Đến thời điểm hiện tại, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đã có 148 người tử nạn và mất tích, nhiều khu vực bị chia cắt sâu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tiếp cận được. Về nông nghiệp, 7.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.000 con gia súc, gần 700.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Đây thực sự là những thảm họa nối tiếp thảm họa!
Qua thiên tai, chúng ta học được bài học cho bản thân mình, cho xã hội trong việc ứng xử và sống thuận hòa với thiên nhiên và từ đó cần có những điều chỉnh lớn trong chính sách về quản lý bảo vệ, phát triển rừng, môi trường, khai thác tài nguyên theo hướng bền vững.
Ở một số tỉnh miền Trung, nước lũ đang bắt đầu rút, thảm họa đang dần qua đi, nhưng ngoài khơi các cơn bão lại đang đe dọa tiến vào. Đây là lúc chúng ta khách quan nhìn lại những khó khăn vất vả, hậu quả thảm khốc, những tác động thực sự của các chương trình thiện nguyện, nhu cầu thực tế của người dân vùng bị ảnh hưởng để có cái nhìn đúng hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động hỗ trợ, cứu nạn, thiện nguyện trong thời gian tới.
Đơn giản bởi vì, mùa mưa lũ ở miền trung mới chỉ bắt đầu!
Đừng thực hiện cứu trợ tự phát và đơn độc
Miền trung là vùng chịu ảnh hưởng rất nhiều các tác động bất lợi của thiên tai. Người dân địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thích ứng và đối phó với thảm họa. Trước đây, khi chưa có các đập thủy điện, khu vực Thừa Thiên Huế năm nào cũng có đến 2 – 3 trận lụt. Và điều đó trở thành rất bình thường trong cuộc sống của người dân địa phương.
Bên cạnh hậu quả, lũ lụt bình thường lại có một mặt khác là các nguồn lợi rất lớn như bù đắp phù sa cho các thửa ruộng, rửa sạch mầm bệnh, không có một loại phân bón nào sánh bằng.
Tuy nhiên, lũ lụt, sạt lở đất, thiên tai liên tiếp như năm 2020 này lại là một ngoại lệ. Do đó, việc cứu hộ, cứu nạn là cực kỳ cần thiết và hữu ích, đồng thời cần đánh giá mức độ thiệt hại, cũng như nhu cầu cần hỗ trợ.
Đầu tiên, việc cứu hộ, cứu nạn cần có sự đánh giá khách quan và phối hợp đồng bộ giữa các bên. Ở mỗi tỉnh đều có các ban chỉ huy phòng chống lụt bão, họ là đơn vị nắm rõ nhất địa bàn, tình hình và nhu cầu thực tế ở địa phương.
Do đó, các đoàn cứu trợ, thiện nguyện nên liên hệ chặt chẽ với các ban này ở các địa phương, nhằm đảm bảo hỗ trợ phù hợp, đúng người, đúng việc và đúng nhu cầu.
Bên cạnh đó, việc trao đổi, thảo luận và phối hợp giữa các bên sẽ giúp tránh được hỗ trợ trùng lặp, hoặc quá nhiều hoặc thừa một số loại hàng hóa vật tư (như lương thực thực phẩm, gạo, mì tôm… trong khi lại thiếu những vật tư thiết yếu khác như thuốc men..).
Ngoài ra, việc phối hợp tốt với chính quyền, các lực lượng ở địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, an toàn nhất cho các đoàn để triển khai hỗ trợ, tránh được những sự cố không mong muốn, như việc một số đoàn bị ép giá thuê xe, thuê thuyền để chở hàng cứu trợ với giá cao rất phản cảm như các trường hợp đã được phản ánh.
Hoặc do không nắm tình hình và địa hình mà một số đoàn bị mắc kẹt giữa mưa bão, vừa thiệt hại về con người và tài sản của người đi cứu hộ, lại thiệt hại luôn cả các loại hàng hóa vật tư đem đi hỗ trợ.
Cạnh đó, cũng cần nhìn nhận và đánh giá đúng mức độ thiệt hại, khả năng thích ứng và đối phó với thiên tai, thảm họa của người dân địa phương hiện nay ra sao. Để từ đó có giải pháp phù hợp, vừa kêu gọi được sự hỗ trợ của cộng đồng, vừa phát huy nội lực vượt qua khó khăn của người dân địa phương.
Là người ở trong vùng rốn của bão lũ, thiên tai (Thừa Thiên Huế), tôi từng nhiều lần trực tiếp tham gia các đoàn thiện nguyện, trao đổi, phỏng vấn các tổ chức hoạt động trong hoạt động cứu trợ, gặp và nói chuyện với người dân vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai thảm họa. Xin có một số đề xuất cụ thể sau, nhằm góp phần hạn chế những ảnh hưởng, tác động của thiên tai, cũng như phần nào khắc phục được các khó khăn của các vùng bị ảnh hưởng sau thảm họa:
Trước khi xảy ra thiên tai, thảm họa
Cái người dân địa phương cần nhất lúc này là thông tin, dự báo chính xác các khu vực bị ảnh hưởng, tác động của thiên tai. Do đó, việc dự báo thời tiết, thiên tai cần được chuyển tải liên tục và cập nhật liên tiếp trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội, trên điện thoại cá nhân của từng người, từng nhà. Việc này không khó thực hiện.
Ngoài ra, khi có dự báo chính xác, các hướng dẫn các biện pháp phòng chống thiên tai cũng cực kỳ cần thiết. Người dân cần được hướng dẫn về các biện pháp phù hợp với mức độ ảnh hưởng tác động của thiên tai. Như các biện pháp di dời khẩn cấp, giằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các vật dụng tối cần thiết trong trường hợp thiên tai kéo dài như vừa qua.
Điện là yếu tố quan trọng để đảm bảo liên lạc và an toàn trong thiên tai. Thực tế chứng minh người dân cần thông tin thông suốt cả trước, trong và sau thiên tai.
Vừa qua, một số tổ chức hỗ trợ máy phát điện loại nhỏ cho các cộng đồng, theo tôi là một hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Bên cạnh đó, các loại pin mặt trời đơn giản gọn nhẹ, chuyên dùng để xạc pin điện thoại cũng rất thích hợp.
Trong khi xảy ra thiên tai, thảm họa
Bất chấp mưa gió và bão lũ, đã có rất nhiều các đoàn thiện nguyện, cứu hộ tự phát đi cứu trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Đa phần là cung cấp lương thực thực phẩm như mì tôm, gạo, áo phao, đèn pin … Tôi đánh giá cao lòng tốt, sự nhân ái cũng như sự can đảm của họ.
Tuy nhiên, cần lượng sức mình và hết sức cẩn trọng với tai ương luôn rình rập! Đặc biệt với hiện trạng cơ sở hạ tầng, đường xá bị phá hủy do bão lũ, và chưa biết thiên tai còn đang diễn tiến phức tạp như thế nào.
Việc cứu hộ, cứu nạn cần chuyên môn, kỹ năng, phương tiện, kinh nghiệm và thông thạo địa bàn chứ không chỉ cần nhiệt tình và tốt bụng. Rất mong các bạn làm thiện nguyện lưu ý. Giúp người khác, nhưng cần bảo vệ an toàn cho bản thân mình. Đừng gây thêm gánh nặng cho lực lượng cứu hộ hiện đang rất vất vả rồi.
Rất nhiều trường hợp thông tin đưa lên mạng xã hội cho thấy, người đi cứu hộ lại phải kêu gọi được cứu hộ vì rơi vào những hoàn cảnh tới cũng không được, lùi cũng không xong.
Ngoài ra, việc phối hợp với các cơ quan đơn vị ở địa phương cũng giúp đảm bảo việc cứu trợ đến được với người cần được cứu trợ. Các nhóm thiện nguyện, do khả năng và phương tiện hạn chế không thể đến được với các vùng sâu-xa, nên chủ yếu là phát đồ hỗ trợ dọc các trục đường lớn, thuận tiện giao thông, có nhà được phát nhiều lần bởi nhiều đoàn. Trong khi các vùng sâu vùng xa khó tiếp cận nhưng khó khăn thật sự thì người dân không nhận được sự hỗ trợ nào.
Ở giai đoạn này, người dân ở vùng bị thiên tai cần các trang thiết bị và vật liệu tối cần thiết sau:
Về lương thực: Các loại thực phẩm gọn nhẹ, đủ chất, khó hư hỏng để họ có thể dùng ngay mà không cần phải chế biến gì nhiều và cầm cự qua được thiên tai. Khá nhiều tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, nấu cơm … gửi đến, nhưng những loại thực phẩm này lại không để được lâu.
Trong trường hợp thiên tai kéo dài thì người dân tại chỗ cần được hỗ trợ gạo, dầu ăn, nước mắm, bột nêm, lương khô, hoặc các sản phẩm đã qua chế biến mà có thể giữ được lâu không bị hỏng như xúc xích, các loại đồ hộp.
Về trang thiết bị: Áo phao, đèn pin, các loại thuốc thông dụng: đau bụng, đau đầu, cảm sốt, giảm đau, bông băng, thuốc sát trùng, thuốc trị nước ăn chân, dung dịch vệ sinh phụ nữ, băng vệ sinh …, áo quần ấm các loại, ủng lội nước, áo đi mưa hoặc loại áo khoác mỏng có khả năng cản mưa, che gió.
Sau khi xảy ra thiên tai, thảm họa:
Cứu hộ sau thiên tai góp phần rất lớn để giảm bớt những khó khăn, thiếu hụt và nguy cơ dịch bệnh, đói ăn đến người dân địa phương.
Một số chia sẻ của các đoàn đi cứu trợ cho thấy hiện ở một số vùng thấp, ngập sâu bị ô nhiễm sau bão lụt, nồng nặc mùi xác chết của các loài gia súc gia cầm bị chết trong bão lũ. Đây là nguy cơ rất lớn đến môi trường sống và sức khỏe của người dân, cần giải quyết khá cấp bách.
Do đó, việc đảm bảo vệ sinh môi trường, đủ nước sạch cho sinh hoạt của người dân là cực kỳ cần thiết.
Thiên tai đã cướp đi hầu hết các tư liệu sản xuất và hoa màu, lương thực của người dân địa phương. Do đó, ở một số vùng nghèo nguy cơ đói là rất cao. Lúc này chính là lúc cần hỗ trợ lương thực thực phẩm với số lượng lớn để người dân có thể cầm cự được và tiếp tục hoạt động sản xuất sau thiên tai.
Ngoài ra, sau lũ lụt, người dân cần có nguồn giống và nguồn tiền cho các hoạt động sản xuất rau màu, thóc giống, đậu đỗ, ngô … để khôi phục sản xuất và sớm có lương thực, thực phẩm và trở lại cuộc sống bình thường.
Việc hỗ trợ sau thiên tai nên ưu tiên theo thứ tự: lương thực thực phẩm và vật dụng vệ sinh y tế, môi trường, nguồn giống các loài cây con ngắn ngày, rồi mới đến nguồn giống của các loài cây trồng, vật nuôi dài ngày.
Hy vọng các cấp chính quyền, đoàn thể, mặt trận và cả những đoàn thiện nguyện tự phát có thể tham khảo và từ đó có những hoạt động lập kế hoạch, chuẩn bị vật tư phương tiện, lựa chọn loại hình hỗ trợ và triển khai hỗ trợ thiết thực nhất cho người dân vùng bị thiên tai. Tránh trường hợp hỗ trợ những vật dụng không thật sự cần thiết, sai địa điểm cần hỗ trợ, hoặc hỗ trợ không đúng với nhu cầu của người dân.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.