Mẹ và con có mối gắn kết kỳ diệu ngay từ lúc mang thai cho tới khi con chào đời và khôn lớn. Khi mang thai, ngoài việc tận hưởng niềm vui khi được làm mẹ, bà bầu cũng cần có trách nhiệm với sức khoẻ của con mình, đặc biệt là khi em bé còn nằm trong bụng mẹ.
Dưới đây là một nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tình trạng béo phì của bà bầu với các vấn đề về sự phát triển trí não trong tương lai của trẻ.
Bà bầu tăng cân quá mức khi mang thai nguy hiểm như thế nào?
Cân nặng là một trong những yếu tố được bác sĩ quan tâm và chú ý nhất đối với bà bầu. Trong quá trình mang thai, phụ nữ nên tăng cân từ từ, cân nặng nằm trong giới hạn khoẻ mạnh theo từng thời kỳ.
Các biến chứng mà béo phì có thể gây ra ở phụ nữ khi mang thai là huyết áp cao, tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ.
Bạn có thể biết mình có thừa cân hay béo phì hay không bằng cách sử dụng bảng đo chỉ số khối cơ thể (BMI).
Khi bà bầu tăng cân quá nhiều, mọi người thường nghĩ điều đó chỉ ảnh hưởng tới mỗi sức khoẻ của người mẹ mà không ngờ rằng nó cũng tác động xấu tới thai nhi.
Ví dụ, tiền sản giật có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Những bà mẹ từng rơi vào trường hợp này có thể may mắn sinh con không bị biến chứng, nhưng số khác vẫn có nguy cơ sinh non hoặc sẩy thai.
Một nhóm chuyên gia từ Trường Y tế Công cộng Mailman tại Đại học Columbia và Đại học Texas, Mỹ đã công bố một nghiên cứu tại BMC Pediatrics cho thấy rằng, tình trạng béo phì của người mẹ khi mang thai gây khó khăn trong sự phát triển của trẻ sau này.
Nhóm các nhà dịch tễ học, chuyên gia dinh dưỡng đã nghiên cứu 368 bà mẹ và con của họ, cả trong thời kỳ mang thai với khi trẻ được 3 và 7 tuổi.
368 trường hợp được quan sát thuộc về nhóm có cùng điều kiện kinh tế, xã hội. Dân tộc, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn và chỉ số IQ của các bà mẹ cũng được tính đến. Các chuyên gia chú ý đến thời kỳ mang thai khi đứa trẻ được sinh ra và các điều kiện môi trường mà chúng tiếp xúc.
Khi trẻ được 3 tuổi, các chuyên gia tiến hành kiểm tra để đánh giá phản ứng của trẻ với môi trường và các mối quan hệ xã hội. Các bài kiểm tra khác được thực hiện lại 4 năm sau, khi trẻ lên 7 tuổi. Trẻ sẽ được kiểm tra khả năng hiểu lời nói, nhận thức, lý luận, trí nhớ, tốc độ xử lý.
Khi kiểm tra lại những đứa trẻ lúc 7 tuổi, người ta phát hiện ra con trai của những bà mẹ thừa cân hoặc béo phì khi mang thai có chỉ số IQ thấp hơn những đứa trẻ sinh ra từ những phụ nữ có cân nặng bình thường. Sự khác biệt đó là từ 5 điểm trở lên và chỉ xảy ra ở các bé trai.
Mặc dù nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa tình trạng béo phì của bà bầu và các vấn đề ở những đứa trẻ nói trên, nhưng không thể xác định được nguyên nhân hoặc lý do tại sao điều này xảy ra.
Mặt khác, nghiên cứu đã xem xét môi trường của từng đứa trẻ và phát hiện ra rằng, tác động của tình trạng béo phì của người mẹ khi mang thai đến chỉ số IQ của trẻ thấp hơn hoặc không chênh lệch đáng kể khi chúng lớn lên trong một gia đình ấm cúng, nơi trẻ có thể được giáo dục đúng cách, kích thích việc ham học hỏi và nhiều yếu tố tích cực khác.
Tóm lại, khi bà bầu bị thừa cân hay béo phì lúc mang thai, nó sẽ ảnh hưởng ngay tới sức khoẻ của cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, việc béo phì chỉ ảnh hưởng ở mức tương đối với IQ của em bé. Trong quá trình lớn lên, IQ của trẻ có thể tăng hoặc giảm do nhiều yếu tố khách quan khác nhau.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.