Mới đây, fanpage Thông tin Chính phủ đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp Đại sứ Tây Ban Nha Carmen Cano de Lasala tới chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam. Trong đó, một nội dung được mọi người quan tâm đó là Đại sứ Tây Ban Nha mong muốn Việt Nam đưa tiếng Tây Ban Nha vào chương trình giảng dạy tại hệ thống Trung học phổ thông.
Đây là tín hiệu đáng những cho những ai có đam mê với ngôn ngữ Tây Ban Nha, đặc biệt là khi càng ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến thứ tiếng này. Theo thống kê mới nhất, tiếng Tây Ban Nha là một trong những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Tổng số người nói tiếng Tây Ban Nha là 586 triệu người, bao gồm: 489 triệu người là người bản ngữ; 75 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha như ngôn ngữ thứ hai; 22 triệu học sinh đang học tiếng Tây Ban Nha. Thậm chí, nhiều người còn truyền tai nhau rằng, chỉ cần thuần thục ngôn ngữ này, là bạn gần như có thể nói chuyện với đa phần người dân ở Nam Mỹ.
Tiếng Tây Ban Nha học gì, ở đâu?
Ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha là ngành học đào tạo về kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Tây Ban Nha thành thạo. Bên cạnh đó sinh viên còn được mở rộng và tiếp cận các kiến thức về văn hóa, con người, kinh tế tại các nước có sử dụng ngôn ngữ này.
Hiện nay, có một số cơ sở giáo dục đại học dạy Ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Việt Nam như: Đại học Hà Nội (điểm chuẩn năm 2023 là 33.38 điểm); Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM (điểm chuẩn năm 2023 dao động 23.1 - 24.21 điểm tùy từng khối)...
Khi theo học ngành này, bạn sẽ được học một số môn như: Thực hành tiếng từ A1 - C1, Từ vựng học tiếng Tây Ban Nha, Từ pháp và cú pháp tiếng Tây Ban Nha, Tổng quan văn học các nước nói tiếng Tây Ban Nha, Văn hóa văn minh các nước nói tiếng Tây Ban Nha...
Không chỉ được đào tạo chính quy ở các trường đại học, mà ngôn ngữ Tây Ban Nha còn được các trường đại học tích hợp để giải dạy như một ngoại ngữ 2 cho sinh viên. Chẳng hạn như mới đây, căn cứ Biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại học Ngoại thương và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Vương quốc Tây Ban Nha (AECID), Phòng Quản lý đào tạo của trường Đại học Ngoại thương đã thông báo việc tổ chức học tập học phần ngoại ngữ 2 - tiếng Tây Ban Nha.
Nếu không theo học đại học chính quy, các bạn hoàn toàn có thể trau dồi tiếng Tây Ban Nha bằng hình thức tự học hoặc học thêm ở trung tâm rồi sau đó thi chứng chỉ DELE - danh hiệu chính thức công nhận mức độ năng lực và khả năng sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha, được trao bởi Viện Cervantes thay cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghề Tây Ban Nha.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng để một người không biết gì về tiếng Tây Ban Nha có thể giao tiếp được một cách cơ bản thì mất từ 400 - 600 giờ học. Song, đây chỉ là ước tính, thực tế bạn cần dựa vào nhiều yếu tố để có thể ước tính được khoảng thời gian bạn cần bỏ ra để theo đuổi ngôn ngữ này.
Cơ hội việc làm ra sao?
Khi thuần thục tiếng Tây Ban Nha, bạn có thể đảm nhận các vị trí công việc như sau: Biên dịch viên, phiên dịch viên, thư ký, trợ lý, hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour, bán tour, giáo viên tiếng Tây Ban Nha, chuyên viên hợp tác quốc tế...
Một số cơ quan tiếp nhận ứng viên biết tiếng Tây Ban Nha:
- Đại sứ quán, phòng thương mại các nước nói tiếng Tây Ban Nha tại Việt Nam và tại nước ngoài.
- Vụ hợp tác quốc tế Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Công thương...
- Các tổ chức phi chính phủ, các dự án, công ty nước ngoài có liên quan đến tiếng Tây Ban Nha.
- Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, các báo có phòng tiếng Tây Ban Nha.
- Các công ty về dịch vụ lữ hành, du lịch.
Một số tố chất của người nên học tiếng Tây Ban Nha: Có niềm đam mê ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt là tiếng Tây Ban Nha; Mong muốn được sử dụng thành thạo các kỹ năng về tiếng Tây Ban Nha; Muốn tìm hiểu thương mại, kinh tế, xã hội, văn hóa thị trường Tây Ban Nha; Kiên trì học hỏi và trau dồi ngôn ngữ; Muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, quốc tế... Nếu bạn có những đặc điểm sau đây, đừng ngại ngần gì mà không theo học ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha.
Trong một nghiên cứu mang tên The Power Language Index (Chỉ số ngôn ngữ quyền lực, viết tắt PLI) của Tiến sĩ Kai Chan, tiếng Tây Ban Nha hiện xếp thứ 4 trong tổng số 10 ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới xét trên các khía cạnh: địa lý (geography), kinh tế (economy), giao tiếp (communication), kiến thức - phương tiện truyền thông (knowledge and media) và ngoại giao (diolpmacy).
Đến năm 2050, thậm chí tiếng Tây Ban Nha còn vượt qua cả tiếng Pháp để nằm trong top 3 ngôn ngữ quyền lực nhất trên thế giới.
Tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.