Người có bệnh này khi mắc Covid-19 có nguy cơ nặng gấp 3, diễn tiến nặng nhanh, dễ tử vong

Bệnh béo phì có liên quan đến hơn 200 bệnh lý khác nhau. Đây là nguyên nhân khiến 2,8 triệu người tử vong mỗi năm.

Mập sẽ kéo theo nhiều nguy cơ

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM gầy đây tiếp nhận điều trị cho anh H.N.T. (38 tuổi, ngụ tại TPHCM). Anh T cao 1m60, nhưng nặng tới gần 75 kg. Tình trạng này đã diễn ra hơn 4 năm nay.

Trước đó anh thường cảm thấy đói, ăn rất nhiều các thức ăn nhanh mà không kiểm soát được. Anh thường cảm thấy rất mệt khi phải vận động, nhức mỏi 2 chân dù chỉ đi đoạn đường ngắn. Cơ thể quá nặng khiến anh cảm thấy rất mặc cảm và ảnh hưởng nhiều đến công việc.

Anh đã tự giảm cân bằng cách tập thể hình, nhưng do dịch bệnh phức tạp, anh đã ngưng tập luyện chỉ sau 2 tuần và nhanh chóng tăng cân trở lại.

Trong một lần khám tổng quát, bác sĩ cho biết anh bị béo phì, chỉ số BMI = 27 và bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Anh T được Bác sĩ chỉ định tư vấn điều trị béo phì chuyên sâu bởi sự phối hợp của các chuyên khoa: Nội tiết, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng và Tâm lý.

Anh được thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động và sử dụng thuốc điều trị các bệnh đi kèm. Sau một tháng, anh giảm được 2 kg, cơ thể bớt mệt mỏi và đã làm quen được với chế độ ăn khoa học, bớt cảm giác thèm ăn. Anh tiếp tục được các bác sĩ theo dõi điều trị với mục tiêu giảm thêm 3 kg trong 2 tháng tới.

Người có bệnh sau khi mắc Covid-19 có nguy cơ nặng gấp 3, diễn tiến nặng nhanh, dễ tử vong - Ảnh 1.

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết BV ĐHYD TPHCM chia sẻ, bệnh béo phì là một bệnh mạn tính và phức tạp. Nguyên nhân chính của béo phì liên quan với tình trạng ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng như: bột đường, chất béo và lối sống ít vận động. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như: do bệnh lý, di truyền, các tuyến nội tiết, ảnh hưởng của môi trường sống… và thậm chí là do cả những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30, thì được coi là béo phì. Với người châu Á, chỉ số này thấp hơn, cụ thể người có BMI ≥ 23 được coi là thừa cân và BMI ≥ 25 là người bệnh béo phì.

Bệnh béo phì có liên quan đến hơn 200 bệnh lý khác nhau. Đây là nguyên nhân khiến 2,8 triệu người tử vong mỗi năm. Một số biến chứng nghiêm trọng điển hình của bệnh béo phì bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, chứng rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về xương khớp, những rủi ro đối với phụ nữ khi mang thai và một số dạng ung thư nguy hiểm. Các nghiên cứu cho thấy, kể từ mức BMI = 25 trở lên, cứ tăng thêm 5 đơn vị BMI, nguy cơ tử vong sớm sẽ gia tăng đến 31%.

Bên cạnh đó, tình trạng béo phì có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh. Chi phí về thuốc men, điều trị và chăm sóc đối với người béo phì cũng luôn cao hơn nhiều so với những người có cùng bệnh nhưng không bị béo phì.

Chính vì vậy, người bệnh béo phì cần được điều trị một cách chuyên sâu từ sớm và cần có sự phối hợp đa chuyên khoa: Nội tiết, Tiêu hóa, Ngoại Tiêu hóa, Dinh dưỡng – Tiết chế, Phục hồi chức năng, Tâm lý… một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Nếu thiếu sự phối hợp toàn diện trong điều trị, người bệnh béo phì khó có thể tránh việc vào vòng luẩn quẩn: giảm cân rồi lại bị tăng cân trở lại.

TS BS. Trần Quang Nam cho biết, có 3 hướng điều trị béo phì cơ bản đó là: thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày. Trong đó, việc chỉ dựa vào sự kiên trì cùng nỗ lực cá nhân thông qua các chế độ ăn uống, chế độ tập luyện thì chưa đủ. Trên thực tế, có rất nhiều người bệnh đã nỗ lực rất nhiều để giảm cân, nhưng sau đó họ bị tăng cân trở lại. Đó cũng là do thiếu sự phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị.

Bệnh béo phì mắc COVID-19 sẽ nặng

Theo BSCKI. Ngô Cao Ngọc Điệp – Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế BV ĐHYD TPHCM, người cao tuổi có nguy cơ phải nhập viện do Covid-19 cao nhất, nhóm thứ hai chính là người bị béo phì.

Coivd-19 có thể gây ra các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng hơn ở những người trên 65 tuổi, và những người có tình trạng sức khỏe mạn tính – bao gồm cả bệnh béo phì. Người bệnh Covid-19 bị béo phì có nguy cơ tử vong cao hơn những người không bị béo phì. Đặc biệt, sự hiện diện của bệnh béo phì khiến cho nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng tăng lên gấp ba lần, và thời gian nằm viện cũng bị kéo dài hơn.

Người bệnh béo phì mắc Covid-19 là đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng rất nhanh. Trường hợp đang được theo dõi, điều trị tại nhà, người bệnh cần nghiêm túc thực hiện theo các hướng dẫn của y tế địa phương và thảo luận với nhân viên y tế về tất cả các liệu pháp điều trị bệnh lý nền (nếu có).

BSCKI. Ngô Cao Ngọc Điệp cho biết, việc đạt được chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người béo phì đang nhiễm Covid-19 là rất quan trọng. Trong thời gian nhiễm bệnh, người bệnh nên đạt được chế độ ăn đủ dưỡng chất, nhất là chất đạm từ cá, thịt nạc, đậu, sữa tách béo…. Người bệnh cần ăn đủ rau xanh để cung cấp vitamin và khoáng chất, vi chất. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động của hệ miễn dịch làm việc hiệu quả, đẩy lùi Covid-19.

Bên cạnh đó, các triệu chứng như mất vị giác, mệt mỏi khi nhiễm bệnh sẽ khiến người bệnh ăn không ngon, nhạt miệng, vì vậy thiếu vitamin và vi chất trong thời gian bệnh là có thể xảy ra. Nếu đánh giá người bệnh ăn uống kém, bác sĩ điều trị có thể chỉ định bổ sung vitamin C, D, kẽm… giúp hệ miễn dịch hoạt động ổn định, tuy nhiên khuyến cáo nguồn bổ sung ưu tiên là từ thực phẩm.

https://soha.vn/nguoi-co-benh-sau-khi-mac-covid-19-co-nguy-co-nang-gap-3-dien-tien-nang-nhanh-de-tu-vong-20220217085135595.htm

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang