Nhân ngày nhà giáo Việt Nam: Đừng bắt con thành công theo khái niệm của thầy!

(lamchame.vn) - Thiếu ngủ vì học, stress vì học, trầm cảm vì học, thậm chí đã có trẻ tự tử…Thực trạng đó cho thấy, ngày nay, trẻ phải chịu một áp lực học hành quá lớn. Phải chăng để đuổi theo căn bệnh thành tích của xã hội?

Dành cả tuổi thơ…để học

Dừng đèn đỏ ở ngã 3 Thủ Đức, chị Nguyễn Hạnh (quận Thủ Đức, TPHCM) giật mình thấy con trai ngồi phía sau đang gật gù, ngủ gà ngủ gật. Chị lay con dậy, cậu bé học lớp 5 năn nỉ mẹ: “Mẹ cho con ngủ thêm tí nữa. Tối qua con thức khuya học bài”. Chị Hạnh chợt nhớ đến khoảng thời gian gần đây, con trai chị dường như phải học quá nhiều. Hết giờ học trên lớp buổi sáng thì chiều phải học thêm, đến 4 giờ chiều lại đến giờ học năng khiếu. Nhiều lúc chị định cho con nghỉ học thêm, nhưng cô giáo khuyên thật lòng không nên. Bởi bây giờ chương trình học của các bé rất nhiều, nếu không học thêm, bé sẽ không theo kịp các bạn.

Cùng nỗi lòng với chị Hạnh, những ngày gần đây, chị Thanh Thùy (quận 12, TPHCM) rất lo lắng cho bé Na, học lớp 11 - con gái chị. Bé thường hay buồn, ủ rũ, không còn líu lo kể chuyện trường lớp như mọi khi nữa. Chị có hỏi, bé cũng không nói. Ban đầu, chị nghĩ con đang “say nắng” bạn nào đó như cảm xúc thông thường của tuổi học trò. Nhưng rồi, một lần, dọn góc học tập cho con, chị phát hiện bài kiểm tra 1 tiết môn hóa của con bị 3 điểm. Chị lựa lời tâm sự với con. Bé thú thật, kết quả bài kiểm tra làm cho con cảm thấy rất buồn và sợ hãi. Nhất là với một cô bé có học lực khá, chưa bao giờ bị điểm yếu như vậy. Lý do của bé My khiến chị Thùy rớt nước mắt: “Không phải con lười không học bài mà tối hôm đó, đi học về con mệt quá. Con tính ngủ một chút rồi dậy ôn bài, nhưng con ngủ quên mất”.

Học sinh thời nay chịu áp lực học hành quá lớn (Ảnh minh họa)

Mới đây, một đề tài mang tên: “Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa” do PGS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM làm chủ nhiệm đã được công bố.

Nghiên cứu được tiến hành trên hơn 1.000 học sinh tại 7 trường THCS ở TPHCM và Bình Dương trong hai năm (6/2016-6/2018). Từ đó sàng lọc được 280 trường hợp có biểu hiện tự hành hạ bản thân. Các em có hành vi tự cắt xén, bứt tóc, tự cào cấu đánh đấm mình. Nhiều em có biểu hiện ngược đãi bản thân, chán ăn hoặc bỏ bữa, thức khuya, lạm dụng chất kích thích và thuốc ngủ…Về nguyên nhân, nghiên cứu cho thấy các em kỳ vọng quá cao về mình.

Các phụ huynh ngày càng lo lắng hơn khi thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin một vài vụ học sinh tự tử vì sức học quá lớn. Tiêu biểu như vụ việc một nam sinh nhảy lầu tự tử tại một trường tư thục được mệnh danh là kỷ luật bậc nhất ở TPHCM.

Thay đổi quan điểm “thành công”

Nhiều cha mẹ cho rằng, việc học sinh chịu áp lực học hành quá lớn như hiện nay không hẳn là lỗi tại thầy, cũng không phải lỗi tại các con. Nguyên nhân vì xã hội mắc một “căn bệnh mạn tính” - bệnh thành tích, quá coi trọng thành tích, coi trọng bằng cấp và chức vụ, cấp bậc…

Bà Minh Châu - một giáo viên về hưu ở TPHCM cho rằng, đã đến lúc, cha mẹ không nên kì vọng quá nhiều và thành tích học tập của con. Hãy để con tận hưởng tuổi thơ hồn nhiên của mình, có thời gian để đi đá bóng, bắn bi, thả diều và những trò con thích: “Con phải thật khỏe mạnh và vui tươi trước đã”.

Tuy nhiên, theo bà Châu: “Nếu cha mẹ thay đổi thì cũng mong thầy cô hãy lắng nghe nguyện vọng của các em, nghe xem các em muốn trở thành người như thế nào trong xã hội này. Không hẳn là con phải học thật giỏi, đỗ đạt trường nọ, ngành kia. Biết đâu con không muốn trở thành kỹ sư, bác sĩ…con ước mơ làm cầu thủ, làm đầu bếp, thợ may…thì sao. Mong rằng thầy cô không hãy tôn trọng những ước mơ đó, đừng bắt con phải thành công theo khái niệm của thầy cô. Đừng vì thấy con sa sút thành tích mà gây áp lực cho các cháu. Thầy cô và phụ huynh, học sinh cần tương tác và lắng nghe nhau nhiều hơn”.

Hãy để con sống hồn nhiên và không nặng nề thành tích học tập (ảnh T.A)

Nhiều năm nghiên cứu về tâm lý trong học đường, PGS. Huỳnh Văn Sơn  cho rằng, cần thay đổi nhận thức về sự giỏi giang và thành công của con cái. Sự thành công của đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm số hay kiến thức mà trẻ đang có. Sự thành công của con người phụ thuộc nhiều vào các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng sống hay trí tuệ xã hội. Theo PGS. Huỳnh Văn Sơn, cha mẹ, thầy cô, nhà trường cần tạo điều kiện cho con phát triển bình thường, tránh nhồi nhét để trẻ mang áp lực phải học bằng mọi giá.

 

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang