Cậu bé Khả Khả 8 tuổi (Trung Quốc) vừa bước vào lớp 2 cấp tiểu học. Ngày hôm đó cậu bé vừa kiểm tra giữa kỳ xong và hoàn thành rất tốt nên được mẹ mua cho nhiều đồ ăn vặt. Mẹ thì bận bịu trong bếp, chuẩn bị bữa tối còn Khả Khả ngồi ngoài phòng khách vui vẻ khám phá từng món ngon trong lúc xem hoạt hình.
Bỗng nhiên, một tiếng hét lớn, thất thanh vang lên từ phòng khách khiến mẹ Khả Khả giật thót tim, chạy vội ra phòng khách, cảnh tượng nhìn thấy khiến cô hoàn toàn chết lặng.
Lúc đó, Khả Khả che mắt, khóc rất to, đau đớn lăn trên mặt đất và bên cạnh là chai nước, nước vương vãi khắp sàn. Mẹ cậu bé nhanh chóng hoàn hồn và gọi cấp cứu tại Bệnh viện liên kết thứ 2 của Đại học Nam Xương.
Tất cả khoảng thời gian từ lúc sự việc cho đến khi Khả Khả được cấp cứu chỉ diễn ra trong vỏn vẹn có 20 phút nhưng cũng không thể cứu chữa được mắt phải của cậu bé.
Theo bác sĩ Đặng Yến, Phó Khoa Mắt nhi, Bệnh viện liên kết thứ 2 của Đại học Nam Xương, người trực tiếp khám cho Khả Khả, mắt phải của cậu bé bị chất lỏng kiềm làm tổn thương, khiến bị mù suốt đời và không có cách nào chữa khỏi. “Tôi chỉ biết rằng chất hút ẩm là thứ không được ăn, không ngờ rằng nó lại nguy hiểm đến vậy”, mẹ Khả Khả ân hận.
Sau khi hỏi chuyện Khả Khả, cậu bé cho biết rằng sau khi ăn xong đồ ăn vặt, cậu thấy có một gói nhỏ trong túi. Cậu không biết đó là thứ gì và cầm lấy chơi. Đầu tiên, Khả Khả ngửi thử, sau đó xé vỏ và đổ nó vào chai nước ngọt. Không ngờ, chai nước nổ tung. “Ngay lúc đó, cháu thấy có thứ gì đó chui vào mắt phải, cảm giác bỏng rát kinh khủng và rồi cháu thấy mắt không nhìn được nữa”, Khả Khả nói.
Đây không phải là trường hợp tai nạn duy nhất liên quan đến gói hút ẩm. Trước đó, ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), một học sinh cũng cho một gói hút ẩm vào bình giữ nhiệt. Kết quả là bình nước phát nổ khiến mắt phải của cậu bé này bị mù. Ở Thượng Hải cũng có một trường hợp cậu bé tò mò gói hút ẩm trong đồ ăn vặt và lấy nó cho vào chai nước nhựa, chai nước phát nổ cũng làm tổn thương đến mắt phải của cậu bé.
Vì sao chất hút ẩm lại có thể phát nổ?
Chất hút ẩm thực phẩm thông thường được chia thành 2 loại: silicon dioxide và chất hút ẩm vôi sống. Silicon dioxide là chất không độc không vị, các chất hóa học ổn định. Tuy nhiên, giá thành phẩm khá cao cho nên các đơn vị sản xuất thực phẩm không chọn chất này mà chọn chất hút ẩm vôi sống (với thành chủ yếu là canxi oxit). Và chất này cũng là “thủ phạm” của những trường hợp đáng tiếc kể trên.
Đổ 3 gói hút ẩm vào chai nước và đậy kín, chỉ 1 phút sau, chai nước phát nổ bắn nắp cách xa tận 4 mét.
Chất hút ẩm vôi sống tan nhanh khi gặp nước và sẽ gây phản ứng hóa học tạo ra canxi hydroxit, đồng thời giải phóng nhiệt làm cho khí giãn nở. Trong một không gian kín, vụ nổ sẽ xảy ra khi đạt đến áp suất nhất định. Dung dịch canxi hydroxit thu được là dung dịch kiềm mạnh, có tính ăn mòn, chạm vào cơ thể người sẽ làm tổn thương với các mức độ khác nhau.
Một số điều cần lưu ý khi gặp phải tình trạng này:
- Rửa sạch với nhiều nước sạch ít nhất trong 15 phút.
- Nếu dung dịch bắn vào trong mắt, phải lấy nước sạch rửa mắt trong vòng ít nhất 30 phút, chú ý chuyển động nhãn cầu trong khi rửa.
- Vô tình nuốt phải dung dịch này, nó có thể khiến chúng ta bị bỏng đường tiêu hóa. Nếu gặp trường hợp này, hãy uống một lượng nước sạch (lượng nước tính theo 10ml/1kg trọng lượng cơ thể; tổng lượng nước không quá 200ml) để pha loãng dung dịch kiềm, sau đó uống sữa, dầu ôliu hay các dầu thực vật khác để chống ăn mòn sau, bảo vệ bề mặt vết thương.
Nguồn: QQ, Healthline, Sohu, Kknews, Science
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.