Người dân ủng hộ đề xuất di dời 80 cây hoa sữa vì mùi hương quá nồng nặc
Liên quan đến đề xuất đánh chuyển 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vì mùi hương quá nồng nặc, nhiều người dân sống tại khu vực đồng tình và mong muốn được thay thế nhanh chóng.
Là người dân sống tại phố Nguyễn Chí Thanh, ông Vũ Bá Bình (70 tuổi) chia sẻ: "Trước kia lác đác đầu phố hay cuối ngõ có 1 cây hoa sữa thì mùi hương thoang thoảng, thơm mát vào mùa Thu thì mọi người còn thích thú. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cây được trồng dày đặc, với khoảng cách 3-4m/cây, khi vào mùa nở rộ, mùi hoa nồng nặc, xộc thẳng vào nhà, chúng tôi không thể nào chịu nổi".
Theo ông Vũ Bá Bình, không chỉ tạo ra mùi quá nồng nặc mà hàng loạt cây hoa sữa gây ra bụi bẩn bởi những hạt hoa sữa bay khắp nơi, chạm vào người sẽ rất ngứa…
“Rễ cây hoa sữa là loại rễ nổi khiến lật hết gạch đá lát vỉa hè. Vào mùa, nhà tôi luôn phải đóng kín cửa, vừa tránh mùi ngộp thở, vừa tránh những hạt hoa sữa như sâu róm bay vào nhà. Tôi mong thành phố nên đánh chuyển càng nhanh càng tốt, để người dân được đảm bảo sức khỏe”, ông Vĩ Bá Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thắng (65 tuổi, sống tại ngõ 100, đường Nguyễn Chí Thanh) cũng cho rằng: "Những người đi đường, mùi thoang thoảng còn không khó chịu, còn chúng tôi sống tại khu vực này, khi hoa nở rộ, quá nồng nặc, vô cùng khó chịu. Thậm chí nhiều người còn bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và khó thở. Ban ngày đi làm khỏi nhà thì còn đỡ, tối về không sao ngủ nổi. Nhiều người mẫn cảm còn bị dị ứng, đành phải chuyển sang khu vực khác tạm tránh".
Bà Nguyễn Hoàng Linh (32 tuổi là người dân sống tại ngõ 97 Nguyễn Chí Thanh) cho biết: "Không chỉ người dân chúng tôi sống ở đây cảm thấy khó chịu, mà vào mùa rất nhiều người đi bộ trên vỉa hè hay tắc đường đều thấy ngột ngạt. Chúng tôi rất ủng hộ đề xuất thay thế 80 cây của quận, việc này người dân chúng tôi đã đề xuất từ rất lâu. Chỉ mong đánh chuyển đi càng sớm ngày nào càng tốt ngày đó, hoặc để lại thì để thưa ra chứ dày đặc như hiện nay chúng tôi không chịu nổi".
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội di dời hoa sữa. Trước đó, vào tháng 10/2019, chính quyền đã chuyển khoảng 100 cây hoa sữa từ đường Trích Sài (Quận Tây Hồ, Hà Nội) lên trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Trước đề xuất di dời hoa sữa lần thứ 2 này, nhiều người cho rằng đây là hậu quả tất yếu của việc không có quy hoạch chọn cây. Theo chuyên gia y tế, hiện chưa có nghiên cứu nào về tác hại của hoa sữa với sức khỏe, nhưng có nhiều người bị dị ứng phấn hoa, trong đó có hoa sữa. Vào mùa hoa sữa nở, những người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp cần cẩn trọng. Bởi, khi tiếp xúc với hương, phấn và lông hoa sữa, những người này nguy cơ bị tái phát bệnh, mẩn ngứa, thậm chí nổi mụn, phát ban do phấn hoa sữa là những dị nguyên gây khởi phát dị ứng…
Hoàn thiện phương án thay thế cây hoa sữa
Liên quan đến đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa - Hà Anh Tuấn cho biết, quận đang triển khai dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh theo Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị. Mục tiêu nhằm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng, thiết kế biển quảng cáo trên trục tuyến phố này.
Theo ông Tuấn, qua rà soát, toàn tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đa phần là trồng cây hoa sữa với mật độ khá dày, gây mùi hương nồng nặc khi vào mùa. Bên cạnh đó có một phần nhỏ cây xanh tại tuyến phố bị cong, vênh, sâu mọt.
Căn cứ vào thực tế, quận Đống Đa có báo với Sở Xây dựng và TP. Hà Nội xem xét phương án là di dời cây hoa sữa, thay bằng cây hoa ban và các loại cây khác để tạo cảnh quan. Đây cũng là phương án giãn mật độ cây hoa sữa trên tuyến phố, nhằm hạn chế độ đậm mùi hương khi hoa sữa vào mùa.
Cũng theo ông Tuấn, nhiều năm qua, bà con nhân dân sống gần tuyến phố cũng nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền về việc mật độ trồng cây hoa sữa tại tuyến đường này quá dày đặc, vào mùa hoa sữa mùi hoa đậm đặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
“Hiện phương án đánh chuyển, trồng mới loại cây thay thế hàng hoa sữa đang được quận hoàn thiện để gửi cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó có phương án cụ thể di dời bao nhiêu cây, tại vị trí nào, trồng thay thế bằng loại cây gì… Kinh phí di dời, trồng thay thế cây xanh sẽ lấy từ kinh phí thực hiện dự án chỉnh trang tuyến phố. Phương án đánh chuyển, trồng thay thế cây xanh tại tuyến phố sẽ phải đảm bảo các tiêu chí khoa học, hợp lý, đúng quy định, có sự đồng thuận của bà con nhân dân. Sau khi hoàn thiện phương án, quận sẽ gửi cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng thẩm định, hướng dẫn bước tiếp theo. Sau khi phương án hoàn thiện sẽ trình UBND TP phê duyệt rồi mới tổ chức thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho hay./.
Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa phố Nguyễn Chí Thanh
Trước đó vào đầu tháng 10/2022, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn quận Đống Đa về việc hoàn thiện di dời, trồng mới cây xanh tại dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh.
Theo đề xuất của quận, sẽ di dời, trồng mới 123 cây xanh, trong đó có 80 cây hoa sữa tại tuyến phố này. Theo đó, Sở Xây dựng lưu ý quận Đống Đa cần xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau dịch chuyển.
Phương án thay thế, trồng mới cây xanh tại tuyến phố phải được thông tin rộng rãi, có sự ủng hộ của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, Sở Xây dựng đề nghị cần xem xét, đánh giá về mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc sau khi trồng.
Trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn, không thể bố trí trồng lại trong các công viên, vườn hoa trên địa bàn thì đề nghị UBND quận Đống Đa chủ động liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội để thống nhất vị trí trồng cố định và chăm sóc tại khu vực vùng ảnh hưởng bán kính 500 m ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.