Tin tôi đi, quá nhiều những người đã đẻ con nhưng mãi vẫn chỉ là những chiếc máy đẻ không hơn.
Loại thứ nhất là loại yêu đương không cẩn thận dính bầu phải đẻ, cưới để đẻ. Đứa trẻ ra đời trong nhiều trường hợp trở thành “cục nợ”. Đáng thương! Thân lo chưa xong lại đèo bòng thêm đứa con khiến nhiều người tiếng là bố mẹ nhưng thực sự thì vẫn chỉ là những đứa con lớn xác nuôi con mình, phụ thuộc vào ông bà nội ngoại.
Loại thứ hai là loại cưới xong là đẻ. Tôi sợ nhất nhóm người này. Những người lên một kế hoạch cưới hoành tráng nhưng chẳng có kế hoạch nào cho chuyện làm cha, làm mẹ.
Tôi sợ là bởi nhiều cô gái mắm môi mắm lợi đẻ con ra chỉ để trói chân chồng hoặc vui lòng ông bà nội.
Tôi sợ là bởi nhiều anh chồng coi chuyện làm cho vợ mang bầu chỉ để chứng minh rằng máy móc mình còn ngon lành.
Tôi sợ là bởi nhiều người coi chuyện đẻ ra một đứa con như lấy chồng là phải đẻ, lấy vợ là phải đẻ mà chẳng mảy may nghĩ đến việc nuôi đứa trẻ ấy thế nào, dạy đứa trẻ đó ra sao?
Vịn vào câu: Trời sinh voi - trời sinh cỏ, mà đẻ! Thậm chí đẻ dày, đẻ nhiều. Thậm chí đẻ mãi không có con trai thì cứ thế đẻ tiếp.
Có một đứa con có phải là cách để neo giữ hôn nhân - trói chân nhau lại? Hay nói như các cụ: “Có đứa con cho vui cửa vui nhà”. Thật, những đứa con kiểu đó khác gì một sở thích, một công cụ? Hoặc đẻ con để sau này có đứa chống gậy, có đứa nuôi mình?
Cái tư duy đó đáng sợ vô cùng! Đứa trẻ phải nghe mỗi ngày điệp khúc: Bố mẹ vất vả lo cho con, mai sau lớn kiếm tiền nuôi lại bố mẹ. Thật, chẳng khác nào cuộc trao đổi.
Lại có người viện lý do thời đại này vô sinh nhiều nên đẻ được là phải đẻ ngay. Thậm chí nhiều người còn xúi nhau dính bầu rồi hẵng cưới. Rồi lại bảo: Đẻ sau 30 tuổi con sẽ kém thông minh.
Khao khát đẻ con sớm thật sớm nhưng lại không có sự chuẩn bị gì cho việc trở thành một ông bố, bà mẹ. Thậm chí, ai mà cưới 1 - 3 năm vẫn chưa đẻ là bị gán ngay tội: Tịt đẻ! Đẻ con gái đầu lòng xong mà mãi không đẻ đứa thứ 2 sẽ bị gán tội nhà vô phúc. Ai mà chỉ có 1 đứa con là luôn bị coi có vấn đề. Cứ luẩn quẩn loanh quanh điệp khúc: Bao giờ cưới? Bao giờ đẻ? Bao giờ đẻ đứa thứ 2?
Từ từ hẵng đẻ! Từ từ! Hãy đẻ con khi bạn đủ sẵn sàng làm cha mẹ. Về không chỉ kinh tế mà còn cả tinh thần.
Kinh tế đủ để nuôi lớn một đứa trẻ mà không phải giật gấu vá vai.
Kinh tế đủ để chi phí cho con cái không phải là một gánh nặng khiến bạn muốn tung hê tất thảy.
Kinh tế đủ để cho một đứa trẻ mình sinh ra nhận được sự đầy đủ về vật chất.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Đừng lãng mạn kiểu có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Rồi vật vã chuyện phải cho con học những môi trường nhếch nhác, không bảo vệ được con mình. Những vụ bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non rẻ mạt là lời chứng minh rõ nhất cho việc chưa đủ điều kiện kinh tế mà đã đẻ vậy.
Từ từ hẵng đẻ! Kinh tế có thể gom góp, cày cuốc nhưng tinh thần nếu chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị đầy đủ thì thật đáng sợ. Nhiều người có con rồi mà lòng vẫn vấn vương cuộc đời độc thân. Mà thành giận lây. Cho rằng vì đẻ con ra mà đời mình mất đi tự do, cơ thể mình tan hoang.
Có người đặt sự hy sinh của bản thân lớn hơn niềm hạnh phúc của việc có con vốn là những người không nên đẻ là vậy. Cứ uẩn ức trong lòng rằng vì sinh con mà bụng thành một thúng. Cứ chì chiết rằng vì có con mà không bỏ quách đi được gã chồng vô tích sự. Con cái thành gánh nặng, thành lý do, thành trở ngại để có thể hạnh phúc.
Làm cha, làm mẹ vốn không phải chuyện cứ đẻ con ra là thành cha, thành mẹ! Mà nó cần, rất cần, một tâm thế sẵn sàng cho việc chịu trách nhiệm cả cuộc đời còn lại của mình cho đứa trẻ đó. Là khi lôi trái tim mình ra khỏi ngực, cho nó trong hình hài một đứa trẻ.
Thế nên, cứ từ từ hẵng đẻ là thế! Mong là thế! Cưới nhau rồi, hãy cứ dùng thử hôn nhân đôi ba năm đi rồi hẵng đẻ.
Để đứa trẻ đó được ra đời với ước muốn nó giống bố, từ mẹ, nó giống mẹ, từ bố.
Để mỗi đứa trẻ ra đời là kết tinh yêu thương chứ đừng là quả đắng chẹn họng.
Để đừng phải nói: Lấy chồng lãi nhất đứa con!
Để đừng phải thở hắt ra khi nghĩ về năm tháng thanh xuân đã vùi trong bỉm sữa.
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.