Một vụ việc xảy ra ngày 12/10 ở TP.HCM đã khiến các bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng, sợ hãi. Theo đó, bé gái tên V.T.D., (5 tuổi) đã tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem Youtube.
Vụ việc của cháu D. gióng lên một hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh về sự nguy hiểm của mạng xã hội. Trong thời đại công nghệ phát triển, nhiều người tìm đến Facebook, Youtube,… để giải trí thay vì sách báo, truyện tranh thông thường.
Nhiều bố mẹ cũng tận dụng Youtube để dạy con học Tiếng Anh, cho con nghe các bài hát, clip hoạt hình vui nhộn. Điều này khiến một số lượng lớn kênh Youtube ra đời, nhắm vào đối tượng chính là trẻ em. Nhiều kênh chứa nội dung rất bổ ích, giúp trẻ có thêm kiến thức, tăng cường kỹ năng sống.
Theo nhiều phụ huynh chia sẻ, nhờ những kênh Youtube này mà các con có thêm nguồn giải trí, bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn trong việc dạy dỗ. Bởi nhiều trẻ xem những hành động tốt trong các video và tự ghi nhớ, bắt chước lại. Song song đó là hiện tượng nhiều kênh rác tràn lan, nội dung nhảm nhí, phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy, sự phát triển nhân cách của trẻ.
Sự đổ bộ của các kênh Youtube rác – Trẻ em trở thành "mỏ vàng" của các Youtubers
Theo ước tính, những kênh có lượng subscribe lớn, số tiền thu được từ Youtube hàng tháng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí là bạc tỷ. Chính vì sự hấp dẫn này mà nhiều người đổ xô đi làm Youtuber và nhắm đến đối tượng chính là trẻ em. Bởi trẻ em nào cũng thích xem Youtube.
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh Việt bức xúc vì sự ra đời tràn lan của các kênh Youtube với nội dung nhảm nhí, thậm chí phản cảm nhưng lại gán mác "kênh thiếu nhi". Những kênh này đều có hàng triệu lượt theo dõi và chứa hàng trăm video.
- Xúi trẻ nghịch dại
Kênh "Thơ Nguyễn" chính là một ví dụ điển hình. Thành lập từ ngày 13/06/2016, đây là kênh dành cho trẻ em nổi bật nhất tại Việt Nam với 7,15 triệu lượt đăng ký.
Năm 2017, kênh Thơ Nguyễn thậm chí xếp thứ 3 trong danh sách Google Trends (xu hướng tìm kiếm trên Google). Nội dung trên kênh bao gồm các clip review đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, làm đồ chơi handmade,…
Thời gian đầu, kênh được nhiều phụ huynh yêu thích bởi các clip vui nhộn, dễ thương phù hợp trẻ nhỏ. Nhưng dần dần, kênh bắt đầu xuất hiện các nội dung phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm nếu trẻ nhỏ bắt chước theo.
Điển hình là một clip Thơ Nguyễn làm thử thách "thử nghiệm đun lon nước ngọt", mô tả cảnh dùng lửa đốt 4 lon nước ngọt và bia để xem hiện tượng khí đốt. Chính Thơ Nguyễn cũng không hề biết lon nước sẽ nổ hay xảy ra hiện tượng nào không.
Hay một clip khác với nội dung "Cho đá khô vào chai nước kín", mô tả thí nghiệm với đá khô và hiện tượng phát ra tiếng nổ. Khi Thơ Nguyễn vừa rời đi được vài giây thì chai nước lập tức phát nổ, kèm theo khói mù mịt. Thử tưởng tượng nếu trẻ nhỏ xem và bắt chước theo thì sẽ nguy hiểm đến thế nào.
Thí nghiệm nguy hiểm của Thơ Nguyễn.
Dù trong mỗi clip, Thơ Nguyễn đều đề thêm câu khuyến cáo: "Đây là một trò khá nguy hiểm nên các em không được làm theo chị nhé". Tuy nhiên, đối tượng xem là trẻ em, chứ không phải người lớn. Và trẻ khi xem những nội dung này chỉ thấy vui và tò mò chứ hoàn toàn không thể hiểu được sự nguy hiểm ẩn đằng sau.
- Chứa đầy nội dung phản cảm
Ngoài việc phải xem những nội dung nguy hiểm, trẻ em Việt Nam còn bị "đầu độc tâm hồn" bởi những kênh Youtube chứa nội dung phản cảm, thậm chí là 18+.
Thời gian gần đây, Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992), con trai cả bà Tân Vlog đang là cái tên gây nhiều bức xúc. Hưng sở hữu đến 3 kênh YouTube khác nhau là Hưng Vlog, Hưng Gamer và Hưng Troll. Kênh Hưng Vlog hiện đang có 2,92 triệu lượt người theo dõi, 533 triệu lượt xem. Kênh này được lập ra từ tháng 2.2017, khá lâu trước khi kênh Bà Tân Vlog ra đời.
Với hàng triệu lượt người xem mỗi clip, thu nhập của Hưng Vlog được dự đoán là không hề nhỏ. Tuy nhiên những gì Youtuber này đăng lên mạng xã hội vô cùng phản cảm. Cụ thể là các clip: "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi", "nấu cháo gà nguyên lông". Nguyễn Văn Hậu, em trai của Hưng cũng làm clip nhảm không kém như: "Trộm gà nhà em hàng xóm, nướng siêu cay, mời em hàng xóm thưởng thức".
Chiều 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cũng đã ra quyết định xử phạt Nguyễn Văn Hưng 7,5 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục. Tiếp đó chiều ngày 9/10, Hưng tiếp tục bị Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Giang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng vì clip "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết".
Thanh tra Sở cũng yêu cầu Hưng và Hậu rà soát, gỡ bỏ các video clip có nội dung nhảm nhí, phản cảm.
Thời gian trước, cộng đồng mạng cũng từng dậy sóng bởi kênh Youtbe "Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life". Đóng vai các nhân vật hoạt hình quen thuộc như nữ hoàng băng giá Elsa, Spiderman, Maleficent nhưng kênh này lại đăng tải các nội dung người lớn với trang phục áo tắm, các động tác uốn éo gợi dục, hôn môi. Mỗi video của kênh đều đạt từ 600.000 đến gần 2 triệu lượt xem. Chủ sở hữu kênh này sau đó bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt 30 triệu đồng.
"Hành tinh đồ chơi – Toy Planet" cũng là kênh Youtube gắn mác cho trẻ em nhưng lại chứa nội dung không lành mạnh được phát hiện thời gian trước. Thành lập từ năm 2015, kênh này hiện có hơn 3 triệu người đăng ký, mỗi video đăng tải đều nhận lượt xem khủng trên 1 triệu, thậm chí đến 16 triệu lượt xem.
Kênh thường xuyên đăng tải những nội dung gây tranh cãi, những trò lừa bạn "ăn dép tổ ong", "ăn phấn và giẻ lau bảng", "ăn đất sét',… Không ít các em học sinh cấp 1 sau khi xem xong thích thú để lại bình luận, sẽ học theo các trò troll này và áp dụng với bạn cùng lớp.
- Video không có mục đích
Ngay cả những kênh Youtube được nhiều lời khen như CreativeKids cũng không ít lần đăng tải những nội dung "nhạt" như: "Bé Bún tắm bể bơi bim bim khổng lồ". Không hiểu bim bim dùng để ăn mà lại cho vào đầy bể bơi với mục đích để làm gì.
- Nói ngọng
Ngoài ra, một số kênh Youtube như Thơ Nguyễn, Min Min TV, Bibi TV cũng khiến nhiều phụ huynh lo ngại vì các nhân vật có giọng nói ngọng, lẫn giữa các âm "n-l". Điều này có thể ảnh hưởng đến phát âm của trẻ nếu xem thường xuyên.
Hậu quả nặng nề từ việc trẻ bắt chước theo Youtube
Đối với các nội dung trên Youtube, nếu trẻ học theo điều tốt thì không sao, còn trong trường hợp bắt chước theo những điều xấu, phản cảm thì thật sự là mối nguy hại.
Một phụ huynh chia sẻ: "Hôm trước, thấy con bé ở nhà gặp ai cũng lao vào hôn, mình la thì bé bảo "làm giống công chúa Elsa". Về kiểm tra lịch sử Youtbe thì tá hỏa không biết bé đã xem clip nhảm nhí từ khi nào".
Trước vụ việc của bé V.T.D., ở TP HCM cũng xảy ra trường hợp tương tự. Theo đó cháu Đ.T.K 7 tuổi vì học theo trò "treo cổ nhưng không chết" trên Youtube mà suýt mất mạng. May mắn là cháu được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Trước đó có trường hợp một bé bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính như siêu nhân nhện.
Một ông bố cũng từng chia sẻ lại câu chuyện con trai 6 tuổi định đi lấy ổ điện để cho giật em trai 3 tuổi. Khi chạy ra xem, ông bố hốt hoảng phát hiện con đang xem một video có tên: "23 tuổi với 1 tuổi – 1 year old Youtuber' của kênh LayTV.
Suốt hơn 10 phút của đoạn clip là những màn "chiến đấu" giữa chàng trai chủ kênh Youtube và em bé 1 tuổi với những màn lấy băng dính dán vào miệng, bắn súng nhựa vào mặt, lấy búa nhựa đập vào đầu,…
Mạng xã hội, đặc biệt là Youtube chính là "con dao hai lưỡi" với trẻ nhỏ. Bên cạnh những ưu điểm như giúp con học tập, giải trí thì Youtube tràn đầy những nhược điểm vì nội dung xấu tràn lan, hình ảnh phản cảm nhưng lại được gắn mác thiếu nhi.
Để bảo vệ con, tốt nhất bố mẹ cần giảng giải những điều tốt, xấu và theo dõi sát sao những nội dung con xem hàng ngày. Ngoài ra, bố mẹ cần đưa ra hình phạt nếu con tiếp tục xem các nội dung không được cho phép.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.