Một bà mẹ than vãn trên mạng xã hội, nói rằng điểm số của con trai mình rất tệ và cậu bé không hề có ý thức gì về việc học của mình. Cô nghỉ việc ở nhà chăm sóc, giám sát việc học của con. Con trai cô cũng sẽ ngoan ngoãn ngồi vào bàn, ra vẻ chăm chỉ. Sở dĩ nói "có vẻ như" là vì mặc dù đứa trẻ trải sách và bài kiểm tra ra nhưng nửa giờ trôi qua vẫn không hề động đậy.
Cô nghĩ đến những đứa trẻ hàng xóm, bố mẹ chúng không mấy quan tâm nhưng chúng rất tự giác trong học tập và đạt thành tích tốt rồi tự hỏi, có chuyện gì với con mình vậy?
Thực tế, trong cuộc sống cũng có rất nhiều bậc cha mẹ như trên. Con cái không có tính tự giác nên thúc ép, giám sát, đôn đốc, trẻ tưởng chừng như rất chăm chỉ nhưng lại hoàn toàn không có hiệu quả.
Con cái dưới sự thúc ép của cha mẹ, chúng giống như một chiếc ô tô chưa nổ máy, chỉ đợi đẩy mà di chuyển. Cha mẹ sẽ rất lo lắng nhưng con cái sẽ không coi trọng, thậm chí còn xung đột.
Có câu nói: "Một khi động lực của sự chăm chỉ là áp lực bên ngoài thì sự chăm chỉ chỉ là một nghệ thuật biểu diễn". Thay vì đẩy con từ phía sau và khiến con trông như đang chạy vất vả, cha mẹ nên khơi dậy nhiệt huyết bên trong của con và cho phép con độc lập, để con có thể chạy nhanh hơn và xa hơn.
"Kỷ luật tự giác giả" vừa ngắn ngủi vừa mong manh
Đúng là cha mẹ có thể cố gắng hết sức để kiểm soát, thúc đẩy con cái, tuy nhiên "kỷ luật tự giác" do ngoại lực tạo ra nhìn thì có vẻ tốt nhưng thực chất đó chỉ là "kỷ luật giả". Dưới áp lực của ngoại lực, trẻ em phải theo đuổi những hình thức, lễ nghi để duy trì tính kỷ luật hời hợt nhằm tránh sự la mắng, cằn nhằn của cha mẹ.
Ngược lại, điều này càng khiến trẻ ngày càng lo lắng trước áp lực kép của việc học tập và cha mẹ. Các em cần phải liên tục đấu tranh chống lại chính mình và cha mẹ, sự kỷ luật tự giác như vậy càng khiến các em càng cố chấp càng đau đớn.
Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn, đứa trẻ sẽ chọn cách trốn thoát hoặc trở nên nổi loạn. Sự "kỷ luật tự giác" như vậy vừa ngắn ngủi vừa mong manh.
Kỷ luật tự giác từ trong ra ngoài mới là kỷ luật tự giác đích thực
Nhà văn Saint-Exupery từng nói: "Nếu muốn người ta đóng một con tàu, đừng thuê người lấy gỗ, đừng ra lệnh, đừng giao nhiệm vụ mà hãy kích thích lòng khao khát biển cả của họ". Chỉ có nhận thức bên trong mới có thể thực sự thay đổi một con người, khiến người đó chủ động và trở nên mạnh mẽ hơn.
Trứng vỡ từ bên ngoài là thức ăn, trứng vỡ từ bên trong mới là sự sống.
Giống như khi bạn nói với ai đó rằng tóc họ rối bù, họ có thể bác bỏ bạn. Nhưng nếu bạn đưa cho họ một chiếc gương để tự soi, nhìn thấy diện mạo của chính mình, họ sẽ tự nhiên thay đổi. Khi chúng ta giáo dục con cái cũng vậy, thay vì cằn nhằn, lý lẽ, dùng đòn roi để thúc đẩy trẻ học tập, tốt hơn hết hãy kích thích nội lực của trẻ. Hãy để trẻ thay đổi từ trong ra ngoài, từ lựa chọn thụ động sang lựa chọn chủ động. Bằng cách này, trẻ sẽ biết rõ hơn mục tiêu và phương hướng của mình.
1. Có cảm giác được "chấp nhận" khiến trẻ có động lực hơn
Trong thời gian bình thường, chúng ta có thể bớt tiêu cực, khiển trách, thúc giục và tích cực khuyến khích và công nhận hơn. Ví dụ: "Mẹ thấy con làm việc chăm chỉ"; "Về chuyện..., con đã làm rất tốt, mẹ tự hào về con"... Hãy để trẻ biết rằng chúng ta nhìn thấy những cảm xúc và nỗ lực của trẻ, đồng thời để trẻ cảm thấy rằng mình được chấp nhận và bao dung. Chúng ta cũng để trẻ hiểu rằng sẽ hỗ trợ trẻ dù có chuyện gì xảy ra, để trẻ tự tin và tích cực hơn trong việc thay đổi.
2. Cho trẻ quyền tự do "Tôi có thể" và cho phép trẻ chủ động hơn
Hàng trăm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, dù ở trường, ở nhà hay trong kinh doanh, việc giải thích tại sao một nhiệm vụ lại quan trọng và cho cá nhân nhiều quyền tự do lựa chọn nhất có thể sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ hơn cả phần thưởng hay hình phạt.
Trong cuộc sống, chúng ta thường sử dụng sự sắp xếp, mệnh lệnh để trẻ học hoặc làm một việc gì đó. Nhưng kết quả là bọn trẻ sẽ nghĩ rằng đây không phải việc của mình mà là việc của bố mẹ và tất nhiên chúng không muốn hoàn thành nó.
Vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu buông bỏ những điều nhỏ nhặt, hướng dẫn trẻ bày tỏ suy nghĩ và cho trẻ những lựa chọn hạn chế. Bạn có thể hỏi con mình: "Cái nào đến trước... hay làm trước... con quyết định"; Hoặc yêu cầu trẻ suy nghĩ: "Con nghĩ có những giải pháp nào?". Lắng nghe ý kiến của con và hướng dẫn con đưa ra những lựa chọn của riêng mình sẽ khiến con cảm thấy rằng ý tưởng và lựa chọn của mình được tôn trọng. Trẻ sẽ có ý thức tự chủ cao hơn, sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi việc và làm việc chăm chỉ để hoàn thành chúng, từ đó học được tính tự giác.
3. Tận hưởng cảm giác hài lòng "con làm được" khiến trẻ có thêm động lực
Chúng ta thường thấy trẻ nghiện game không thoát ra được nhưng khi học thì không như vậy. Một trong những nguyên nhân là trong quá trình chơi, trẻ lần lượt tiến bộ qua các cấp độ, điều này mang lại cho trẻ cảm giác hài lòng "mình làm được" và khiến trẻ ngày càng có động lực chiến đấu.
Vì vậy, khi kích thích động lực bên trong của trẻ, chúng ta có thể giúp trẻ có được sự hài lòng và cảm giác "mình làm được", khiến trẻ có động lực hơn.
Hướng dẫn trẻ cùng nhau chia nhỏ các mục tiêu và đưa ra những lời động viên kịp thời. Bằng cách này, trẻ sẽ cảm nhận được trải nghiệm tuyệt vời trong quá trình hoàn thành mục tiêu của mình, khẳng định mình có năng lực, tự tin hơn vào bản thân và có sáng kiến hơn.
Các bậc cha mẹ đều mong con mình sẽ có một tương lai tốt đẹp, vì vậy hãy đừng để bị lừa bởi "sự tự giác giả" ngắn hạn của con mà hãy giúp con bắt đầu từ bên trong và học được tính tự giác thực sự.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.