Đó là trường hợp đau lòng của chị N.T.H.T. (26 tuổi, quê An Giang), làm nghề bán hàng online và đã có chồng.
Tháng 11/2019 sau khi đọc quảng cáo trên mạng và nghe theo lời chỉ dẫn của bạn bè, T. giấu gia đình lên TP.HCM, đến 1 cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép ở quận 3 để đặt vấn đề nâng mông.
Tại đây sau khi được nhân viên thẩm mỹ tư vấn, bệnh nhân đồng ý tiêm silicon lỏng vào hai bên mông với giá 40 triệu đồng. Tuy nhiên 2 tuần sau, người vợ trẻ đã lãnh hậu quả.
Bác sĩ Đinh Phương Đông, Phó khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện (BV) Trưng Vương (TP.HCM) cho biết T. có tiền sử đã đặt túi độn mông và lấy ra trước khi tiêm silicon.
Bệnh nhân nhập viện sau 1 tháng tiêm silicon lỏng, mông hoại tử rộng, nhiễm trùng, tấy đỏ và chảy dịch rất nhiều.
Trước đó, bệnh nhân đã đến một cơ sở tư nhân khác phẫu thuật nạo hút 1 lần nhưng silicon chưa hết mà tiếp tục xâm nhập sâu và rộng hơn 2 bên mông, có nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Ngoài ra T. xuống tinh thần trầm trọng, không ăn không ngủ được vì đau đớn và lo lắng suốt ngày.
Quá trình điều trị suốt 5 tuần, nữ bệnh nhân được phẫu thuật 4 lần để tiếp tục cắt lọc, nạo hút silicon, giảm viêm 2 mông.
Lượng silicon lấy ra rất lớn (250-300cc), silicon tiêm hẳn vào trong cơ và mô dưới da nên việc lấy ra rất khó khăn.
Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ buộc lòng phải rạch nhiều đường ở mông, cố gắng lấy càng nhiều chất làm đầy càng tốt. Hiện vết thương đã khô, tình trạng nhiễm trùng được đẩy lùi.
Tuy nhiên theo bác sĩ, silicon khi tiêm vào người sẽ không thể nào lấy hết. Mông của bệnh nhân cũng không thể trở lại như ban đầu, ảnh hưởng rất nhiều về vấn đề thẩm mỹ.
Bác sĩ Đông chia sẻ, từ năm 1965 silicon lỏng đã được cấm ở Mỹ. Đến năm 1995, gần như cả thế giới đã khuyến cáo không dùng chất này để tiêm vào các tổ chức trên cơ thể.
Kể cả filler, chất làm đầy cũng được khuyến cáo không tiêm vào các vùng đã từng được phẫu thuật.
Tuy nhiên tại khoa tháng nào vẫn có những trường hợp biến chứng vì tiêm silicon lỏng ở vùng mặt hay mũi. Thậm chí đã có ca biến chứng nặng, dẫu đến tử vong vì chất làm đầy gây tắc mạch máu.
"Biến chứng do tiêm silicon có thể từ cấp tính đến lâu dài. Có những trường hợp đã tiêm từ 20 năm trước nhưng vẫn cao su hóa vùng da, kích ứng da hay nhiễm trùng sâu.
Silicon nhìn như trứng cá, xen kẽ, vón cục và len lỏi vào các mô, mạch máu. Chúng ta không thể bằng phương tiện nào lấy tuyệt đối ra được. Nếu sau này silicon gây biến chứng thì phải tiếp tục mổ. Có những trường hợp mổ đến mười mấy lần, để lại sẹo rất nhiều và gây biến dạng nặng nơi tiêm.
Ngoài ảnh hưởng về sức khỏe, bệnh nhân còn khủng hoảng về tinh thần" - bác sĩ phân tích.
Trên giường bệnh, T. kể câu chuyện của mình mà mắt rớm lệ. Cô nói từ lúc tiêm đến nay đêm nào cũng đau nhức, ăn ngủ không được và khóc mỗi ngày.
"Giờ cháu tôi phải chăm tôi còn chồng phỉ đi làm kiếm tiền nuôi tôi. Tôi mong câu chuyện của mình sẽ là bài học cảnh tỉnh cho mọi người, cho chị em phụ nữ. Đừng làm đẹp bất chấp mà rước họa vào thân" - người vợ trẻ sụt sùi.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.