Nhờ trông con, bố chồng em nói câu này khiến em choáng váng

​Em và chồng quen nhau khi đang học đại học, yêu nhau tới 5 năm mới cưới. Hồi còn yêu, em cũng không tới mức chẳng dám đặt chân tới nhà người yêu, thậm chí có thể nói là năng qua lại. Thế mà khi cưới về, em vẫn ngã ngửa ra với cuộc sống ở nhà chồng, đi làm dâu.

Lúc em cưới, bố mẹ chồng em đã nghỉ hưu cả rồi. Hai ông bà sống bằng tiền lương hưu nên không thể nói là khá giả được. Chính vì thế, sau khi cưới, chồng em và em đã thống nhất là sẽ lo toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình, để bố mẹ chồng em giữ tiền lương hưu chi tiêu lặt vặt với mong muốn ông bà có thể chi tiêu thoải mái hơn chút ít.

Làm điều này, em tự thấy rằng vợ chồng mình sống khá là ổn rồi, thậm chí còn tự tin cho rằng bố mẹ chồng sẽ thấy chúng em biết trước biết sau, ghi nhận sự cố gắng của chúng em. Nhưng em thực sự thất vọng khi nghe được bố chồng em nói với bác hàng xóm rằng “Học Đại học để làm gì mà hàng tháng không biếu nổi bố mẹ vài triệu”.

Bác hàng xóm cười, hỏi bố em là “Thế chúng nó không đưa xu nào thật à? Cả hai vợ chồng đi làm mà vẫn bắt bố mẹ nuôi à?”. Bố chồng em dường như rất khó chịu, khẳng định lại một lần nữa rằng “Chúng nó ở nhà tôi, đã không mất tiền thuê nhà rồi. Cái gì cũng sẵn đấy, chỉ làm mà ăn thôi. Sướng như thế còn gì. Chúng nó có đi chợ, cơm nước, đóng tiền lặt vặt trong nhà thì đáng bao nhiêu. Hai vợ chồng tôi ăn uống thì đáng gì, mỗi ngày chỉ vài nghìn tiền thịt, cơm mỗi người có bát. Tiền điện nước một tháng, chúng tôi hết vài chục nghìn là cùng. Chúng nó dùng nhiều thì tốn nhiều, dùng ít thì tốn ít. Vẫn là tự mình phục vụ mình thôi”. 

Đúng là hàng tháng, chúng em chưa biếu thêm tiền để bố mẹ chồng em chi tiêu thêm được nhưng chúng em đã lo toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà cơ mà. Tính tất cả tiền điện nước, tiền cáp, tiền gạo, tiền ga, tiền mua thức ăn hàng ngày.... thì số tiền chúng em bỏ ra cũng không hề nhỏ. Vì mặc dù bố chồng em nói là hai ông bà ăn uống đơn giản nhưng đồ ăn mà không ngon là ông không động đũa.

Ông không ăn gà công nghiệp, ông chỉ ăn gà ta, cá biển thì ông chỉ ăn cá thu, thịt lợn thì một tuần, ông bảo chỉ ăn 1- 2 bữa... Còn tiền điện thì nhà có 2 chiếc điều hòa, ti vi, tủ lạnh, máy giặt.... Mỗi tháng, em trả tiền điện bằng thẻ lương của em, cũng hết tới gần 1 triệu. Sau một ngày nghĩ ngợi, em bàn với chồng là hay cứ chia nhỏ các khoản ra, một phần nói rõ là đóng góp phí sinh hoạt của hai vợ chồng, một phần nói rõ là biếu bố mẹ để bố mẹ tiêu vặt. Chồng em gạt đi và động viên em rằng bố mẹ kì vọng ở anh ấy nhiều, thấy anh ấy chưa được như ý muốn nên nói thế chứ không có ý gì. Em nghe anh ấy nói như thế thì đành làm theo.

Nhưng choáng váng nhất với em phải kể đến việc khi em sinh con nhỏ, em nhờ bố mẹ chồng em trông con cho để đi làm. Lúc ấy, em nghĩ đơn giản là bố mẹ chồng em ở nhà nghỉ hưu, ông bà trông cháu thì em không cần phải thuê người trông. Khoản tiền tiết kiệm được vì không phải thuê người,  em cũng dự định là sẽ biếu ông bà vào một dịp thích hợp chứ đưa hàng tháng thì em sợ vô duyên. Mà biếu hàng tháng, sau  này, con em đi lớp mà không biếu nữa thì em cũng ngại. Em chia sẻ với chồng suy nghĩ này, chồng em bảo là không phải biếu tiền nong gì cả, anh thấy điều hòa ở phòng ông bà cũng cũ rồi, tốn điện lại không mát, hai vợ chồng mình mua biếu ông bà cái điều hòa mới là được. Em thấy cũng hợp lí nên nghe theo. Tất nhiên, khi mua điều hòa mới, chúng em chỉ nói là thấy điều hòa của bố mẹ hỏng nên thay mới.

Nào ngờ, vừa trông con cho em được một tuần, trong bữa cơm, bố chồng em hỏi em: “Đi làm giúp việc trông trẻ con, được nuôi cơm rồi thì một tháng được trả bao nhiêu?”. Em nghe bố chồng em hỏi mà ngơ luôn, không biết trả lời sao cho phải. Sau một lúc, em mới rụt rè bảo “Con không biết ạ”.

Có phải bố chồng em đang nhắc khéo em phải đưa tiền hàng tháng bằng đúng số tiền thuê người giúp việc không? Nếu quả thực như vậy thì em buồn quá vì như thế, khác gì bố mẹ chồng em coi cháu nội như người ngoài. Em có nên biếu tiền bố mẹ như thuê người giúp việc không hay là nghe xong thì quên đi như lời chồng em khuyên?

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang