Người Việt thấp gần nhất khu vực do đâu?

Gần 30 năm, chiều cao người Việt chỉ tăng thêm 3cm, trong khi Nhật Bản chỉ mất 15 năm để cao thêm 2,8cm.

Tại lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai tăng cường dinh dưỡng trong tình hình mới, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, tầm vóc và thể lực của người Việt còn hạn chế.

Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ.

Chiều cao này còn thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký cam kết về tăng cường dinh dưỡng trong tình hình mới 

Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của người Việt xếp vào nhóm thấp, chỉ nhỉnh hơn Indonesia, còn nam giới thấp hơn Campuchia 0,4cm, nữ giới thấp hơn 0,2cm.

Theo các nghiên cứu đã được công bố, chỉ có 20% chiều cao phụ thuộc vào di truyền, 50% phụ thuộc vào dinh dưỡng và rèn luyện sức khoẻ, còn lại là các yếu tố môi trường, bệnh tật...

Do đó, để cải thiện chiều cao, cần phải can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt về dinh dưỡng trong những năm đầu đời, trọng tâm là 1.000 ngày đầu tiên và quan tâm đến vận động thể lực cho lứa tuổi dậy thì.

Bộ trưởng cho biết, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện vẫn ở mức cao, chiếm gần 25%, cá biệt tại Tây Nguyên lên tới 34%.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện. Tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%.

50% chiều cao do dinh dưỡng và rèn luyện thể lực nhưng bữa ăn của người Việt chưa được quan tâm đúng mức, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý

Suy dinh dưỡng ở trẻ em đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam.

Bên cạnh đó tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh. Tại TP.HCM, trong 10 năm, tỉ lệ béo phí ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng gấp 3 lần, từ 3,7% lên 11,5%.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nguồn lực cho công tác dinh dưỡng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi... chưa được chú trọng.

Đa số người dân chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời, chưa bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong các hộ gia đình, trong học đường và cho người lao động.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng các khuyến nghị, phổ biến dinh dưỡng theo từng nhóm tuổi, tập trung giải quyết suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, dinh dưỡng dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Đồng thời ưu tiên việc chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi.

Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 tăng chiều cao của trẻ 5 tuổi 1,5-2cm; tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới 1-1,5cm so với năm 2010 và đến năm 2030, chiều cao đối với nam 18 tuổi đạt 1,685m, nữ đạt 1,575m, cao hơn hiện tại khoảng 4cm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang