Những căng thẳng của nhân viên y tế khi đối đầu đại dịch
Tại buổi chia sẻ về "Hiểu Về tâm lý Để An Tâm Giữa Mùa Dịch" do Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra những áp lực, căng thẳng của nhân viên y tế đang đối diện trong đại dịch.
THS. Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Đại học Boston, Hoa Kỳ, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, Nhà thực hành CTXH lâm sàng trong lĩnh vực y tế chia sẻ về những trải nghiệm của cô tại Hoa Kỳ trong đại dịch và ảnh hưởng tâm lý mà nhân viên y tế đang trải qua.
Đại dịch đến bất ngờ và việc ứng phó với cơn đại dịch đã gây gánh nặng lên hệ thống y tế. Thạc sĩ Quỳnh cho rằng không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, nhân viên y tế chịu áp lực rất lớn. Hiện nay, ngoài đảm bảo điều kiện cho nhân viên y tế làm việc, cần chăm sóc sức khoẻ tinh thần, tâm lý cho nhân viên y tế.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại BV Hồi sức tích cực Covid-19, TP.HCM.
Khi hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế từ năm 2019 đến nay, thạc sĩ Quỳnh cho biết cô đã chứng kiến những ảnh hưởng về sức khoẻ tâm thần sau:
Thứ nhất, lo âu
Theo thạc sĩ Quỳnh, trong đại dịch, nhân viên y tế nói riêng và tất cả những người ở tuyến đấu chống dịch nói chung đều có lo âu. Đây là diễn tiến tâm lý bình thường.
Họ có thể lo lắng về nhiều điều, ví dụ như nguy cơ lây chéo. Bản thân thạc sĩ Quỳnh cho biết khi lần đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, chị cũng rất run, lo sợ. Đây là cảm giác, trạng thái tâm lý bình thường nhiều người đối mặt. Nếu nhiễm, họ còn lo sẽ lây cho gia đình, con cái. Một số nhân viên y tế làm việc lo lỡ mắc Covid-19 sẽ lây cho cả đồng nghiệp.
Khi nhân viên tuyến đầu phải rời xa gia đình tham gia chống dịch, họ cũng lo lắng về gia đình của mình vì họ phải tăng giờ làm. Ngoài ra ở trong dịch bệnh, nhân viên y tế còn lo lắng không biết mình chăm sóc người bệnh tốt hay không.
Dịch Covid-19 là dịch bệnh rất mới, dù đối mặt đã 2 năm nhưng thỉnh thoảng lại có thêm thông tin khoa học mới về virus này. Điều này càng khiến nhân viên y tế lo âu hơn.
Thứ hai, căng thẳng
Làm việc trong môi trường đại dịch là trải nghiệm có nguy cơ phơi nhiễm, sang chấn tâm lý liên quan với Covid-19. Đây là căng thẳng khó tránh khỏi.
Thứ ba, mất mát
Khi chứng kiến người bệnh, người mình quan tâm ra đi trong đại dịch, nhân viên y tế sẽ có thể chịu đựng những mất mát tinh thần.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại BV Chợ Rẫy TP.HCM.
Có người bệnh họ muốn ra đi nhẹ nhàng, họ không đồng ý can thiệp các thủ thuật tăng nặng, có người thì muốn cấp cứu tới cuối cùng, nhìn sự đau đớn ra đi của người bệnh cũng làm tăng thêm mất mát và xung đột đạo đức cho nhân viên y tế.
Nhân viên y tế thấu cảm với nỗi đau của người bệnh là điều tốt nhưng nếu ở trong trạng thái này quá lâu sẽ khiến họ vô cùng mệt mỏi, kiệt sức, cảm giác bất lực.
Ở thời điểm đại dịch ở Mỹ, dù chấp nhận giới hạn của y khoa không thể cứu được hết tất cả bệnh nhân nhưng nhân viên y tế cũng rất đau lòng. Cảm giác bất lực đó đã gây nên căng thẳng. Thạc sĩ Quỳnh cho rằng chắc chắn thời điểm này ở trong nước cũng có những đồng nghiệp y tế cũng đang phải trải qua những ảnh hưởng tâm lý như vậy.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy nhân viên y tế đã kiệt sức nghề nghiệp:
- Né tránh các hoạt động liên quan tới công việc
- Các triệu chứng về thể chất như đau lưng, mệt mỏi, buồn ngủ, rối loạn tiêu hoá.
- Kiệt quệ cảm xúc, thiếu động lực, cảm thấy bất lực.
Thạc sĩ Quỳnh khuyên nhân viên y tế đừng né tránh cảm giác lo âu, căng thẳng mà cần nhận diện để ứng phó. Các căng thẳng, sang chấn tâm lý trong đại dịch nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ ảnh hưởng về sau.
Để chăm sóc sức khoẻ tinh thần của nhân viên y tế chống dịch, thạc sĩ Quỳnh gợi ý các biện pháp:
- Nghỉ ngơi, cố gắng tận dụng thời gian nghỉ ngơi để nghỉ để giúp cơ thể ở trạng thái cân bằng. Giấc ngủ rất quan trọng, nếu thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tâm trạng, khả năng ứng phó với công việc.
- Nuông chiều bản thân, có thể ăn món mình thích, mua món đồ mình thích hoặc chơi game, lập kế hoạch đi chơi sau dịch.
- Chăm sóc sức khoẻ thể chất, ăn uống đủ bữa, cố gắng tập thể dục 15 phút mỗi ngày, duy trì lịch sinh hoạt của mình,
- Chấp nhận rằng có những giới hạn của y học, có những thứ không thể giúp được người bệnh. Không nên tự trách bản thân mình mà tìm ra điều tích cực trong công việc.
- Chia sẻ cảm xúc của mình với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình.
- Cần yêu cầu hỗ trợ nếu mệt mỏi.
- Trân trọng cảm xúc của mình, từ tuyệt vọng đến đau đớn. Đừng chối bỏ mà nghĩ đó là cảm xúc bình thường trong dịch bệnh.
- Tập thở, tập thiền, giúp giảm căng thẳng.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.