Ngày mai, 600.000 học sinh trung học TPHCM bước vào năm học mới như thế nào?

Ngày mai (1/9), khoảng 600.000 học sinh bậc THCS, THPT tại TPHCM sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, tuần đầu tiên sẽ là tuần tập dượt, giáo viên và học sinh sẽ chủ yếu là làm quen, khảo sát và củng cố kiến thức trước khi bắt đầu dạy và học kiến thức mới…

Ngày 31/8, theo ghi nhận của PV, nhiều trường đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi đầu tiên lên lớp bằng hình thức trực tuyến.

Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 cho biết, trong một tuần trở lại đây, nhà trường đã triển khai công việc, tập huấn giáo viên sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến. “Ngay từ ngày mai, giáo viên sẽ mở các lớp học để giáo viên, học sinh làm quen với nhau, qua đó ghi nhận thông tin về gia đình học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đó có phương án hỗ trợ sau này”, ông Đảo nói.

Cũng theo ông Đảo, dù đã quen với hình thức học trực tuyến nhưng năm học này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các em học sinh hiện vẫn chưa có SGK, nhiều gia đình có 2- 3 con thì không có đủ phương tiện để học tập… “Do đó, chúng tôi đã tập hợp các nguồn SGK điện tử để gửi cho học sinh dùng tạm trong thời gian này. Ngoài ra, tôi cũng yêu cầu các giáo viên xây dựng lại giáo án một cách nhẹ nhàng, gọn để truyền tải đến học sinh một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất…”, ông Đảo nói.

Ngày mai, 600.000 học sinh trung học TPHCM bước vào năm học mới như thế nào? - Ảnh 1.

Năm học 2021- 2022 tại TPHCM sẽ bắt đầu bằng trực tuyến, giáo viên, học sinh sẽ gặp nhau qua màn hình máy tính.

Ở khối THCS, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1 cho biết, dù đã quen với việc học trực tuyến nhưng đây vẫn là một năm học đầy khó khăn bởi tất cả mọi việc đều bắt đầu mà không gặp được nhau trực tiếp để triển khai.

“Lớp 6 là lớp gặp nhiều khó khăn nhất do các em chưa quen với môi trường mới và cũng là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, SGK mới nhưng trường lại không có điều kiện để tập huấn, tập dượt nên rất vất vả”, bà An nói.

Theo bà An, trước khi bắt đầu năm học mới, nhà trường đã khảo sát phụ huynh học sinh, qua đó nắm bắt được thông tin nhiều em không có phương tiện học tập trực tuyến. “Sau khi có thông tin, nhà trường đã thành lập dự án ATM điện thoại thông minh, kêu gọi mọi người quyên góp. Kết quả, nhà trường đã nhận được một số máy tính cũ và hơn 46 triệu đồng. Số tiền này, trường mua được 20 chiếc điện thoại mới, sắp tới sẽ chuyển đến các em học sinh để kịp phục vụ học tập”, bà An nói.

Linh động xếp thời khóa biểu dạy học

Chiều 31/8, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản gửi Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện; Hiệu trưởng Trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) về hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học đầu năm học 2021-2022.

Theo đó, Sở yêu cầu, các đơn vị chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức dạy học trên Internet, hỗ trợ học sinh không thể tham gia học tập trên Internet. Xây dựng kịch bản tổ chức dạy học: trực tuyến, trực tuyến-trực tiếp, trực tiếp nhằm linh động ứng phó trước tình hình dịch bệnh. Xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dạy học cho các đối tượng học sinh.

Tổ/nhóm chuyên môn rà soát, thống nhất nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tổ chức hoạt động dạy học sát với thực tế, không quá tải và có sự phù hợp với các đối tượng học sinh.

Từ ngày 1- 4/9/2021, Sở quy định là thời gian chuẩn bị, lập danh sách học sinh không thể tham gia học tập trên Internet, hỗ trợ học sinh đang gặp khó khăn.

Từ ngày 6- 18/9/2021, Sở yêu cầu không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Triển khai các chủ đề dạy học trên Internet, gửi tài liệu hướng dẫn cho học sinh học tập tại nhà. Kế hoạch giáo dục nhà trường trong giai đoạn này với yêu cầu: Hướng dẫn chu đáo- Dạy học nhẹ nhàng - Lắng nghe, chia sẻ - Không tạo áp lực thực hiện chương trình- Hướng dẫn tự học, tự đào tạo và xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.

Sở cũng yêu cầu giáo viên chọn lựa những chủ đề, những môn học mà học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn để bố trí thời khóa biểu trực tuyến; Tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học khi trực tiếp.

Khi triển khai dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu giáo viên chú ý kết hợp đa dạng các hoạt động giao tiếp đồng bộ và không đồng bộ như: thảo luận, trò chuyện (chat), họp truyền hình, thư điện tử, tin nhắn, diễn đàn, mạng xã hội; trong phiên học trực tuyến, bao gồm giữa người học - nội dung; người học - người học; người học - người dạy, người học - cộng đồng khoảng 50% thời lượng của chủ đề học, nhằm tạo điều kiện phát triển năng lực tự học của học sinh.

UBND TPHCM đã đồng ý miễn học phí học kỳ 1 năm học 2021- 2022 cho học sinh các trường công lập để chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh.

 

 

Link gốc: https://tienphong.vn/ngay-mai-600-000-hoc-sinh-trung-hoc-tphcm-buoc-vao-nam-hoc-moi-nhu-the-nao-post1371594.tpo

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang