Trẻ sơ sinh ngủ li bì có thể là dấu hiệu bất thường không thể bỏ qua

(lamchame.vn) - Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều trong ngày, tuy nhiên mẹ cần phần biệt tình trạng trẻ sơ sinh ngủ li bì với giấc ngủ bình thường của trẻ. Có thể đó là dấu hiệu trẻ đang bị bệnh mà các mẹ không nên quá chủ quan khi thấy con ngủ li bì mà nghĩ bé "ngoan".

Do ở trong bụng mẹ đã lâu nên khi mới ra đời, trẻ sơ sinh chưa thể thích nghi ngay với giờ giấc hoặc nhịp điệu của bên ngoài khiến cho việc quản lý giấc ngủ của các bé sơ sinh trở thành "thách thức" đối với các mẹ. Khung thời gian ngủ của bé không giống như của người lớn. Việc bình tĩnh quan sát trẻ sơ sinh ngủ nhiều không chịu dậy bú, ngủ li bì khó đánh thức để tìm cách khắc phục là rất quan trọng đối với mẹ ở thời điểm này.

Trẻ sơ sinh ngủ như thế nào là bình thường?

Nhu cầu ăn và ngủ của trẻ sơ sinh rất cao bởi trẻ cần phải được cân bằng giữa ăn-ngủ để phát triển toàn diện. Theo nghiên cứu của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, mỗi ngày trẻ sơ sinh sẽ ngủ với thời gian khoảng từ 14-17 tiếng, trong đó sẽ có khoảng 11-12 tiếng là giấc ngủ đêm. Mặc dù vậy, một số trẻ cũng có thể ngủ tới 18 tiếng/ngày và thậm chí là ngủ nhiều hơn. Dưới đây là khung thời gian ngủ bình thường cho các bé theo từng tháng tuổi:
- Đối với trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi: Ngủ khoảng 16 giờ (8 giờ ngủ đêm và 8 giờ ngủ ngày).
- Đối với trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi: Ngủ khoảng 15 giờ (ngủ khoảng 10 giờ đêm và 5 giờ ngày)
- Đối với trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi: Ngủ khoảng 14,5 giờ (ngủ khoảng 11 giờ đêm và 3,5 giờ ngày).
- Đối với trẻ sơ sinh 9-12 tháng tuổi: Ngủ khoảng 13,5 -14 giờ (ngủ khoảng 11 giờ đêm và 2,5-3 giờ ngày).

 

Hầu hết khoảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh vào mỗi cữ sẽ kéo dài khoảng 30-45 phút hoặc 3-4 giờ. Trong vài tuần đầu sau sinh, trẻ sẽ dậy bú, sau đó lại chìm vào giấc ngủ và thay đổi cho đến khi được 6 tháng tuổi. Khi lớn hơn 6 tháng tuổi, trẻ sẽ ngủ theo lịch trình cố định nhưng thường không thức giấc lâu quá 3 giờ.

Trẻ sơ sinh ngủ li bì khó đánh thức có thể là biểu hiện của bệnh

Có một vài trường hợp tình trạng trẻ ngủ li bì nhưng là cơ chế sinh học bình thường. Ngược lại, có những trẻ ngủ li bì cực kỳ khó đánh thức dậy. Bố mẹ người thân nên lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu không bình thường của bệnh. Những căn bệnh mà trẻ nhỏ thường hay gặp phải kèm theo hiện tượng ngủ li bì, mê mệt và khó đánh thức đó là:

1. Trẻ sơ sinh ngủ li bì do mất nước
Trẻ sơ sinh ngủ li bì do mất nước sẽ có những dấu hiệu sau đây:
- Mắt trẻ bị trũng sâu hơn so với lúc bình thường.
- Khóc mà không thấy nước mắt,
- Da đàn hồi kém: Bạn ấn vào da trẻ và thả ra nhanh. Da trẻ trở lại bình thường ngay là không thiếu nước, nếu da trẻ lâu trở lại bình thường là dấu hiệu thiếu nước.
- Tiểu ít: Bình thường, trẻ đi tiểu trên 4 lần/ngày, nước tiểu trong, không nặng mùi, khi thiếu nước, trẻ đi tiểu ít hơn 4 lần/ngày, nước tiểu màu vàng và nặng mùi. Trên 6 giờ trẻ không làm ướt một chiếc tã.
- Môi khô, trẻ mệt mỏi, lờ đờ.
- Nếu mất nước nặng thì mắt của trẻ sẽ trũng sâu, chân, tay lạnh, trẻ ngủ li bì hoặc quấy khóc vật vã.

2. Trẻ sơ sinh ngủ li bì do sốt
Các dấu hiệu cho biết trẻ sơ sinh bị sốt rất dễ để mẹ có thể nhận biết. Khi thấy 2 má của bé đỏ bừng hoặc hơi tái, đôi mắt có vẻ lờ đờ, trẻ có thể quấy khóc hoặc ngủ li bì, má đỏ hoặc hơi tái, trán, lòng bay tay, chân nóng hơn bình thường thì mẹ nên đặt nhiệt độ cho bé. Khi đo thân nhiệt cho bé, mẹ nên đặt nhiệt kế ở hậu môn hoặc nách của trẻ. Nếu nhiệt độ ở trên 37,5 độ C là trẻ bị sốt. Các mức độ sốt được đánh giá như sau:

- Khi nhiệt độ từ 37,5 độ C -38,5 độ C là sốt nhẹ.

- Khi nhiệt độ từ 38,5 độ C – 39 độ C là sốt vừa.

- Khi nhiệt độ từ 39 độ C-40 độ C là sốt cao.

- Khi nhiệt độ >40 độ C là sốt rất cao.

 

3. Nhiễm trùng, viêm màng não

Trẻ bị nhiễm trùng cũng có thể làm cho bé ngủ li bì, khó đánh thức. Trường hợp này này xảy ra nhiều ở các bộ phận như ruột, đường hô hấp, miệng, mắt,…việc bị nhiễm trùng có thể diễn ra nhẹ hay nặng hơn tùy vào tình hình sức khỏe và việc điều trị bệnh.

Đặc biệt, căn bệnh viêm màng não cần được lưu ý kỹ vì có đến 50 – 90% trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh. Căn bệnh này gây ra tỷ lệ tử vong cao đồng thời còn để lại nhiều di chứng cho trẻ. Một số dấu hiệu viêm màng não ở trẻ như: Chán ăn, ho, bú kém, cứng gáy, ngủ li bì, hôn mê, đau đầu, co giật, nôn,…trẻ nhỏ có thể xuất hiện việc sốt hay là không.

4. Thiếu oxy

Việc trẻ nằm ngủ li bì, khó đánh thức cũng có thể là việc cơ thể trẻ bị thiếu oxy. Trường hợp giấc ngủ kéo dài còn có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động của những bộ phận trong cơ thể trẻ. Thậm chí còn xảy ra những tình trạng nguy hiểm như suy hô hấp, xuất huyết não, thiếu máu não, tử vong.

Việc thiếu oxy xảy ra khi trẻ bị đè khiến không hô hấp được, ngủ trong phòng kín, tắc họng, ngạt mũi,… Vì vậy, khi bé ngủ mình phải chỉnh tư thế liên tục. Khi bé ngủ, mẹ nên để ý vì bé có thể lật người và nằm ngủ với tư thế úp mặt xuống giường. Tư thế ngủ này sẽ gây sức ép lên bụng, ngực và khiến bé khó thở.

Trẻ sơ sinh ngủ li bì, bố mẹ nên làm gì?

Mặc dù tình trạng ngủ nhiều của bé không đáng lo lắng nhưng khi trẻ sơ sinh ngủ li bì khó đánh thức kèm theo những dấu hiệu của bệnh như: viêm nhiễm đường hô hấp, bị ốm sốt, mất nước, bị vàng da, viêm màng não,... thì bố mẹ phải lập tức đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể làm trước một số việc sau:
- Cho trẻ ăn đúng giờ, đúng bữa để bé không bị đói. Đối với bữa ăn của trẻ, cứ khoảng 2-3 tiếng thì trẻ sẽ ăn một lần, với bé uống sữa mẹ thì khoảng cách giữa các cữ ăn sẽ lâu hơn. Khi lớn hơn, lượng sẽ của bé mỗi cữ ăn sẽ nhiều hơn và số bữa ăn giảm xuống, khoảng cách giữa 2 bữa ăn cũng sẽ dài hơn.
- Khoảng 1-2 giờ thì nên đánh thức bé dậy để cho bé bú giúp bé không bị mất nước.
- Luôn luôn đảm bảo cho trẻ không bị quá nóng hoặc quá lạnh khi ngủ.
- Theo dõi chu kỳ ngủ của bé hàng ngày để phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ ngay nếu trẻ ngủ li bì kèm theo các dấu hiệu như:
- Trong khi ngủ trẻ thở khò khè, hổn hển, tiếng thở to hơn bình thường.
- Quan sát thấy phần lỗ mũi của trẻ bị xòe ra khi thở.
- Ở xung quanh xương sườn có vùng da bị hõm vào lúc bé thở
- Bé bị sốt, tiêu chảy, nôn trớ, mất nước,...

Như vậy, nếu trẻ sơ sinh ngủ li bì nhưng không kèm theo những dấu hiệu đáng ngờ khác thì mẹ không cần phải quá lo lắng. Còn nếu như trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì mẹ không nên chủ quan mà hãy đưa bé đi khám sớm để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang