Mới đây, khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho anh N.T.T.P. (32 tuổi, ngụ tại Bình Dương).
Là một nhân viên văn phòng, anh P. thường phải ngồi làm việc nhiều tiếng liên tục trong ngày.
Cách đây 1 năm anh thường bị đau lưng kèm đau vai gáy, cổ vào ban đêm. Vì nghĩ đây là "bệnh nghề nghiệp" do ngồi làm việc nhiều vào ban ngày, anh chủ quan không đi khám mà tự điều trị bằng thuốc giảm đau.
Gần đây các cơn đau trở nên thường xuyên và nặng nề hơn, kèm theo tình trạng cứng cột sống khiến anh xoay trở khó khăn. Sau khi khám và chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm máu, các bác sĩ cho biết anh P. bị viêm cột sống dính khớp (VCSDK).
Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc để làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng.
Sau 3 tháng điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid, người bệnh giảm đau ít mặc dù trước đó có đáp ứng tốt với thuốc.
Sau đó, anh P. được hướng dẫn sử dụng thuốc mới thuộc nhóm thuốc sinh học để điều trị thì triệu chứng đau giảm rõ rệt, cột sống bớt cứng, cải thiện độ dẻo dai và khả năng vận động.
Theo bác sĩ Ngọc, VCSDK là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài với biểu hiện đặc trưng là tình trạng đau và cứng cột sống.
Theo thời gian bệnh gây dính khớp, làm cột sống mất khả năng di động và gây các tư thế bất thường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn gấp 2-3 lần so với nữ giới.
Bệnh VCSDK nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ tiến triển đến viêm, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên, gây gù vẹo, mất chức năng và tàn phế. Ngoài ra, người bệnh có thể bị khó thở sâu nếu bị dính các đốt sống ngực gây gù vẹo và giảm chức năng hô hấp.
Khoa Nội cơ xương khớp của BV hàng năm tiếp nhận điều trị cho nhiều người bệnh VCSDK, trong đó đa phần người bệnh đến khi bệnh đã tiến triển nặng.
Tình trạng trên xuất phát từ việc người bệnh không nhận biết sớm các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị trễ.
Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra VCSDK, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy bệnh có yếu tố di truyền.
Người mang gen HLA-B27 thường có nguy cơ cao bị VCSDK, tuy nhiên tỉ lệ người mang gen này không nhiều trong cộng đồng.
Người bệnh VCSDK cần được chẩn đoán sớm để kịp thời can thiệp ở giai đoạn "vàng" khi các khớp chưa bị tổn thương.
Điều trị sớm làm giảm các triệu chứng đau, giúp kiểm soát bệnh, các đốt sống và các khớp không bị dính lại nên sẽ hạn chế nguy cơ tàn phế cho người bệnh.
Trên thực tế đã có không ít người bệnh nhập viện trong tình trạng bệnh tiến triển nặng do nhầm lẫn triệu chứng đau lưng trong VCSDK với các bệnh lý đau lưng thông thường khác như đau do căng cơ, đau do thoái hóa cột sống…
Từ đó khiến bệnh tiến triển nặng và gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Vì vậy, bác sĩ khuyên người dân nên trang bị các kiến thức nhận biết sớm tình trạng đau lưng kiểu viêm trong bệnh VCSDK, khám đúng chuyên khoa Nội cơ xương khớp để chẩn đoán và điều trị sớm nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
Link báo gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/ngay-nao-cung-ngoi-i-mot-cho-nguoi-dan-ong-32-tuoi-mac-can-benh-nguy-hiem-suyt-tan-phe-suot-doi-210297
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.