Đột quỵ là một tai biến nguy hiểm, xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Lúc này, tế bào não có thể bị chết đi do thiếu oxy và chất dinh dưỡng, từ đó dẫn tới những hậu quả nặng nề với sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Khi nhắc tới nguyên nhân đột quỵ, người ta thường hay nhắc tới huyết áp cao, mỡ máu cao, lười vận động hay có một chế độ ăn uống không lành mạnh. Thế nhưng, ít ai biết rằng, thời lượng mà chúng ta ngủ mỗi ngày cũng có thể khiến chúng ta đến gần hơn với loại tai biến nguy hiểm này.
Ngủ ít hay ngủ nhiều dễ bị đột quỵ hơn?
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một người trưởng thành nên ngủ tối thiểu 7 tiếng/ đêm. Thế nhưng, cơ quan này cho hay có tới ⅓ người Mỹ không ngủ đủ thời lượng khuyến nghị này. Trong khi đó, cứ 20 người Mỹ thì có 1 người ngủ hơn 9 tiếng/đêm.
Vậy, những người ngủ ít và những người ngủ nhiều, ai dễ bị đột quỵ hơn? Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Neurology vào năm 2023 đã đưa ra câu trả lời. Theo nghiên cứu, cả 2 nhóm đối tượng này đều có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với nhóm người ngủ đủ số giờ khuyến nghị. Tuy nhiên, những người ngủ ít có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người ngủ nhiều. Cụ thể, trong khi những người ngủ hơn 9 tiếng/đêm có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần so với người ngủ 7 tiếng/đêm thì những người ngủ ít hơn 5 tiếng/đêm có nguy cơ đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ 7 tiếng/đêm.
Bên cạnh việc ngủ quá ít hoặc quá nhiều, nghiên cứu này cũng cho thấy những người càng gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ, ví dụ như ngáy, khịt mũi, trằn trọc, tỉnh giấc vào ban đêm, thì nguy cơ đột quỵ sẽ càng cao. Đây là nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Galway (Ireland).
Mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ và nguy cơ đột quỵ
Tiến sĩ Adi Iyer, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh của Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Y tế Providence Saint John (Mỹ), cho biết: “Một giấc ngủ kém chất lượng có thể dẫn tới những thay đổi sinh lý, từ đó dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, giấc ngủ kém chất lượng cũng có thể là một tác dụng phụ của nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ như béo phì, lạm dụng rượu bia,... Mặc dù vậy, các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm cả thời lượng ngủ, là yếu tố đột quỵ có thể thay đổi được. Các bác sĩ nên đánh giá chất lượng và thời lượng giấc ngủ của bệnh nhân để từ đó đưa ra cách giải quyết và phòng ngừa đột quỵ”. Tiến sĩ Iyer là người không tham gia vào nghiên cứu trên.
Tiến sĩ Thomas Kilkenny, giám đốc Viện Y học Giấc ngủ của Bệnh viện Đại học Staten Island (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết 80% giấc ngủ của người trưởng thành là giấc ngủ non-rem (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh). Trong thời gian này, hệ thống tim mạch được kiểm soát bởi hệ thần kinh tự chủ. Hệ thống thần kinh này giúp giảm huyết áp, nhịp tim và căng thẳng, từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch. Những gián đoạn về giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, có thể làm suy yếu hệ thần kinh tự chủ và giảm thời gian của giấc ngủ không REM.
“Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của tim mạch và làm tăng căng thẳng lên hệ thống này, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ”, tiến sĩ Kilkenny nói thêm.
(Theo Medical News Today, Daily Mail)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.