Khi đặt một câu hỏi: “Bạn muốn thành tựu lớn nhất cuộc đời bạn là gì” thì có lẽ, 7 tỷ người trên thế giới sẽ đưa 7 tỷ đáp án khác nhau nhưng chung quy lại có thể chia gọn thành 2 nhóm đó là: mong muốn cho cá nhân và mong muốn cho cộng đồng. Với kiến trúc sư Chu Kim Đức, người vừa có vinh dự trở thành 1 trong 100 phụ nữ nổi bật năm 2020 của BBC thì chị đã chọn cho mình vị trí ở nhóm số 2.
Cách đây chừng hơn 6 năm, Think Playgrounds (TPG - Nghĩ về sân chơi trong phố) - doanh nghiệp xã hội có sứ mệnh đấu tranh cho “quyền được chơi” của trẻ em Việt Nam và tạo ra các sân chơi cộng đồng bằng vật liệu tái chế ra đời, chị Chu Kim Đức đã được cộng đồng kiến trúc sư nói riêng và những người hoạt động tình nguyện nói chung vô cùng nể phục. Chị cùng với những cộng sự của mình đã dốc hết sức mình để có được một thành tựu để đời, đó là nhìn thấy nụ cười của các em nhỏ trong các khu đô thị, thành phố thoải mái đặt những thiết bị thông minh xuống và cùng nhau chạy nhảy, thả tiếng cười giòn tan lên không trung như tuổi thơ của chính chị một thời.
"Kiến trúc sư Kim Đức đang thực hiện sứ mệnh thúc đẩy quyền vui chơi của trẻ em tại Việt Nam. Là người đồng sáng lập và giám đốc của Think Playgrounds, cô đã làm việc với các đối tác và cộng đồng trong nước để tạo ra hơn 180 sân chơi công cộng làm từ vật liệu tái chế.
Cô hiện đang xây dựng sân chơi trị liệu cho Bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội và sân chơi low-carbon (ít phát thải) đầu tiên tại thành phố".
Đó là những gì BBC giới thiệu về chị Chu Kim Đức trong bảng xếp hạng của mình.
Cơ duyên nào khiến chị nhất định phải làm sân chơi cho trẻ?
Chị Chu Kim Đức tốt nghiệp khoa Quy hoạch của Đại học Kiến trúc Hà Nội vào năm 2003. Sau đó, chị Đức sang Pháp học 2 khóa về Khảo cổ kiến trúc và Thiết kế sân vườn cảnh quan. Năm 2007, chị về nước mở công ty riêng và 5 năm sau thì chuyển hướng từ kiến trúc sang phim ảnh với vai trò làm phim nghệ thuật, thể nghiệm cho một trung tâm. Cũng trong thời gian đó, chị Đức gặp một phụ nữ Mỹ, người vừa nhận được khoản tiền thừa kế và rất yêu Hà Nội, Việt Nam. Cô ấy nhận thấy Hà Nội không có sân chơi miễn phí cho trẻ em nên muốn làm tặng thủ đô một công trình.
Chị Đức kể: “Người phụ nữ đó đi dạo quanh Hồ Gươm thì nhận thấy có rất nhiều trẻ em leo trèo lên Tháp Bút rất nguy hiểm. Sau đó, bọn mình đã hỗ trợ thiết kế cho cô ấy một cầu trượt con rùa với mong muốn có thể đặt ngay tại địa điểm đó. Tuy nhiên, dự án không thành công nên cô ấy đã trở về Mỹ. Chính điều này đã khiến cho mình trăn trở và suy nghĩ rất nhiều.
Mình bàn với anh Đạt là người đồng sáng lập TPG và năm 2014, bọn mình chính thức hoạt động như một nhóm tình nguyện với sân chơi đầu tiên được đặt ở bãi giữa sông Hồng. Sau đó, TPG tổ chức sự kiện Play Day - ngày vui chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của bà Judith Hansen và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam”.
Sau dấu mốc này, những khách hàng đầu tiên đã tìm đến nhóm của chị Đức. Họ là các trường mầm non tư nhân, trường quốc tế muốn thiết kế sân chơi trong khuôn viên. Với doanh số thu được, TPG dùng để thực hiện các sân chơi cộng đồng và 2 năm sau đó, họ được đăng ký trở thành doanh nghiệp xã hội.
Cuộc gọi kỳ lạ từ BBC
Cách đây khoảng nửa năm, có một đại diện từ BBC News đã gọi điện trực tiếp cho chị Đức với lời đề nghị đưa chị vào danh sách 100 phụ nữ của năm do tờ báo này bình chọn. Một sự bất ngờ không hề nhẹ đã choán lấy tâm trí chị Đức, bởi trước đó chị vẫn thường học tiếng Anh qua đây, vậy mà không ngờ có ngày họ lại gọi đến mình. Nhanh chóng lấy lại tinh thần, chị Đức bình tĩnh nói chuyện hết 1 giờ đồng hồ với phóng viên.
“Theo mình biết thì năm nào BBC cũng có đề xuất danh sách 100 phụ nữ và năm 2020 vừa qua vì là năm có nhiều sự thay đổi do dịch bệnh Covid-19 nên họ muốn tìm một người có các hoạt động tác động thực sự đến sức khỏe của cộng đồng. Họ đã tìm kiếm ở Việt Nam nhưng số người hoạt động trực tiếp với cộng đồng như mình thì không nhiều lắm. Dù không nói rõ trong danh sách đề cử có những ai nhưng sau cùng thì mình được chọn.
Phóng viên BBC có hỏi mình về việc tại sao lại bắt đầu làm TPG. Họ cũng đánh giá các tác động của hoạt động sân chơi và cái họ quan tâm thứ hai chính là khía cạnh môi trường và giáo dục”.
Thực sự đây là một cơ hội hiếm có bởi cả năm chỉ có duy nhất 1 lần BBC tổ chức đánh giá và đề xuất danh sách danh giá này. Những năm trước, Việt Nam cũng có các đại diện đến từ hội khuyết tật, hội bảo vệ động vật… Còn năm nay những khoảng sân chơi của trẻ em và tiếng nói vận động quyền được chơi cho trẻ em đã được BBC coi trọng vì có lẽ họ cho rằng chúng đang rất cần thiết.
“Phóng viên BBC có cách trò chuyện khá thẳng thắn nhưng điều khiến mình cảm động hơn cả đó là họ quan sát và để ý đến những người bình thường không có nhiều tiếng tăm. BBC đã có ưu tiên cho các nhóm yếu thế như người khuyết tật hay bảo vệ sự đa dạng của môi trường thì bảo vệ quyền trẻ em cũng sẽ rất quan trọng. Có thể thấy, thường các hoạt động cho trẻ em trong thành phố, đô thị bây giờ hầu như đều khá ít mà thường chỉ mang tính chất tuyên truyền, truyền thông hoặc nâng cao nhận thức là nhiều. Do vậy, những hoạt động cụ thể như thế này hy vọng sẽ phần nào giúp thay đổi ý thức và thói quen của người dân”.
Trẻ em thành phố có rất ít không gian chơi đùa và ý tưởng của chị Đức thực sự đã được BBC đánh giá cao dưới góc độ truyền cảm hứng.
Trong danh sách của BBC bình chọn, chị Kim Đức có nhắn nhủ một thông điệp cực kỳ ý nghĩa đó là “Hãy luôn vui tươi - trong công việc và cuộc sống. Đó là việc học hỏi với động lực nội tại: Bạn cần làm gì và muốn làm gì? Đam mê, không ngừng học hỏi là điều giúp chúng ta vượt qua khó khăn và luôn lạc quan”.
Có lẽ, cũng nhờ phương châm này mà qua nhiều năm hoạt động xã hội miệt mài, chị Đức vẫn giữ được lửa nhiệt huyết và chưa từng muốn bỏ cuộc dù hành trình không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Là phụ nữ làm doanh nghiệp xã hội thì sẽ như thế nào?
Gặp chị Kim Đức trong buổi phỏng vấn cũng là ngày chị khai trương một sân chơi ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Sân chơi có tên “Nỏ thần” mô phỏng lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy vốn đã rất quen thuộc với người Việt. Bằng những vật liệu tái chế thân thiện như gỗ và lốp xe hơi cũ, chị Đức cùng các cộng sự của mình ngày hôm đó đã rất vui khi được ngắm nhìn các em nhỏ thỏa sức vui đùa với ánh mắt long lanh rực sáng.
“Sân chơi mà TPG làm ra không đơn thuần chỉ là chiếc cầu trượt hay xích đu cho các bé mà chứa đựng trong đó còn là những câu chuyện được truyền tải hết sức ý nhị. Với sân chơi này chúng tôi đang muốn mô phỏng lại cuộc chạy trốn của Mị Châu và phải nhìn từ trên cao xuống thì mới thấy được toàn cảnh. Các nghệ sĩ khi thiết kế sân cũng có ẩn ý để mọi người cùng nhau khám phá, suy ngẫm rồi mới thấy được cái hay của nó.
Hiện tại ở Việt Nam chúng tôi có khoảng gần 200 sân chơi nhưng không phải ở đâu cũng có câu chuyện như thế này. Tâm ý của chúng tôi rất muốn khi thực hiện sân chơi ở địa phương nào thì sẽ lồng ghép văn hóa và lịch sử của nơi đó vào nhưng quả thực là có những dự án khá là khó để thuyết phục cộng đồng trong quá trình trao đổi”.
Doanh nghiệp xã hội hiện còn đang là mô hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam với nguyên tắc hoạt động là luôn song hành cả yếu tố kinh doanh – cộng đồng một cách mật thiết. Theo đó, lợi nhuận khi thu được từ việc kinh doanh sẽ được chủ doanh nghiệp cam kết trích ra 51% để đầu tư lại vào các công trình công cộng. Những năm trước, doanh nghiệp của chị Đức nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng năm vừa qua vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên lợi nhuận không có nhiều. Điều đó khiến chị Đức cùng các cộng sự phải bỏ ra gần như 100% lãi thu được vì không muốn bị ngắt quãng quá trình.
“Tiền lợi nhuận của công ty bên mình trích ra với 2 mục đích, một là cải tạo sân chơi cũ và hai là xây mới. Với mỗi một dự án sân chơi được làm mới như thế này thì ngoài tiền của công ty mình còn kêu gọi đầu tư của các tổ chức khác nữa, như là Hội đồng Anh chẳng hạn.
Thông thường, để được khai trương một sân chơi thì bọn mình có 2-3 tháng bắt tay vào làm. Đầu tiên là gặp gỡ cộng đồng rồi sau đó đi tham khảo bảo tàng về lịch sử văn hóa và cùng đưa ra thiết kế. Khi đã có bản vẽ rồi thì bọn mình về lấy ý kiến cộng đồng một lần nữa. Sau khi các bên đều thống nhất thì sẽ thi công. Trong quá trình làm, cộng đồng cư dân cũng hỗ trợ rất nhiều về tinh thần và sức lực, nhất là việc sơn vẽ các vật dụng trò chơi cho các bé”.
Nói thì như vậy nhưng quá trình làm việc của nhóm chị Kim Đức cũng không hẳn là hoàn toàn dễ dàng, mà khó khăn lớn nhất có lẽ chính là vấn đề nhân sự. Khởi nguyên nhóm của chị Đức là một nhóm tình nguyện nhưng sau đó đã phát triển dần thành doanh nghiệp. Mà đã là doanh nghiệp thực sự thì việc đảm bảo quyền lợi cho nhân viên là điều ai cũng phải nghĩ đến. Rất may là với những bỡ ngỡ ban đầu của một doanh nghiệp xã hội, tất cả mọi người đều làm việc nhiệt huyết và vui vẻ, ủng hộ các dự án.
Chị Kim Đức luôn có một nguyên tắc làm việc để những người kể cả là phụ nữ thì cũng không thể “ngán” các hoạt động xã hội đó là công ty không làm việc ngoài giờ, không làm việc cuối tuần. Tất cả mọi người đều tôn trọng và cố gắng giữ điều đó nên ngoài những giờ phút căng thẳng với nhiều đầu việc, ai cũng có khoảng thời gian riêng dành cho gia đình.
Bản thân chị Đức cũng có một cô con gái 12 tuổi và thời gian đầu, bé chính là nhân vật đầu tiên được trải nghiệm các khu vui chơi cộng đồng mà mẹ làm ra. Để có thể đồng hành cùng bé trong suốt nhiều năm như vậy, chị Đức đã phải tự mình cân bằng giữa vai trò làm mẹ và làm lãnh đạo ở công ty.
“Thực ra cứ nói là phụ nữ thì khi làm việc xã hội sẽ có điều này điều kia nhưng mình nghĩ việc cân bằng không phải quá khó nếu chúng ta đặt ra được những nguyên tắc tối ưu ngay từ đầu. Ở một doanh nghiệp xã hội như bọn mình vốn đã rất cần sự nhiệt huyết thì hơn hết trong cuộc sống thường ngày càng không nên có sự ức chế hay stress nào. Phương châm của mình là không bao giờ tạo sức ép và luôn tôn trọng, rõ ràng với tất cả. Có như vậy, mọi cuộc chơi mới trở nên bền vững được”.
Quả thực, số người làm được như kiến trúc sư Kim Đức không phải nhiều bởi sẽ ít có ai trong lúc còn chưa no mà vẫn sẵn sàng gạt đi một nửa bát cơm của mình cho người khác. Phải là một người có tấm lòng bao dung lắm thì mới chia sẻ được như vậy.
Nói rồi, chị Đức lại tiếp tục vui vẻ nhìn đám trẻ đu đưa qua lại với công trình vừa được hoàn thiện còn nguyên mùi sơn mới. Trông mới thật vui làm sao.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.