượng cuộc sống được nâng cao và bảo đảm, chứ không phải là ngày các cửa hàng hoa và quà tặng đắt như tôm tươi thể hiện những ồn ào bề nổi.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang