Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tạm ngưng tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình homestay, Airbnb, nhà nghỉ, khách sạn... là một trong những cách để phòng chống dịch triệt để. Nhưng điều này cũng khiến các nhà hàng khách sạn dù lớn nhỏ đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đặc biệt, với những nhân viên của các khách sạn, nhà nghỉ... đây quả thực là 1 sự biến động rất lớn. Khi mà không chỉ thu nhập trở nên bấp bênh mà thậm chí nhiều người đành ngậm ngùi hết duyên với cái nghề này. Đây là câu chuyện khá buồn khi nhiều người lại là nguồn kinh tế chính của gia đình.
Rất nhiều vị trí nhân sự cực "hot" trong các khách sạn lớn, từng là niềm mơ ước của không ít người hoạt động trong ngành nghề dịch vụ này thì nay cũng phải dở khóc dở cười khi ròng rã nhiều tháng trời nghỉ việc không lương, nhiều người đành chấp nhận chuyển hướng làm ăn để đảm bảo được thu nhập.
Khi butler của khách sạn 5 sao cũng "chuẩn bị đói" với chuỗi tháng dài không lương
Đó là câu chuyện mà bạn H., hiện đang là butler của 1 khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng đã chia sẻ. Vào thời điểm chỉ đạo ngừng hoạt động kinh doanh, buôn bán với 1 số ngành nghề để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, khách sạn nơi H. làm việc đã phải chấp nhận việc cho tất cả nhân viên nghỉ làm 3 tháng không lương.
Thậm chí, 50% nhân sự của khách sạn đã phải dừng hợp đồng lao động. Những nhân sự may mắn còn giữ được vị trí của mình cũng không khỏi hoang mang lo lắng khi không biết khi nào thì chính thức trở lại làm việc, có thu nhập.
Butler được xem là vị trí khá "hot" đối với nhiều người hoạt động trong ngành khách sạn, H. chia sẻ khi chưa có dịch, thu nhập của mình khá ổn định và đủ để trang trải mọi khoản trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí có thể coi là dư dả.
Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khách sạn lớn như nơi mà H. đang làm việc cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Từ đó, nhân viên của khách sạn cũng chẳng thể làm gì khác ngoài chấp nhận sự điều phối nhân sự chẳng mấy vui vẻ này.
"Nghỉ 3 tháng không lương thì mình còn trụ được chứ 5 tháng là 'móm' thật đó. Thời gian này mình cũng học thêm Tiếng Anh, Tiếng Trung để đề phòng sau này không ổn thì cũng đành tính kế tìm công việc mới".
Gắn bó với công việc, môi trường làm việc và đồng nghiệp khoảng thời gian không hề ngắn, H. cũng như không ít những người làm việc tại nhiều khách sạn lớn nhỏ không khỏi có chút ngậm ngùi với những biến động này.
Từ quản lý bếp lớn của chuỗi khách sạn tại phố cổ quay về với bánh trái trong căn bếp nhỏ của gia đình
Chuỗi khách sạn với nhiều chi nhánh rải rác khắp các tuyến phố đắc địa tại khu phố cổ Hà Nội mà chị T.H đang làm cũng không tránh khỏi những tác động của dịch Covid-19. Chị T.H là quản lý bếp của toàn bộ chuỗi khách sạn này, công việc tuy nhiều áp lực nhưng chị T.H rất gắn bó và tâm huyết với nghề.
Tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn tại Vương Quốc Anh, chị T.H luôn cho rằng mình có duyên với ngành nghề này. Chính vì vậy, dù công việc của chị phải chịu trách nhiệm nặng nề và cường độ làm việc cao, chị vẫn cống hiến cho sự phát triển của khách sạn nơi mình đang công tác.
Nhưng giai đoạn này, chị T.H và nhiều đồng nghiệp cũng chỉ biết động viên nhau rằng bây giờ phải ráng cố gắng mà bước qua giai đoạn khó khăn mà thôi. Ngay khi chuỗi nhà hàng khách sạn này tạm ngừng hoạt động, chị T.H với nghề tay trái bếp núc đã nhanh chóng chuyển hướng để đảm bảo thu nhập.
Đi từ căn bếp lớn của khách sạn, chị T.H quay về căn bếp nho nhỏ cùng con gái xinh xắn cũng đang trong thời kì nghỉ học làm bánh trái bán online.
Chị T.H có 1 lượng khách khá ổn định bởi chất lượng thực phẩm của chị luôn được người mua tin tưởng. Nhiều khi khách đặt hàng nhiều, chị còn không đủ sức để nhận hết đơn.
Kinh tế bởi vậy không bị ảnh hưởng nhiều khi tạm thời "thất nghiệp", nhưng chị T.H vẫn nhớ "nghề". Nhiều đồng nghiệp của chị cũng rơi vào cảnh tương tự, họ cũng nhớ những ngày tháng làm việc cật lực, mệt thì có nhưng cũng không kém phần vui vẻ.
Ai cũng mong đại dịch qua đi để trở lại cuộc sống trước kia, nhưng tất cả đều hiểu rằng đó chắc chắn là một "cuộc chiến" dài mà tất cả mọi người cùng phải cố gắng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.