Không khí mát mẻ nhưng ẩm ướt là một trong những yếu tố thuận lợi cho các loại nấm, kí sinh trùng, virus sinh sôi, phát triển, gây bệnh, đặc biệt trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị các bệnh tấn công nhất do sức đề kháng còn non yếu.
Viêm tiểu phế quản
Dấu hiệu ban đầu của trẻ viêm tiểu phế quản là chảy mũi trong và hắt hơi. Những triệu chứng này kéo dài vài ngày, có thể đi kèm với biếng ăn và sốt nhẹ, ít khi sốt cao. Sau đó trẻ ho, khò khè, khó thở, bú khó. Trong những trường hợp nhẹ, triệu chứng biến mất trong vòng từ 1-3 ngày. Với những trường hợp nặng, diễn tiến nhanh hơn và bệnh kéo dài. Biến chứng nặng thường gặp ở trẻ từ 2-3 tháng tuổi là suy hô hấp.
Phòng bệnh:
- Cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh đến hai tuổi để tạo hệ miễn dịch tự nhiên.
- Với trẻ ăn dặm, bữa ăn của trẻ cần đầy đủ bốn nhóm: Tinh bột, đạm, rau, dầu thực vật.
- Thường xuyên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%.
- Cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Cảm cúm
Cảm lạnh thông thường và cúm có thể bao gồm ho, chảy nước mũi, hắt hơi,... Đau đầu, đau người, sốt, ho và mệt mỏi. Trẻ bị dính mưa hoặc không giữ ấm cho cơ thể, không giữ vệ sinh sạch sẽ… là hoàn toàn có thể bị cảm cúm, cảm lạnh. Bệnh này có thể tự khỏi nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý tránh để trẻ sốt quá lâu vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm phổi do vi khuẩn và suy nội tạng…
Bệnh thường lây lan trong không khí và qua tiếp xúc.
Phòng bệnh:
Để tránh trẻ mắc bệnh mùa này, nhất là những trẻ nhỏ, cha mẹ cần giữ cho trẻ luôn sạch sẽ, khô ráo, lau người ngay khi trẻ ra mồ hôi để tránh nhiễm lạnh… và nên tắm cho trẻ với loại xà phòng hoặc sữa tắm trẻ em có tính sát khuẩn nhẹ hàng ngày để giúp trẻ tránh nhiễm phải các vi khuẩn gây bệnh.
Viêm mũi dị ứng
Trẻ có biểu hiện ngứa mũi, ngạt mũi, hảy nước mũi, hắt hơi liên tục, khô họng, ngạt mũi nhiều lúc phải thở bằng miệng, chảy nước mũi trong, có khi gây sốt khoảng 39 độ C...
Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội cho trẻ sạch sẽ để loại hết tác tác nhân gây dị ứng (trên tóc, da) và tìm hiểu nguyên nhân gây dị ứng để phòng tránh.
Sốt siêu vi
Sức đề kháng của trẻ chưa cao nên gặp phải thời điểm virus sinh sôi, phát tán nhanh trong mùa mưa, trẻ rất dễ bị sốt siêu vi. Biểu hiện lâm sàng là sốt cao 39-40 độ C kèm theo mệt mỏi, đau cơ, đau họng, chán ăn, quấy khóc…Việc đầu tiên cần làm là hạ sốt kịp thời cho trẻ, vì ở trẻ nhỏ, khi sốt cao nếu không được hạ sốt kịp thời có thể dẫn đến co giật, suy hô hấp, thiếu ôxy não, làm suy giảm trí tuệ hay nặng hơn là để lại di chứng nặng nề về não.Khi trẻ bị sốt siêu vi mà dùng thuốc hạ sốt không giảm thì cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Theo các chuyên gia y tế, để bảo con không bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong mùa mưa các mẹ lưu ý:
- Tránh cho trẻ bị ướt mưa, giữ ấm cho trẻ, nhưng không được quấn trẻ quá nhiều làm trẻ khó chịu, tăng thân nhiệt đối với những trẻ sơ sinh.
- Rửa tay cho trẻ với xà phòng trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh...
- Giữ cho nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, luôn cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ các loại chất dinh dưỡng, chọn thức ăn trẻ thích và chia nhỏ các bữa ăn.
- Nên tiêm phòng vắc xin cho trẻ đầy đủ phòng tránh các bệnh liên quan.
- Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém... cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.