Nghiên cứu tỉ lệ tử vong tại Trung Quốc giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, phát hiện điều bất ngờ

Một nghiên cứu mới được công bố đã cho thấy lợi ích bất ngờ của các nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) và Đại học Oxford (Anh) đã tiến hành phân tích số liệu thống kê người tử vong trong 3 tháng đầu năm 2020, và thấy rằng ngoại trừ Vũ Hán, tỉ lệ tử vong ở những tỉnh thành khác của Trung Quốc giảm nhẹ trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.

Điều này cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã thành công, các nhà nghiên cứu nhận định.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa BMJ hôm 24/2, tỉ lệ tử vong tại 3 quận của Vũ Hán là 1.147/100.000 người, tăng 56% so với tỉ lệ tử vong trung bình trong giai đoạn 2015-2019, chủ yếu là do số người chết vì các bệnh liên quan đến bệnh về phổi tăng 8 lần so với bình thường.

Trái lại, nghiên cứu này không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy tỉ lệ tử vong tại các khu vực ngoài Vũ Hán tăng bất thường. Tỉ lệ tử vong do các bệnh về phổi - trừ các trường hợp nhiễm COVID-19 - và các bệnh hô hấp mãn tính, hay tai nạn giao thông... đều thấp hơn so với dự đoán. Các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả này là nhờ các biện pháp phong tỏa được áp dụng trên toàn Trung Quốc.

 

Khi dịch bệnh lây lan mạnh hơn, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã được áp dụng ở Vũ Hán - thành phố 11 triệu dân thuộc tỉnh Hồ Bắc - kể từ ngày 23/1/2020. Sau đó, các khu vực khác của Hồ Bắc cùng một số thành phố khác tại Trung Quốc cũng phải phong tỏa để chống dịch. Lệnh phong tỏa Vũ Hán kéo dài 76 ngày.

Các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ tử vong trên toàn Trung Quốc (ngoại trừ Vũ Hán) giảm nhẹ trong vòng 3 tháng đầu năm 2020 có thể liên quan tới những thay đổi về hành vi trong thời gian phong tỏa và chống dịch nghiêm ngặt.

"Lệnh phong tỏa và những thay đổi hành vi liên quan (ví dụ như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại) dường như cũng đem lại những lợi ích sức khỏe khác, bên cạnh mục đích hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2", nghiên cứu kết luận.

Qua đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc phản ứng phối hợp trong bối cảnh đại dịch bùng phát là điều cần thiết để giảm thiểu những tác động xấu tới sức khỏe của con người và các hoạt động kinh tế.

Nghiên cứu tỉ lệ tử vong tại Trung Quốc giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, phát hiện điều bất ngờ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Kevin Frayer/Getty Images

Kết luận của đoàn chuyên gia WHO về nguồn gốc COVID-19

Tờ The New York Times (NYT) hôm 14/2 đưa tin, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày, Tiến sĩ Peter Daszak, thành viên nhóm chuyên gia WHO tới Trung Quốc truy xuất nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 , cho biết, virus SARS-CoV-2 ban đầu có thể bắt nguồn từ loài dơi ở miền nam Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, sau đó lây lan đến chợ hải sản Hoa Nam (Vũ Hán).

Ông nhấn mạnh rằng, đây là một cách tiếp cận "cần được lưu ý". Virus do dơi mang theo sẽ lây nhiễm sang động vật hoang dã trong trang trại, nhân viên hoặc những loài động vật như chồn sương, lửng, lửng chó và cầy hương trong trang trại đều có thể bị nhiễm virus.

Sau đó, những động vật này đã được vận chuyển đến các khu chợ như chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán hoặc nhân viên trang trại đã bị nhiễm virus xâm nhập vào chợ, điều này có thể khiến virus phát tán rộng hơn.

Ngoài ra, ông Daszak khẳng định, phần lớn các thành viên của nhóm chuyên gia phủ nhận giả thuyết SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm. Chuyên gia này nói rằng đây là khả năng không đáng nghiên cứu thêm./.

(Theo SCMP)

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nghien-cuu-ti-le-tu-vong-tai-trung-quoc-giai-doan-dau-dai-dich-covid-19-phat-hien-dieu-bat-ngo-161212502230001882.htm

 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang