Tràn ngập trong không gian là những mùi hương và màu sắc, bột nghệ vàng đậm được bôi lên tay và khuôn mặt, dải chu sa đỏ được choàng qua mái tóc - đây là khung cảnh một đám cưới sắp sửa được diễn ra ở Ấn Độ.
Ở đâu đó trên đất nước tỷ dân này, nhiều cô dâu trong các lễ cưới còn quá nhỏ để hiểu được hôn nhân là gì. Họ chỉ vừa đủ nhận thức để biết vì sao mình có những thứ vật phẩm đầy màu sắc rực rỡ và nồng nàn những mùi hương được đính lên người.
Đây là bộ ảnh ghi lại những cô gái Ấn kém may mắn khi bước vào cuộc sống hôn nhân ở tuổi còn quá nhỏ. Bộ ảnh được ghi lại qua ống kính của Saumya Khandelwal, nữ phóng viên ảnh 27 tuổi của hãng Reuters tại New Delhi.
Muskaan (tên nhân vật đã được thay đổi) đang bước đi quanh nhà trong lễ cưới của chính mình. Với sự thúc giục từ cha của mình, cô bé 14 tuổi đã rời bỏ trường học mà tiến đến kết hôn với người đàn ông lớn tuổi hơn mình rất nhiều. |
Người thân của Muskaan đang giúp cô trang điểm và mặc quần áo, sẵn sàng cho đám cưới. Chồng của cô, anh Raju (tên nhân vật đã được thay đổi), là một nam thanh niên lớn hơn cô 7 tuổi, đang rất nóng lòng chờ đợi sự kiện này. |
Muskaan và Raju đang trao cho nhau vòng hoa trong lễ cưới. Các cô gái đến từ vùng Shravasti thường kết hôn trước tuổi 18. |
Khandelwal được sinh ra ở Lucknow, một thành phố nằm cùng bang nhưng ở khá xa quận Shravasti. Lớn lên, cô và bạn bè của mình nhận ra rằng hôn nhân ở tuổi vị thành niên đang xảy ra rất nhiều ở Ấn Độ, chỉ có điều không phải ai cũng xem đây là một vấn đề. Ở địa phương cách biên giới Nepal khoảng 190 km này, những cô bé trên 8 tuổi được gả đi bởi chính cha mẹ của họ.
Năm 2015, Khandelwal bắt đầu cuộc hành trình từ New Delhi trở về bang Uttar Pradesh, quê nhà của cô để ghi lại hình ảnh những cô dâu nhỏ tuổi. “Nếu tôi sinh ra ở Shravasti, không gì có thể đảm bảo rằng tôi sẽ không trở thành như họ” - Khandelwal chia sẻ.
Về lý thuyết, hôn nhân trẻ em là bất hợp pháp tại Ấn Độ. Một đạo luật về điều này được thông qua vào năm 1929, chính phủ cũng thông qua lệnh cấm và một luật sửa đổi được đưa ra vào năm 2006. Tuy nhiên, trong thực tế, những cô gái dưới 18 tuổi và những chàng trai không quá 21 tuổi vẫn có thể kết hôn với nhau.
Suba Bano đã kết hôn với Firoj Ali sau khi mẹ của anh bị bệnh và cần một người để quán xuyến việc trong nhà. Cả hai đều chỉ mới 17 tuổi. |
Một phụ nữ đang nằm trong phòng mổ chờ được các bác sĩ tiến hành sinh mổ tại Bệnh viện Shravasti. Theo số liệu điều tra dân số, ít nhất một phần tư trẻ em gái từ 10 đến 17 tuổi trong vùng đã kết hôn. |
Mặc dù tỷ lệ hôn nhân trẻ em đã sụt giảm trong thập niên vừa qua, nhưng số lượng cô dâu dưới tuổi hợp pháp ở Ấn Độ vẫn nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Theo tổ chức Girls Not Brides, có 25% nữ giới dưới 18 tuổi ở Ấn Độ đã kết hôn.
Khi Khandelwal quyết định thực hiện bộ ảnh này, cô không khỏi nghĩ đến chính sự gia trưởng của người đứng đầu gia đình và tập tục cổ hủ đã đẩy những cô gái phải kết hôn trước tuổi. Nhưng thực tế, nữ phóng viên ảnh đã nhận ra chính sự nghèo đói, thiếu giáo dục đã gây nên bi kịch này.
Nirma, 16 tuổi, đang chơi giỡn với bạn bè và anh chị em họ của cô. Dải chu sa trên đỉnh trán của cô cho biết cô gái này đã là một người phụ nữ có gia đình. |
Cô gái Phulmati 17 tuổi đang ẵm đứa con mới sinh của mình tại nhà chồng. Trong suốt cuộc đời, những cô gái ở Shravasti sẽ sinh cho nhà chồng trung bình là 5 đứa con. |
Rất nhiều cô dâu trẻ cảm thấy cô độc sau hôn nhân. Chẳng có công việc nào ở những ngôi làng nhỏ này, vì vậy những vị phu quân thường đến các thành phố lớn để đi làm kiếm tiền. Họ để lại những người vợ mới cưới bất hợp pháp ở quê nhà một mình.
Bạn sẽ mong chờ điều gì khi một đứa trẻ 15 tuổi chưa hiểu về hôn nhân phải quán xuyến những công việc trong một gia đình mới? Họ không được giáo dục, và cách dạy con của họ cũng không hề khoa học. Họ không có tiền và còn quá nhỏ để hạ sinh một đứa con. Tiếp nối sau đó là một vòng lẩn quẩn. Liệu thế hệ tiếp theo có thoát ra được khỏi điều này?
Sau hai năm rưỡi chụp ảnh những cô dâu trẻ tuổi ở Shravasti, Khandelwal đã chứng kiến được nhiều vụ cưỡng ép trong hôn nhân diễn ra khắp nơi trên đất nước này, mà thậm chí là ở vùng đô thị New Delhi. Cô lại tiếp tục cuộc hành trình biến ống kính thành thứ vũ khí giúp suy giảm tình trạng này trên cả nước. Nhưng bi kịch này vẫn diễn ra hàng ngày trên khắp đất nước Ấn Độ. Một thực trạng đáng buồn nhưng rất khó để thay đổi.
Theo VTC News
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.