Andrea Baines, 34 tuổi, đã quyết định sử dụng các kỹ năng của mình để minh họa cho nỗi đau của bệnh lạc nội mạc tử cung. Đặc biệt, cô muốn tạo ra một hình ảnh mang tính "sát thương" cực cao nhằm chạm vào cảm xúc của người đối diện một cách trực quan nhất, sắc nét nhất.
Cô đã tranh thủ được sự giúp đỡ của người cùng khổ, Rachel Berwick, để trở thành người mẫu sau khi được giao nhiệm vụ thực hiện một dự án hiệu ứng đặc biệt trong khóa học trang điểm mà cô đang theo học.
Giải thích lý do tại sao muốn tập trung vào mô tả nỗi đau của người bị bệnh lạc nội mạc tử cung, Andrea nói với Kidspot: "Tôi muốn người ta nhìn nhận đúng hơn về nỗi đau mà người bệnh lạc nội mạc tử cung phải gánh chịu, thay vì cảm thấy như họ đang nói dối về tình trạng của bản thân mình".
Cụ thể hơn, cô chia sẻ về cơn đau lạc nội mạc tử cung mà mình phải gánh chịu: "Cơn đau của tôi có cảm giác như những mũi kim nóng rực, sắc nhọn châm vào bên trong. Tôi cảm thấy toàn bộ cơ quan nội tạng đang bị cào xé toạc ra mỗi khi bị cơn đau hành hạ". Andrea mất 1 giờ để minh họa hình ảnh thực tế và được nhiếp ảnh gia Emma Wilson ghi lại.
Mẹ Andrea cho biết thêm, bà muốn làm nổi bật bệnh lạc nội mạc tử cung khác với tình trạng đau khi đến kỳ kinh nguyệt. Nó không hề đơn giản như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bất cứ người phụ nữ nào.
Ngay từ khi lớn lên, Andrea liên tục đối mặt với tình trạng kinh nguyệt nhiều bất thường khi "đến tháng". Nhiều năm trôi qua nhưng không có chẩn đoán chính xác, Andrea cho biết cô đã được chuyển sang chẩn đoán bởi bác sĩ đa khoa tại các bệnh viện khác nhau và chịu đựng những ca phẫu thuật xâm lấn không cần thiết.
Cô gái cho rằng, các bác sĩ không thực sự hiểu thấu cơn đau của mình. Việc không chẩn đoán chính xác căn bệnh trong hơn một thập kỷ khiến sức khỏe, cuộc sống của cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cô phải chịu đựng đau đớn khi quan hệ, mệt mỏi mãn tính, khó thụ thai cũng như suy nhược cơ thể.
Lạc nội mạc tử cung – Căn bệnh cực nguy hiểm, dễ nhầm lẫn với những bệnh khác
Theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp), lạc nội mạc tử cung là căn bệnh rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác. Biểu hiện rõ nhất của căn bệnh là đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì vậy, nhiều chị em thường bỏ qua dấu hiệu này vì cho rằng đau bụng khi đến kỳ "đèn đỏ" là hết sức bình thường.
Vậy làm thế nào để phân biệt lạc nội mạc tử cung so với những căn bệnh khác? Theo chuyên gia, cơn đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt chỉ bắt đầu 1-2 ngày trước kỳ kinh và ngày đầu tiên. Còn nếu bạn có cơn đau xuất hiện sớm hơn và chỉ chấm dứt khi hết "đèn đỏ" thì đó là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung. Ngoài việc gây đau, ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều chị em phải đối mặt với bệnh vô sinh do nội mạc tử cung có khả năng di chuyển sang vòi trứng, gây tắc, cản trở sự thụ tinh. Do đó đừng chủ quan với hiện tượng đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt.
Một trong những dấu hiệu mà bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia ngay đó là khi gặp những cơn đau bất thường và nghiêm trọng không thể điều trị bằng thuốc. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những cơn đau trong chu kỳ kinh nguyệt là hoạt chất prostaglandin. Thông thường, các loại thuốc giảm đau trong kì kinh nguyệt đều có khả năng ngăn chặn việc sản sinh loại chất này.
Do vậy, nếu những cơn đau không thuyên giảm khi bạn dùng thuốc, hãy chú ý bởi prostaglandin không phải thủ phạm cho những cơn đau này. Bạn có thể đang phải hứng chịu những rắc rối từ chứng bệnh lạc nội mạc tử cung. Bệnh đòi hỏi điều trị bằng những loại thuốc đặc trị với hàm lượng cao hoặc thậm chí cần đến phẫu thuật.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.