Nguyên nhân và phương pháp khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bị đờm trong cổ họng

(lamchame.vn) - Trẻ sơ sinh có đờm trong cổ họng là biểu hiện thường thấy trong năm đầu đời. Phần lớn các trường hợp không gây vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bị đờm sẽ gây khó khăn cho việc hít thở, dẫn đến thở khò khè, ngủ không ngon giấc, để lâu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Vậy nên mẹ nên tìm cách điều trị đờm cho trẻ sớm nhất.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đờm trong cổ họng

Trong thời gian 1 năm đầu sau khi sinh, khả năng loại bỏ chất nhầy ở trẻ còn kém nên các bé thường có đờm trong khoang mũi, họng. Chất nhầy tích tụ càng nhiều sẽ làm trẻ càng khó hít thở, thở khò khè hoặc tạo thành phản xạ ho, tống đờm ra ngoài cơ thể.

Bên cạnh đó vì đường thở trong khoang mũi của trẻ khá nhỏ, không đáp ứng được việc loại bỏ chất nhờn trong họng. Đồng thời những trẻ sinh mổ thường sẽ có nguy cơ bị khò khè nhiều hơn so với những trẻ sinh thường (do thao tác rặn đẻ của mẹ giúp phổi tống hết dịch nước ối) và có đến 80% trẻ mắc phải trong khoảng 1 đến 2 tháng đầu mà không do các bệnh cảm cúm hay cảm lạnh.

Ngoài ra trẻ sơ sinh có biểu hiện khò khè do đờm còn do một số nguyên nhân khác như:

– Trẻ mắc bệnh viêm họng khiến ho khàn, đôi khi bị đờm và có dấu hiệu mệt mỏi, nóng sốt, biếng bú hoặc biếng ăn…

– Còn đối với trẻ bị trào ngược thực quản dạ dày do van cơ đóng mở chưa hoạt động tốt hay nằm ngang sẽ khiến cho axit trong dạ dày trào lên gây kích ứng niêm mạc cổ họng làm xuất hiện đờm nhớt.

– Mặt khác một số bệnh như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản cũng khiến trẻ bị đờm ở cổ họng dẫn đến những cơn ho kéo dài, khò khè, khó thở, hoặc sốt…
 

Ảnh minh họa


Cách trị đờm cho trẻ sơ sinh

Không ít mẹ băn khoăn, trẻ sơ sinh đờm phải làm sao? Có một khuyến cáo chung mà các chuyên gia dành cho các mẹ chính là khi thấy trẻ sơ sinh bị ho có đờm kèm theo sổ mũi, sốt, kể cả trẻ sơ sinh ho có đờm không sốt thì mẹ nên đưa bé tới bác sĩ để khám. Ngoài ra mẹ có thể thực hiện một số phương pháp sau tại nhà để giúp bé thoải mái hơn như:

1. Hút mũi cho bé

Không giống người lớn có thể chủ động “tống” đờm bằng cách hỉ mũi hay khạc nhổ, trẻ sơ sinh phải cần tới sự hỗ trợ của mẹ và bộ dụng cụ hút mũi để loại bỏ đờm nhớt khỏi cổ họng, mũi của trẻ. Chú ý khi rửa họng hay hút mũi cho trẻ phải thực hiện đúng cách, dựa trên hướng dẫn của bác sĩ.

- Dùng nước muối sinh lý dành cho trẻ em (nồng độ 0,9%) nhỏ vào mũi của bé để làm ẩm, lỏng các chất nhầy. Bước này sẽ giúp mẹ dễ hút chất nhầy ra ngoài, đồng thời giúp bé đỡ đau hơn.

- Đặt bé nằm trên gối, hoặc nằm nghiêng sang bên. Tay bóp nhẹ bóng của dụng cụ hút, sau đó đưa đầu hút vào một bên mũi của bé. Chú ý làm thật nhẹ nhàng, tránh tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

- Dùng ngón tay đè nhẹ cánh mũi bên còn lại, từ từ thả bóng ra. Lau sạch đầu hút. Tiếp tục làm với bên mũi còn lại.

Mẹ có thể hút mũi cho bé thêm lần nữa nếu sau 5-10 phút trẻ vẫn còn khò khè, khó chịu. Tuy nhiên, không nên hút mũi quá 4 lần/ngày. Hút mũi quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, làm tình trạng ứ đọng chất nhầy trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Vỗ rung long đờm

Mẹ cũng có thể áp dụng biện pháp vỗ rung đờm cho trẻ, vỗ lưng cho bé thường xuyên sẽ giúp phổi bé lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn và đờm trong cổ họng dễ được đẩy ra ngoài hơn. Tuy nhiên cần thực hiện đúng cách để tránh gây ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp phía dưới của trẻ.

Đây là phương pháp vật lý thường dùng bằng bàn tay hoặc dụng cụ, thậm chí là kết hợp cả hai nhầm để cải thiện hệ hô hấp cho bé, giúp phổi giãn nở tốt hơn. Từ đó giúp bé tăng cường sức cơ hôi hấp để tống đẩy hết các chất đờm ra ngoài.
Các bước thực hiện:

- Đặt bé ở tư thế nằm nghiêng, đầu cúi về phía trước

- Xác định vị trí vỗ rung long đờm: Bắt đầu từ phổi, tại vị trí ngang lưng trở lên.

- Khum bàn tay lại rồi vỗ nhẹ nhẹ nhàng từng nhịp theo chiều từ dưới lên

Mẹ vỗ nhẹ khoảng 10 – 15 phút, các bé sẽ ho và đẩy hết đờm nhớt ra ngoài. Ngoài đặt trẻ nằm nghiêng, mẹ có thể bế vác trẻ lên người để thực hiện thao tác này.

3. Sử dụng lá hẹ trị đờm cho trẻ sơ sinh

Đông Y sử dụng hẹ trong nhiều bài thuốc trị ho, đờm cho trẻ sơ sinh, mẹ có thể tham khảo như:

  • Hẹ chưng đường phèn – Bài thuốc trị ho có đờm do nhiễm lạnh

Cách làm rất đơn giản. Mẹ lấy 5-7 lá hẹ đã rửa sạch, cắt ngắn, trộn thêm 1 muỗng đường phèn. Sau đó hấp cách thủy 15 phút, chắt lấy nước. Cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 muỗng nhỏ. Uống khoảng 3-5 ngày.

  • Trị ho có đờm cho trẻ sơ sinh bằng lá hẹ, hạt chanh và hoa đu đủ đực

Một nắm lá hẹ, 10-20 gr hạt chanh, 15 gr hoa đu đủ đực đã rửa sạch, sau đó giã nát. Trộn đường phèn rồi hấp cách thủy 30 phút. Cho trẻ uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 1 muỗng canh khoảng 5ml.

Trẻ sơ sinh bị đờm sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu kèm những cơn ho dai dẳng, kéo dài không dứt. Biện pháp xử trí tốt nhất là mẹ nên cho bé đi thăm khám, các bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp đặc trị đờm ở cổ họng cho trẻ, đồng thời giúp phát hiện sớm các bệnh lý mà trẻ đang mắc phải để có biện pháp xử trí triệt để và tốt nhất.

 

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang