Đặt mục tiêu trên 25 điểm với kỳ thi tốt nghiệp THPT và trên 100 điểm với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, em Nguyễn Quang Vinh, trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình) “quay cuồng” với lịch học trải kín tuần.
“Ngoài thời gian trên lớp, các tối trong tuần em học thêm Toán, Lý, Hóa, Sinh. Riêng tiếng Anh, em học ở trung tâm vào hai ngày cuối tuần. Thời gian còn lại, em tranh thủ vào các nhóm luyện thi để tìm hiểu thông tin, tham khảo các đề thi đánh giá năng lực của những năm trước để ôn luyện” , Quang Vinh nói.
Đây là giai đoạn nước rút nên Vinh dồn sức ôn tập, nếu chỉ trông chờ vào điểm tốt nghiệp thì sẽ khó chắc suất vào nguyện vọng yêu thích - Dược học, trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quang Vinh đã đăng ký dự thi 2/6 đợt thi tại kỳ thi đánh giá năng lực năm nay. Nam sinh xác định thi đợt 1 để nắm rõ cấu trúc đề thi, sau đó sẽ dồn toàn lực để đạt điểm số tốt nhất vào đợt 2.
Chạy đua giai đoạn nước rút, Nguyễn Tú Anh, trường THPT Trương Định (Hà Nội) học thêm 10 buổi mỗi tuần. Năm nay, Tú Anh dự kiến xét tuyển đại học bằng khối D với ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, nhưng vẫn bắt buộc phải học thêm cả Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Sinh học và Hóa học để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội. Trung bình mỗi môn Tú Anh phải học thêm 1-2 buổi/tuần, cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Tú Anh cũng tham khảo ý kiến của các anh chị khoá trước, nếu muốn vào các trường đại học lớn thì không thể bỏ qua phương thức thi đánh giá năng lực. “Đi ểm hai kỳ thi đánh giá năng lực này tốt thì coi như em đỗ đại học sớm, thời gian còn lại chỉ cần học đủ điểm tốt nghiệp THPT là xong. Do đó, dù có mệt đến mấy em cũng phải cố gắng hết sức giai đoạn cuối cùng này” , Tú Anh nói.
Đề các kỳ thi riêng thường được đánh giá là có độ khó hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ phải vận dụng linh hoạt kiến thức tổng hợp của các môn trong ba năm học.
Năm nay, em Đồng Phương Dung, trường THPT chuyên Thái Bình đặt mục tiêu vào khối ngành Kinh tế của các trường đại học top đầu như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc giải đề thi đánh giá năng lực vẫn gây khó khăn cho Phương Dung do nội dung câu hỏi rất rộng, tổng hợp kiến thức các môn Lý, Hóa, Sinh.
"Hiện nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển. Do vậy, muốn nâng cao khả năng trúng tuyển vào các trường đại học, việc dự thi các kỳ thi này là điều em và các bạn không thể bỏ qua” , Phương Dung nói.
Một giáo viên trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng, hiện nhiều thí sinh có nguyện vọng tham gia và dồn sức vào các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy mà lơ là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nếu tham gia quá nhiều kỳ thi, học sinh sẽ khó đảm bảo việc học trên lớp. Chưa kể, để tham gia mỗi kỳ thi riêng cần phải đóng các mức lệ phí thi khác nhau, có trường lên tới 500.000 đồng/lượt. Khi thí sinh cùng lúc đăng ký nhiều kỳ thi, đồng nghĩa với việc phải chi số tiền lớn hơn.
“Việc nhiều trường đại học tổ chức các kỳ thi riêng được đánh giá tạo thêm nhiều cơ hội, mở ra thêm nhiều sự lựa chọn cho thí sinh. Thế nhưng, để rộng cửa vào trường đại học với những ngành học mà thí sinh yêu thích đòi hỏi các em phải có sự tìm hiểu kỹ, xác định rõ kỳ thi nào là cần thiết, phù hợp với năng lực bản thân để đăng ký dự thi. Các em không nên chạy theo xu hướng tham gia thật nhiều các kỳ thi riêng”, nữ giáo viên khuyên.
Năm 2024, hàng loạt trường đại học tiếp tục duy trì hình thức tổ chức kỳ thi riêng trong đề án tuyển sinh như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.CM, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM...
Luật Giáo dục đại học quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Do đó, các trường đại học căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.