Dự thảo hướng dẫn tham gia giao thông với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19 của Bộ Y tế được xây dựng để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Theo hướng dẫn mới, nếu được ban hành sẽ áp dụng với người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng được tiêm cách thời điểm đi lại ít nhất 14 ngày, và không quá 12 tháng; có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử, hoặc giấy chứng nhận của cơ sở tiêm chủng.
Với người đã khỏi bệnh COVID-19 phải có giấy xác nhận khỏi bệnh hoặc giấy ra viện (kèm giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SAR-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tới thời điểm di chuyển).
Những người đạt các điều kiện trên được tham gia giao thông để thực hiện các nhiệm vụ: học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các nhà máy, cơ sở sản xuất... như trong thời kỳ bình thường mới và luôn thực hiện thông điệp 5K.
Với các cơ quan, công sở tại địa phương/vùng đang thực hiện Chỉ thị 15 và 16 nếu có 100% người lao động đã được tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19, toàn bộ người lao động được đi làm bình thường và luôn thực hiện thông điệp 5K.
Với các cơ quan, công sở tại địa phương/vùng đang thực hiện Chỉ thị 19, người lao động được đi lại hoạt động bình thường.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu tại địa phương/vùng đang thực hiện Chỉ thị 15 và 19: Người lao động đã tiêm đủ liều vắc-xin không lưu trú tại vùng nguy cơ cao, hoặc ở tại vùng đã trong trạng thái bình thường mới được đi làm và về nhà theo lộ trình cụ thể, đảm bảo 5K; được bố trí ăn tại chỗ trong ca làm việc tại cơ sở sản xuất.
Đối với người dân tại địa phương/vùng đang thực hiện Chỉ thị 16: Người dân tuyệt đối ở trong nhà, trừ trường hợp chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp đặc biệt khác được tham gia giao thông nhưng phải tuân thủ thông điệp 5K.
Người dân tại địa phương/vùng thực hiện Chỉ thị 15: hạn chế di chuyển, nhất là từ các địa phương/vùng có dịch đến các địa phương khác. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19 được đi lại bình thường, không hạn chế.
Người dân tại địa phương/ vùng thực hiện Chỉ thị 19: được đi lại bình thường trong phạm vi nội tỉnh. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19 được đi lại bình thường, không hạn chế.
Với hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa: lưu thông hàng hóa giữa các địa phương/vùng thực hiện Chỉ thị 15, 16 và 19 bình thường, không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-COV-2 của người điều khiển phương tiện hàng hóa, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tại địa phương/vùng đang thực hiện Chỉ thị 16: không cho người, hàng hóa, phương tiện ra, vào vùng phong tỏa, trừ những người làm nhiệm vụ, lương thực, hàng hóa thiết yếu và phương tiện vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu, nguyên tắc không được vận chuyển hàng hóa, vật dùng ra khỏi vùng phong tỏa.
Tại địa phương/vùng đang thực hiện Chỉ thị 15: Cho phép hoạt động trở lại, lưu thông nội tỉnh, liên tỉnh khi đã được cấp phép (hoặc mã QR) và hoạt động bằng 50% công suất.
Tại địa phương/vùng đang thực hiện Chỉ thị 19: Cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, nội tỉnh với công suất bằng 70% so với bình thường.
Đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (kể cả trường hợp đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19) lưu thông từ khu vực áp dụng Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang địa phương/vùng đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn và ngược lại: phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.
Người điều khiển phương tiện hạn chế dừng đỗ, tiếp xúc với người khác; điều khiển phương tiện theo đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; thường xuyên mở cửa sổ đảm bảo thông thoáng phương tiện và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.