Chúng ta hay nghĩ rằng việc đi chợ là của người lớn. Trẻ con sẽ không biết mua bán như thế nào cho hợp lý. Nhiều phụ huynh còn cho rằng việc để bọn nhỏ tiêu tiền là không nên, vì chúng còn là những đứa trẻ. Tuy nhiên, chị Vũ Thuý Hằng (34 tuổi, sống tại Thụy Điển) lại có quan điểm khác. Bà mẹ 3 con cho rằng "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình".
"Thế nên mình không giới hạn việc con làm! Mình để con thử sức với tất cả mọi công việc trong nhà, phù hợp với khả năng của con. Mình cho con làm quen với tiền từ rất sớm, tập đi chợ mua đồ ăn và đồ dùng cần thiết cho gia đình. Mình nghĩ mọi kĩ năng sống không phải tự dưng mà có. Con người đều phải trải qua quá trình rèn luyện mới có thể thành thạo mọi thứ. Và "đi chợ" cũng là hoạt động rèn luyện rất nhiều kĩ năng sống cần thiết. Mời mọi người cùng tham khảo chút kinh nghiệm nho nhỏ của mẹ con mình nhé", chị Hằng phân tích.
1. Kĩ năng quan sát và ghi nhớ
Đây là kĩ năng đầu tiên và cơ bản nhất khi con tập đi chợ.
Mình sẽ nhắc con quan sát xem nhà mình còn thiếu đồ ăn hay đồ dùng gì? Cái gì cần mua? Con sẽ kiểm tra tủ lạnh, tủ đồ khô và đồ dùng trong nhà. Những thứ cần mua sẽ được ghi nhớ lại và mua bổ sung khi đi chợ.
Kĩ năng quan sát còn được rèn luyện khi con đi mua đồ. Trong những lần đầu tiên khi tập cho con đi chợ, mình sẽ đi cùng và chỉ cho con cách lựa chọn đồ cho tốt:
- Cách chọn rau củ quả tươi ngon.
- Cách chọn đồ khô và đồ đóng hộp còn hạn sử dụng dài ngày.
Mình còn chỉ cho con cách ghi nhớ và phân loại từng nhóm đồ:
- Đồ tươi: thịt, rau, củ, quả.
- Đồ khô: các loại hạt, sợi mỳ các loại, bột làm bánh.
- Gia vị.
- Đồ ăn vặt.
- Đồ nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày: kem đánh răng, bàn chải, dầu gội đầu,...
Với cách phân loại theo nhóm, con sẽ phải ghi nhớ vị trí để từng nhóm đồ. Trước khi đi chợ con sẽ xem danh sách cần mua có những gì và tự sắp xếp trong đầu "sơ đồ" đi chợ. Chỉ cần đi 1 vòng là sẽ mua đủ đồ cần dùng, không mất thời gian chạy đi chạy lại để tìm đồ.
2. Kĩ năng tính toán
Mình thường để con tự tính xem lượng đồ cần mua như thế nào cho hợp lý:
- 1 ngày dùng hết khoảng bao nhiêu ml sữa? Mua khoảng mấy hộp thì đủ dùng trong 2 hoặc 3 ngày?
- Với mỗi đồ ăn thì nên mua bao nhiêu để sử dụng vừa đủ, không để lâu bị quá hạn sử dụng?
- Cách so sánh khi mua đồ hạ giá: có những thứ mua 2 sẽ rẻ hơn mua 1; tuy nhiên giá trị sử dụng có hiệu quả không? Nếu món đồ ấy ít dùng thì cũng không nên mua nhiều chỉ vì nó hạ giá.
Ngoài ra mình cũng hay ra các bài toán cho con bằng cách: với 1 số tiền quy định, con hãy tự xem xét mua những thứ cần thiết. Con sẽ biết cân nhắc và chọn lựa xem đồ gì cần ưu tiên mua trước. Không mua đồ tràn lan theo sở thích.
3. Kĩ năng giao tiếp
Đây là điều mà mình thấy các con có thu hoạch rất lớn. Tụi nhỏ nhà mình đã rất mạnh dạn và tự tin hơn nhiều khi tiếp xúc với người lạ.
Mình thường nhắc nhở con luôn nói từ "cảm ơn" khi được giúp đỡ; nói "xin lỗi" khi con sai hoặc làm phiền người khác. Những ngày đầu con đi chợ mình dặn con nếu không lấy được đồ trên giá cao, hoặc không tìm thấy món đồ muốn mua thì hãy nhờ nhân viên siêu thị hoặc khách mua hàng giúp đỡ. Sau nhiều lần đi chợ thay mẹ, con đã trở thành khách hàng quen thuộc của các siêu thị, cửa hàng gần nhà. Thỉnh thoảng anh cả về khoe mẹ:
"Hôm nay con đi siêu thị, con mang không đủ tiền. Còn thiếu 4 đồng mẹ ạ! Con nói với người thu ngân là con để lại đồ và về nhà lấy tiền. Chú ấy bảo không cần! Chú ấy tặng con 4 đồng! Con cảm ơn chú ấy rồi ạ!".
"Hôm nay con đi mua pizza. Ông chủ tặng con nước uống mà không tính tiền. Con có nói: Cảm ơn rất nhiều".
"Hôm nay con đi mua dâu tây. Người bán hàng tặng thêm con 1 nửa hộp dâu. Con cảm ơn rồi mẹ ạ".
"Mỗi câu chuyện "hôm nay" của con giống như 1 niềm vui nho nhỏ để mình biết con đang lớn khôn hơn mỗi ngày. Để con có thể tự bước đi trên đôi chân của mình thì mẹ hãy cùng con tập những bước đi đầu tiên bạn nhé! Với mỗi con người thì kĩ năng sống đều rất cần thiết. Rèn luyện để con có thể lớn khôn và tự tin hơn mỗi ngày!", bà mẹ 3 con nhận định.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.