Những câu chuyện rắc rối xoay quanh việc nhờ mẹ chồng trông cháu: Nàng dâu nên làm gì, câu trả lời chỉ có một

Lúc đầu mình cũng nhờ mẹ chồng vì con 5 tháng mình đã phải đi làm rồi. Bà trông được nửa năm thì tuyên bố...', Mai Anh kể.

Mô tả câu chuyện: Vợ chồng tôi mới cưới được hơn 2 năm. Ngày mới về làm dâu ai cũng động viên "ông bà đang khỏe còn chăm cháu được nên cố mà đẻ luôn 2 đứa" ấy vậy mà giờ tôi điêu đứng vì mẹ chồng. Tôi cố gắng lắm mới co kéo được đến khi con 1 tuổi thì đi làm trở lại. Trước đã nói khéo nhờ bà nội trông cháu, bà cũng đồng ý rồi mà giờ đến khi tôi chính thức đi làm bà lại bảo đưa bà 6 triệu. Tôi ấm ức vô cùng. Làm thế thì tôi đi thuê người ngoài cho rồi chứ cần gì người trong nhà nữa. Vợ chồng tôi tuy kinh tế đang khó khăn nhưng vẫn cơm đóng gạo góp với bố mẹ chồng. Lẽ ra thấy con cái còn khó khăn bà nên tạm gác lại việc của mình để đỡ đần con cháu mới đúng. Đằng này...

Câu hỏi: Các nàng dâu có nên nhờ mẹ chồng chăm con để đi làm và việc mẹ chồng đòi hỏi "tiền trông cháu" có phải rất khó chấp nhận?

Nhờ mẹ chồng trông con giúp - Câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Chỉ cần search cụm từ này trên mạng sẽ hiện ra muôn vàn bài viết mà đa phần là những "tips" giúp các nàng dâu "đáp trả" lại mẹ chồng mình khi bà đòi quyền lợi nếu trông cháu. Trên thực tế, chúng ta thường chỉ biết than vãn mà không nhìn 1 cách đa chiều câu chuyện.

Những câu chuyện rắc rối xoay quanh việc nhờ mẹ chồng trông cháu: Nàng dâu nên làm gì, câu trả lời chỉ có một - Ảnh 2.

Những topic cùng chủ đề khá phổ biến trên các diễn đàn

Dưới đây là chia sẻ từ trải nghiệm thực tế của 1 số nàng dâu đã trải qua tình cảnh này. Chắc chắn nó sẽ cho bạn có nhiều suy ngẫm hơn.

Câu chuyện thứ nhất - Cháu bà nội, tội bà ngoại

Chị Kim Liên - người phụ nữ đã có 12 năm kinh nghiệm hôn nhân đầy mình cho biết: "Cả 2 đứa con mình đều do bà ngoại trông. Ngay từ đầu mình đã xác định không nhờ vả được gì bà nội. Mẹ chồng mình làm ruộng, công việc đồng áng hầu như thuê người hết còn ngày thường quanh ra quẩn vào nuôi mấy con gà, trồng vài luống rau. Ấy vậy mà lúc mình nhờ bà lên Hà Nội trông cháu giúp vợ chồng mình khoảng 1 năm bà đã chối đây đẩy.

Bà nói bóng gió với người thân đến tai mình là: 'Đẻ con ra thì phải chăm con, tôi còn nhà cửa, cơm nước cho ông ấy, sao mà lên cái nơi tù túng chật chội được. Đau đầu lắm!'. Rồi cuối cùng mẹ chồng mình chốt là cho cháu nội về quê ông bà chăm, mỗi tháng gửi cho bà 5 triệu tiền ăn của cháu. Nhưng mình nghĩ 1 đứa trẻ con ăn gì đến 5 triệu 1 tháng. Đồ ăn mình cũng phải gửi trên này về, để ở nhà không quản được bà lại cho ăn uống linh tinh. Kết quả là mẹ chồng tự ái, giận con dâu cả tháng".

Sau đó không lâu thì chị Liên đã thuyết phục được bà ngoại lên chăm cháu. Chị bảo: "Đúng là mẹ mình bao giờ cũng thương con nhất. Đừng nói đến tiền, bà còn mang đồ ăn sạch ở quê lên cho ấy chứ. Nên mình cũng quà cáp cho bà chả để bà thiệt. Mình luôn thấy sự khác biệt rõ ràng giữa mẹ đẻ và mẹ chồng. Và không phải người thân thì sẽ không tính toán thiệt hơn với nhau".

Những câu chuyện rắc rối xoay quanh việc nhờ mẹ chồng trông cháu: Nàng dâu nên làm gì, câu trả lời chỉ có một - Ảnh 3.
 

Câu chuyện thứ 2 - Mẹ chồng bỏ hẳn tiền miễn không phải trông cháu

Khác hẳn với chị Liên, Mai Anh (đã kết hôn được 4 năm và có cô con gái xinh xắn 3 tuổi) cho biết: "Việc bà nội trông cháu thì mình thấy quá phổ biến rồi. Cứ chiều đi làm về là nhìn cả sân chung cư bà thì bế cháu đút bột, bà đi theo cháu cầm hộp sữa, bà gào hét khi cháu quá nghịch. Chắc có lẽ mỗi mẹ chồng mình là nhàn nhất so với các bà bạn trong xóm.

