Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Tôi luôn nói với con, đàn ông mà vô trách nhiệm thì gã đàn ông đó mãi chỉ là một đứa trẻ lớn xác"

Muốn con tự lập nhưng con không biết về trách nhiệm thì tự lập đó khác gì cỏ cây tự mọc. Nhiều cha mẹ dạy con tự lập mà quên dạy con sống có trách nhiệm.

Tôi không nhớ mình đã được học về trách nhiệm vào khi nào trong suốt tuổi thơ lẫn thời "trai trẻ" của mình. Dường như là không. Vì từ bé, tôi đi học là vì cha mẹ. Điểm kém thì sợ. Nhưng là sợ bị bố đánh, mẹ buồn. Ở lớp, việc lao động là phân công. Đến lượt mình thì mình làm. Không phải phiên mình thì kệ. 

Quả thực, tôi ngồi đến 3 tiếng đồng hồ trước màn hình khi viết bài này để nhớ nhưng tuyệt chẳng nhớ ra. Chúng tôi, thế hệ chúng tôi có thể đã được dạy về trách nhiệm nhưng chẳng ai nhớ. Đến cả trách nhiệm công dân, khi còn trẻ, tôi cũng chẳng để vào đầu. 

Thấy kẻ gian móc túi, nhẽ ra, với trách nhiệm công dân của mình, tôi phải lên tiếng báo công an. Nhưng phiền phức chết đi được. Hay chứng kiến ai đó đổ hoá chất xuống sông, tôi sẽ chọn cách chửi thầm trong bụng chứ quyết không lên tiếng. Kể cả khi đi làm, trách nhiệm là thứ thuộc về tập thể, chẳng phải riêng tôi. Có lẽ bởi trong trí nhớ của mình, mọi cú ngã đều được quy đổi sang lỗi tại cầu thang. Có lẽ, trong dòng máu của tôi có tí người làng Vũ Đại, gặp Chí Phèo chửi thì tự nhủ: Nó chừa mình ra…

Nhà văn Hoàng Anh Tú:

Nhà văn Hoàng Anh Tú.

Tôi chỉ bắt đầu học về trách nhiệm khi lấy vợ và sinh con. Nhưng thứ trách nhiệm ấy nhiều khi cũng… trừu tượng. Như kiếm tiền về đưa vợ đủ là đủ. Còn mình có thể rượu chè bên ngoài. Như sinh con ra thì lo cho con học trường chuyên lớp chọn là đủ. Nó cứ điểm cao là được. Điểm kém thì cho ăn đòn. Nó gầy là lỗi tại mẹ nó. Nó hư là lỗi tại mẹ nó chiều. Ở nhà, bắt các con làm việc nhà chẳng qua vì nhìn nó ngồi chơi game ngứa mắt quá nên sai vặt. Nó nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt thì vui nổ trời. Viết tiếng Việt sai lỗi chính tả cũng chẳng sao, miễn là điểm Toán, điểm tiếng Anh cao là được….

Cha mẹ chưa hiểu về trách nhiệm, sao muốn con mình sống có trách nhiệm? Thậm chí, nhiều cha mẹ tôi biết, khi nói về trách nhiệm, luôn "úi dào, trẻ con thì biết cái gì?". Nhiều cha mẹ còn dạy con: Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Phải khôn hơn chúng bạn mới giỏi. Muốn con mình hơn con người khác nên nhiều cha mẹ lót tay thầy cô: Nhờ thầy cô để mắt đến con tôi. Cháu nó còn nhỏ dại chưa biết gì. Muốn con đỗ trường ngon thì đưa hối lộ để tăng điểm cho con. Rốt cuộc, trách nhiệm là gì? Trách nhiệm phỏng có ích gì?

Trước khi viết bài viết này, tôi lên google thử search "dạy con trách nhiệm" tôi có 44 triệu kết quả. Đủ mọi cách dạy con trách nhiệm từ những chuyên gia, từ báo chí, từ các trường học, khoá đào tạo… Nhưng trách nhiệm không phải là một khoá học - trách nhiệm là một thái độ sống. Muốn con tự lập nhưng con không biết về trách nhiệm thì tự lập đó khác gì cỏ cây tự mọc? Nhiều cha mẹ dạy con tự lập mà quên dạy con sống có trách nhiệm.

Nhà văn Hoàng Anh Tú:
 

Tôi vẫn nói với cậu con trai lớn của mình: Thước đo sự trưởng thành của người đàn ông dựa trên trách nhiệm mà anh ta gánh vác. Nói như dì của người nhện Spider Man: Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng nặng. Một người đàn ông mãi chưa trưởng thành nếu như anh ta sống không có trách nhiệm. 

Tôi dạy cậu ấy trách nhiệm từ chính việc bố cậu đã từng sống vô trách nhiệm thế nào. Và giờ là lúc bố con mình cùng sửa sai. Chúng ta cùng gánh vác trách nhiệm. Như chuyện học là của con. Con phải chịu trách nhiệm với điểm số của mình cũng như con đường học vấn của mình. Con bị điểm kém bố không giận. Nhưng điểm số là thước đo trách nhiệm của con với việc học của con. Bố phạt con vì con thiếu trách nhiệm với việc học của mình chứ không phải vì điểm số. 

Đàn ông mà vô trách nhiệm thì gã đàn ông đó mãi chỉ là một đứa trẻ lớn xác. Con trưởng thành khi con có trách nhiệm với chính bản thân mình. Rồi sau đó là trách nhiệm với gia đình mình. Nhà cửa bừa bộn, con phải thấy trách nhiệm của mình là dọn dẹp nó lại. Là anh cả, con phải có trách nhiệm gương mẫu trước 2 em. Trách nhiệm khi ấy có khi chỉ là sự bao dung. Vì mình có trách nhiệm với ai đó nên mình cần bao dung, thứ tha để giúp họ sửa sai. Trách nhiệm với cả việc lên tiếng bảo vệ những điều tốt đẹp, phản ứng với những thứ xấu xí. Trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống để có một cộng đồng tốt hơn, tử tế hơn.

Tôi cũng nói với 2 cô con gái của mình về trách nhiệm. Trách nhiệm khác nghĩa vụ. Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm. Trách nhiệm là cả nhà sẽ ăn ngon. Nghĩa vụ là một cái áo vừa vặn. Trách nhiệm là cái áo đó rất phù hợp với người mặc. Nghĩa vụ là để ý. Trách nhiệm là để tâm. 

Nhà văn Hoàng Anh Tú:
 

Một người phụ nữ có trách nhiệm là một người phụ nữ để tâm đến chính bản thân mình, đến những người mình thương yêu. Trách nhiệm là tự chăm sóc mình thật tốt để người yêu mình yên lòng, an lòng. Trách nhiệm cũng là lên tiếng với những điều mình không thích, nói không với những điều không đúng với lương tâm mình. Trách nhiệm càng cao - giá trị càng sâu. Một người phụ nữ có giá trị là một người phụ nữ ai cũng trân trọng. 

Như mẹ của 2 con, bố trân trọng mẹ vì mẹ luôn tôn trọng giá trị bản thân, có trách nhiệm với chính bản thân mình và có trách nhiệm với gia đình nhỏ này. Càng có trách nhiệm, mẹ càng trở nên giá trị trong mắt bố. Trách nhiệm không phải gông cùm như nhiều phụ nữ vẫn than thở trên mạng. Rằng vì họ có trách nhiệm với con cái, gia đình nên họ phải hy sinh điều này điều nọ.

Nhà văn Hoàng Anh Tú:
 

Không! Nếu nghĩ đó là trách nhiệm thì thứ trách nhiệm ấy chỉ là hình thức, là cái áo choàng siêu nhân. Vốn áo choàng siêu nhân không làm nên siêu nhân. Thứ mà những người phụ nữ đó nói chỉ là họ coi làm mẹ là một nghề, làm vợ là công việc. Bởi một khi ta được học hiểu về trách nhiệm, ta sẽ hiểu, trách nhiệm phát xuất từ tim chứ không phải từ óc. Trách nhiệm không phải là thứ ta dùng nó để đạt mục đích này hay mục đích khác.

Dạy con sống có trách nhiệm không phải dạy ngày một ngày hai, hay 9 điều, 10 ý. Mà là một thái độ sống mà chúng ta cần phải tuân thủ. Như đi học muộn bị phạt thì trách nhiệm của ta là thi hành án phạt. Như có những chuyện bố có thể vì con lên tiếng với trường con nhưng nếu nó thuộc trách nhiệm của con thì bố sẽ yêu cầu con gặp riêng thầy cô trao đổi. Bố không làm thay con điều đó. 

Như chính cuộc đời của con, bố mẹ chỉ là người định hướng, trợ giúp chứ không sống thay con được. Dù có thể, trong đôi lần con vấp ngã, trong trách nhiệm của mình, các con sẽ tự đứng dậy, tự sửa chữa, bố mẹ có thể thắt lòng thương con. Nhưng như bố luôn từng nói: Bố chỉ có cái ôm này dành cho các con. Còn sửa chữa chúng thế nào là trách nhiệm của các con vậy.

Vài nét về tác giả:

Hoàng Anh Tú sinh ngày 3/10/1978, là một cái tên rất quen thuộc với các độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả trẻ. Anh từng là bút trưởng (thế hệ thứ ba) của hội bút Hương đầu mùa, và giữ mục Công ty Divu với tên gọi Chánh Văn trên tuần báo Hoa học trò từ năm 2000-2012.

Hiện tại, nhà văn Hoàng Anh Tú sống hạnh phúc với vợ Nguyễn Lê Trang và có 3 con là con trai Gia Bách, con gái Trà My, con gái út Phương Nguyên. Anh thường xuyên chia sẻ quan điểm về tình yêu, cuộc sống gia đình và cách nuôi dạy con cái.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang