"Sương mù não" là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả về trạng thái mơ hồ về tinh thần. Có rất nhiều vấn đề về sức khỏe có thể dẫn tới hiện tượng sương mù não như ung thư, cúm mùa,… nhưng COVID-19 dường như là nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất trong khoảng thời gian gần đây.
Theo các nhà khoa học, càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ngay cả khi nhiễm COVID-19 từ nhẹ đến trung bình cũng có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung và chức năng điều hành của não bộ.
Trong hầu hết các trường hợp, sương mù não sẽ tự biến mất trong vòng vài tuần, nhưng một số người có thể gặp tình trạng này trong nhiều tháng và thậm chí có thể nhiều năm. Virus SARS-CoV-2 vẫn là một điều bí ẩn, do đó các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định được liệu bệnh nhân đã từng nhiễm loại virus này có thể bị sương mù não trong bao lâu.
Tuy nhiên, thật may mắn vì có những cách chúng ta có thể đối phó với tình trạng sương mù não.
Vì sao lại có hiện tượng sương mù não hậu COVID?
Theo ông James Giordano, giáo sư thần kinh học và hóa sinh, Trung tâm Y tế Đại học Georgetown (Mỹ), đối với hầu hết các tình trạng sức khỏe khác, sương mù não thường biến mất khi khỏi bệnh hoặc ngừng điều trị. Tuy nhiên, COVID-19 dường như gây ra hiệu ứng viêm lan rộng và đôi khi kéo dài hơn. Điều này khiến sương mù não có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Giáo sư Giordano cho biết sương mù não có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn và các vấn đề đa nhiệm. Một số người có thể cảm thấy khó tập trung khi làm việc, một số người khác sẽ gặp vấn đề về phối hợp hoặc trở nên không ổn định về mặt cảm xúc.
Sương mù não có thể ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của bệnh nhân hậu COVID. Ảnh minh họa.
Cách đối phó với sương mù não hậu COVID
1. Duy trì hoạt động thể chất
Tập luyện thể dục thể thao không chỉ tốt cho toàn bộ cơ thể mà còn giúp phục hồi các chức năng của não bộ.
Bạn nên thực hiện những bài tập có mức độ vừa phải để giúp não xử lý thông tin tốt hơn và cải thiện lượng oxy lên não.
Việc tăng cường tương tác với xã hội như tham gia các câu lạc bộ cũng là một hoạt động giúp bạn năng động hơn, mang lại nhiều năng lượng tích cực và giúp não phục hồi nhanh hơn.
2. Rèn luyện trí não
Bạn có thể chơi các trò chơi rèn luyện trí nhớ hoặc viết những việc cần làm vào ghi chú, phần mềm nhắc nhở trên điện thoại để phục hồi khả năng nhớ và tập trung.
Bạn cũng có thể kích thích nhận thức bằng các câu đố hoặc học một ngôn ngữ mới.
3. Thực hiện chế độ ăn chống viêm
Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khuyên bạn nên tuân theo một chế độ ăn uống chống viêm gồm chất béo không bão hòa đơn, protein thực vật, ngũ cốc nguyên hạt và cá. Đồng thời, bạn nên tránh thực phẩm chiên, thực phẩm giàu chất béo bão hòa và đường bổ sung.
Giáo sư Giordano cho biết chế độ ăn Địa Trung Hải rất giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm thiểu các tác động gây viêm trong não và cơ thể.
Chế độ ăn chống viêm tốt cho não bộ. Ảnh minh họa.
4. Nghỉ ngơi đầy đủ và uống đủ nước
Giáo sư Giordano nói rằng: "Nghỉ ngơi và uống đủ nước khá quan trọng đối với những người bị sương mù não hậu COVID, bởi 2 việc làm này có thể giúp quá trình trao đổi chất của não phục hồi tốt hơn".
5. Nhờ sự tư vấn của chuyên gia
Nếu hiện tượng sương mù não kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày và công việc của bạn, hãy tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp.
(Nguồn: Huffpost)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nho-nho-quen-quen-hau-covid-chuyen-gia-chi-cach-khac-phuc-cuc-don-gian-161221903163221342.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.