Người bệnh tiểu đường còn rất chủ quan: Chuyên gia chỉ rõ 3 biến chứng nguy hiểm nhất cần điều trị cấp cứu

TS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết và đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đái tháo đường âm thầm tàn phá sức khỏe của con người.

3 biến chứng cấp tính

Có tới 50 % bệnh nhân đái tháo đường phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng.

Trong đái tháo đường có hai biến chứng của đái tháo đường đó là biến chứng cấp tính và biến chứng mãn tính.

Các biến chứng cấp tính:

Thứ nhất, hôn mê đường huyết tăng quá cao, tăng quá nhanh khiến bệnh nhân hô mê tăng áp lực thẩm thấu do đường huyết tăng cao, bệnh nhân bị thiếu nước gây cô đặc máu và hôn mê.

Thứ hai, hôn mê nhiễm toan xeton hay gặp bệnh nhân đái tháo đường tuyp 1. 

Nguyên nhân do cơ thể sinh ra nhiều xeton để thay thế cho insulin khi bệnh nhân đái tháo đường tuyp 1 thiếu insulin. 

Xeton có tính axit nên khi nó quá nhiều làm cho nồng độ Ph trong máu giảm xuống, từ đó làm cho máu nhiễm toan ức chế các trung tâm ở não bộ, hệ thần kinh, cơ quan hô hấp gây rối loạn ý thức hoặc rối loạn nhịp thở.

Người bệnh tiểu đường còn rất chủ quan: Chuyên gia chỉ rõ 3 biến chứng nguy hiểm nhất cần điều trị cấp cứu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thứ ba, hôn mê do nhiễm toan axit Lactic. Biến chứng này tiên lượng rất nặng nhưng rất hiếm gặp.

TS Bảy cho biết với các biến chứng cấp tính rất nặng đòi hỏi phải điều trị cấp cứu nhanh chóng tại các cơ sở chuyên khoa, các cơ sở ban đầu chỉ đánh giá sơ bộ và sau đó bệnh nhân bắt buộc phải chuyển lên tuyến trung ương. Tỷ lệ tử vong ở biến chứng cấp tỉnh khoảng 5%.

Sự tàn phá âm thầm

Theo TS Bảy, ngoài ra các biến chứng mãn tính là hậu quả của đường huyết tăng cao kéo dài cũng rất nguy hiểm. Có hai nhóm các biến chứng vi mạch, các biến chứng của mạch máu lớn.

Trong số biến chứng mãn tính thì 80 - 90% ở bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 bị phát hiện muộn. 50% bệnh nhân được phát hiện thì đã có biến chứng như bệnh mạch vành, nhìn mờ, thậm chí suy thận.

Mắt: Đối với biến chứng ở mắt do tắc mạch máu gây ra các bệnh thiên đầu thống, phù hoàng điểm (điểm ở dây thần kinh thị giác).

Người bệnh tiểu đường còn rất chủ quan: Chuyên gia chỉ rõ 3 biến chứng nguy hiểm nhất cần điều trị cấp cứu - Ảnh 2.

TS Nguyễn Quang Bảy

Thận: đến nay ở Việt Nam biến chứng thận ở đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Có tới 40 – 50 % bệnh nhân lọc máu chu kỳ có đái tháo đường. Những bệnh nhân này khả năng sống rất ngắn. Thậm chí có nhiều bệnh nhân suy thận kèm đái tháo đường tử vong trước cả bệnh ung thư như ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại trực tràng…

Thần kinh: Biến chứng thần kinh, biểu hiện đa dạng. Ước tính có tới 70% bệnh nhân đái tháo đường bị tổn thương thần kinh. Bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh ngoại biên chủ yếu ở chân. Bệnh nhân có cảm giác gai chân, tê bì, nóng rát, đặc biệt là nặng về đêm ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân.

Thần kinh tự động: các biến chứng thần kinh tự động như biến chứng dây thần kinh các cơ quan điều hòa trong cơ thể như tổn thương dây thần kinh tự động tim, dây thần kinh tự động hệ tiêu hóa gây liệt dạ dày ruột, táo bón, ỉa chảy.

Một vị trí nữa đái tháo đường gây đờ bàng quang, hậu quả bệnh nhân bí đái, nhiễm khuẩn tiết niệu, gây rối loạn cương dương ở nam giới.

Đái tháo đường còn gây liệt dây thần kinh sọ não như liệt mặt, sụt mi, lác… do tắc mạch máu não nuôi dây thần kinh não.

Trong số các biến chứng của đái tháo đường, TS Bảy chia sẻ biến chứng đáng sợ nhất đó là biến chứng mạch máu lớn. Có 3 vị trí gây tắc mạch.

Trên 90 % tai biến mạch máu não ở bệnh nhân đái tháo đường là nhồi máu não. Biến chứng gây nhồi máu cơ tim tử vong nhanh chóng. Biến chứng khác tắc mạch máu chân gây hoại tử chi. Loét bàn chân.

Biến chứng bàn chân: Ước tính cứ 30 giây có 1 bệnh nhân bị cắt chân. Trong suốt cuộc đời 15 % bệnh nhân đái tháo đường bị loét chân và khi đó họ có nguy cơ cắt cụt chân từ 15 đến 46 lần. Với bệnh nhân loét chân có tổn thương xương sẽ phải cắt cụt chân thậm chí cắt lên đến bẹn do tắc mạch chân kéo dài.

Nhiễm trùng: bệnh nhân đái tháo đường bị nhiễm trùng tỷ lệ cao hơn rất nhiều. Do đường huyết tăng làm giảm miễn dịch, giảm chức năng của bạch cầu. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng ngoài da như hậu bối, nhiễm trùng loét bàn chân. 

Nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân đái tháo đường hay tái phát không có triệu chứng nhưng điều trị khó khăn. Nhiễm trùng hô hấp ở bệnh nhân đái tháo đường sợ nhất là lao phổi. Bệnh nhân đái tháo đường cũng hay bị nhiễm trùng răng lợi.

Bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng sẽ tử vong sớm. Những người không mắc đái tháo đường lấy mốc 60 tuổi có thể sống thêm 15 – 20 năm nữa.

Còn bệnh nhân đái tháo đường mất 6 năm tuổi thọ. Nếu họ bị biến chứng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não thì tử vong trước người bình thường 12 năm. Nếu bệnh đái tháo đường bị cả nhồi máu cơ tim và nhồi máu não thì giảm 15 năm tuổi thọ.

TS Bảy khuyến cáo hiện người bệnh đái tháo đường còn rất chủ quan.

Người bệnh phải luôn nhớ rằng kiểm soát đường máu phải song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng và chúng ta phải thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để giúp chúng ta biết được rằng chúng ta đang ở mức độ nào để có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang