Đau lòng! Trong hiện tại và cả tương lai, với sự thờ ơ của mình, người lớn chúng ta sẽ còn “bỏ quên” bao nhiêu đứa trẻ nữa?
Cơn đau lặp lại
Năm 2019, một đứa trẻ đã rời bỏ cuộc đời khi mới 6 tuổi vì bị bỏ quên trên xe bus đưa đón học sinh. Đã một lần chúng ta bàng hoàng và đau lòng vì sự vô tâm trước an nguy của trẻ thơ. Chúng ta đã từng tin rằng đó là lần đầu và cũng là lần cuối cùng chúng ta phải trải qua một câu chuyện buồn đến thế.
Nhưng rồi một lần nữa, ngày hôm qua, cơn đau lặp lại ở Thái Bình. Vẫn một kịch bản của 5 năm trước: Sự thờ ơ của những người lớn trên chiếc xe định mệnh. Dưới cái nắng 40 độ của Thái Bình ngày đầu mùa hè, suốt 11 tiếng, đứa trẻ ấy bị bỏ quên. Thậm chí, ngay cả khi cô giáo nhận ra lớp vắng một học sinh, vẫn chẳng có động thái nào trong việc đi tìm hiểu. Một câu chuyện cũ, một nạn nhân mới.
Giống như rất nhiều câu chuyện đau lòng khác đã và đang xảy ra ở trẻ con nước mình, kịch bản giống nhau. Cứ như thể người lớn chúng ta chỉ biết bày tỏ phẫn nộ, cơ quan công quyền thực thi hình phạt. Chúng ta cứ đau lòng hết lần này đến lần khác cùng một nguyên nhân, cùng một kết quả. Chúng ta chẳng có một sự rút kinh nghiệm nào đủ để nó không còn lý do để lặp lại nữa vậy.
Là sự tắc trách của người lớn, của chính những người đang được trả lương trong việc bảo vệ an toàn cho đứa trẻ nhưng lại thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Là cả những đứa trẻ vẫn cứ lớn lên trong một môi trường thiếu an toàn dù đã từng được cảnh báo, đã từng xảy ra hậu quả đau lòng. Là cả những quy định pháp luật, nguyên tắc an toàn, thậm chí hình phạt cho những sự tắc trách đó dường như cũng không thay đổi để nâng mức cảnh báo cao hơn vậy. Vẫn là chuyện đến rồi kiểm tra đồng loạt rồi báo cáo. Sau một thời gian qua chuyện, mọi thứ lại đâu vào đó.
Tôi vẫn cho rằng không chỉ câu chuyện bỏ quên một đứa trẻ trong xe đâu, mà cả rất nhiều câu chuyện khác nữa, như xâm hại, như bạo hành, như phụ huynh đánh trẻ vì đứa trẻ đó bắt nạt con mình… chúng ta cứ đợi xảy ra chuyện thì mới ầm ĩ lên và ầm ĩ xong là lại như chưa từng có vụ việc tương tự xảy ra vậy. Người lớn chúng ta có thực sự rút kinh nghiệm sau mỗi lần mạng xã hội, báo chí ầm ĩ lên như thế không?
Những đứa trẻ bị bỏ quên khác
Mấy hôm trước, câu chuyện về phụ huynh không đóng tiền nên con cô ấy bị “bỏ quên” không được ăn suất gà chiên. Tranh cãi của các cha mẹ thì đủ mọi khía cạnh. Người thì bênh người mẹ nọ vì sự quá nhiều quỹ hội phụ huynh khiến nhiều người làm cha làm mẹ không chạy theo nổi. Kẻ thì bênh cô giáo vì cô giáo chỉ là người thực thi công việc hội phụ huynh giao phó thôi chứ sao cô lại bị khiển trách và phải xin lỗi?
Chúng ta “bỏ quên” tâm trạng của đứa trẻ này. Người mẹ đăng lên mạng xã hội bức xúc mà “bỏ quên” đứa con có thể bị chính bạn bè của nó “sợ” không dám chơi cùng (vì bố mẹ tớ bảo mẹ cậu ghê quá). Những phụ huynh phụ trách “bỏ quên” đứa trẻ vì mẹ con không nộp tiền nên con phải chấp nhận thôi.
Công bằng mà, có đóng góp mới có ăn. Thậm chí nhiều cha mẹ còn khẳng định: Trẻ con phải học cách chấp nhận sự thật này. Khi tôi chia sẻ trên trang cá nhân của mình, nhiều cha mẹ không đồng tình với tôi. Họ nói rằng: Đứa trẻ cần phải được dạy về công bằng. Và cả nếu chúng tôi có thừa tiền mua thêm 1 suất gà nữa thì với người mẹ thế kia, họ thậm chí kiện chính chúng tôi nếu con họ ăn gà mà xảy ra chuyện gì.
Đúng! Về lý chúng ta có hàng vạn lý lẽ để khẳng định rằng chúng ta không “bỏ quên” đứa trẻ nào hết, tại cha mẹ chúng thôi. Nhưng về tình, tôi vẫn thấy đau lòng trước những đứa trẻ bị “bỏ quên” như thế. Là chúng bị người lớn “bỏ quên” cảm xúc của chúng, “bỏ quên” cả sự tồn tại của chúng trên cuộc đời này
Trẻ con thì biết cái gì?
Luật Trẻ Em đã có nhưng bao nhiêu người lớn chịu đọc? Quyền Trẻ Em cũng có nhưng bao nhiêu người lớn chịu trao và tuân thủ? Hay người lớn chúng ta lúc nào cũng là “Trẻ con thì biết cái gì?”. Là chúng ta mặc định lũ trẻ con thò lò mũi xanh nên cha mẹ đặt đau phải ngồi yên đấy, cấm cãi. Một đứa trẻ được coi là đứa trẻ ngoan là đứa trẻ không được cãi lại người lớn. Bao nhiêu người lớn đã từng nói lời xin lỗi con trẻ khi mình sai?
Chúng ta phẫn nộ với một đứa trẻ bị bỏ quên trên xe dẫn đến tử vong nhưng bao nhiêu đứa trẻ bị chúng ta bỏ quên trong đời thì chúng ta lại chỉ coi như “Trẻ con mà, biết cái gì đâu”. Vậy mới từng có thầy hiệu trưởng ăn bớt cả tiền ăn học sinh, dạy học sinh nói dối. Vậy mới từng có những vụ xâm hại trẻ mà mẹ đứa bé mắng con mình “suy nghĩ lung tung, ăn nói hàm hồ” chỉ vì người xâm hại là bậc cha chú trong nhà. Vậy mới từng có những đứa trẻ gieo mình tự sát chỉ vì chúng bị “bỏ quên” trong chính căn nhà của mình. “Cha mẹ không thương em, không quan tâm đến em. Em có sống cũng chẳng ý nghĩa gì, thậm chí còn trở thành gánh nặng cho cha mẹ”. Bao nhiêu đứa trẻ đã bị chúng ta bỏ quên mỗi ngày như thế?
Tháng 6 này, tháng hành động quốc gia vì trẻ em. Năm 2024, thông điệp của tháng hành động này là: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, bao nhiêu người lớn sẽ Hành Động Thiết Thực? Việc ưu tiên nguồn lực thì là công việc của cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức. Còn Hành Động Thiết Thực chính là của chúng ta vậy, những người cha, người mẹ vậy. Là mỗi chúng ta góp một hành động, một việc làm ý nghĩa, thiết thực cho con mình nói riêng và cho mỗi đứa trẻ nói chung. Mà tôi vẫn nghĩ không hành động nào thiết thực hơn việc: Đừng bỏ quên thêm một đứa trẻ nào nữa trong cuộc đời này. Một đứa trẻ bị bỏ quên trong hôm nay, thế giới ngày mai sẽ lại có thêm một người lớn khuyết thiếu hạnh phúc!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.