Tâm lý chung của các vợ chồng trẻ là gửi con cho ông bà thì vừa đỡ về kinh tế, vừa yên tâm hơn người lạ vì chắc chắn ông bà nào cũng yêu thương cháu. Lúc đầu mình cũng nhờ mẹ chồng vì con 5 tháng mình đã phải đi làm rồi. Bà trông được nửa năm thì tuyên bố: 'Mẹ cho tiền 2 đứa thuê giúp việc, lắp cả camera chứ mẹ còn công việc của mẹ, ôm cháu cả ngày không xoay xở được'.

Nghe xong mình cũng chạnh lòng lắm nhưng sau thành quen, thấy dễ chịu vô cùng. Ngày nào mẹ chồng cũng sang chơi với cháu nhưng chỉ chốc lát là về. Bà cũng sát sao với giúp việc, đến chủ nhật thì trông cháu khoảng nửa ngày cho mình đi chơi, cafe, nghỉ ngơi. Mình thấy tư tưởng của bà rất hiện đại. Có khi nghe mấy người hàng xóm nói chuyện với nhau, than vãn chuyện trông cháu mà mẹ chồng mình cười tươi: 'Làm mẹ thì phải nghĩ cho con cái là việc đương nhiên. Có sức thì bỏ sức, có tiền thì bỏ tiền. Như tôi yếu không trông trẻ con lâu được nên thêm thắt với chúng nó tí giai đoạn con nhỏ khó khăn'".

Thi thoảng mẹ chồng Mai Anh còn trêu con dâu là thuê được giúp việc sướng hơn ở với mẹ chồng, cần gì sai bảo, tức là quát luôn chứ không phải nín nhịn như mẹ chồng.

Câu chuyện thứ 3 - Mẹ chồng nhiệt tình chăm cháu nhưng lại bị stress dồn nén

Câu chuyện của Lan có lẽ đúng với rất nhiều gia đình. Theo lời cô, mẹ chồng Lan là người tằn tiện, lành tính, thương con thương cháu nhưng bà là thế hệ trước, vẫn khó để hòa nhập với nàng dâu 4.0.

"Mẹ chồng mình chủ động nhận trông cháu, bà còn bảo, thuê ai bà cũng không yên tâm. Mẹ chồng bỏ cả hàng xén ở chợ để ở nhà chăm cháu. Vợ chồng mình thấy vậy mỗi tháng cũng biếu bà ít tiền thì bà nhất định không lấy. Bà bảo đưa tiền chẳng khác nào coi bà là người ngoài. Nhưng khổ nỗi bà cứ chăm cháu theo ý bà, không chịu học cái mới rồi nói mình 'lắm chuyện'.

Mẹ chồng - con dâu vì thế mà tranh cãi khá nhiều lần nên tình cảm cũng rạn nứt. Mới đây mình còn nghe hàng xóm kể mẹ chồng nói mình láo, vô ơn, không biết điều. Mà rõ ràng đưa tiền bà không lấy, bà cứ nghĩ bà có công trông cháu thì mọi thứ phải nghe lời bà khiến mình stress", Lan kể.

Cuối cùng, 1 "trận chiến" lớn bùng ra khi con của Lan được 3 tuổi. Mọi dồn nén của mẹ chồng bấy lâu bung hết khi thằng bé ốm phải nằm viện. Mẹ chồng - nàng dâu cãi nhau đến mức không ai giảng hòa nổi.

Những câu chuyện rắc rối xoay quanh việc nhờ mẹ chồng trông cháu: Nàng dâu nên làm gì, câu trả lời chỉ có một - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Nỗi khổ không của riêng ai nhưng trách nhiệm nằm ở những người lớn trong gia đình

Khi niềm vui vỡ òa đón chào 1 thành viên mới trong gia đình thì cũng là lúc những người lớn cần "lớn" hơn. Có không ít cặp vợ chồng sụt giảm tình cảm sau khi có con, không ít mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tan nát chỉ vì đứa cháu. Sự thật là những đứa trẻ không phải lý do mà nguyên nhân nằm ở nhận thức của mỗi người.

Các nàng dâu thường ỷ lại vào mẹ chồng, nhìn xung quanh thiên hạ mà mặc định rằng "bà nội phải chăm cháu, nhà nào chẳng thế". Và mọi thứ tình cảm đều sẽ bị "biến chất" khi đối mặt với thứ vô tri "quyền lực" gọi là tiền.

Phải làm sao giữa vòng quay luẩn quẩn: Bà nội nhàn rỗi mà không chăm cháu thì bị người ngoài cười chê nhưng có công việc mà muốn gác lại để chăm cháu thì biết lấy nguồn thu nhập ở đâu? Cầm tiền của con mình thì chẳng đành mà không lấy có thứ cần tiêu xoay sở làm sao? Đó là hiện thực hết sức thực tế mà các nàng dâu cần hiểu cho mẹ chồng. Chưa kể, trông trẻ còn đòi hỏi tính kiên nhẫn, cẩn thận ngoài sự yêu thương có sẵn.

Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người lên án việc con dâu đòi hỏi mẹ chồng chăm con cho mình đi làm là 1 yêu cầu quá đáng. Bởi sinh con ra thì phải có trách nhiệm, ở bất kể giai đoạn nào cũng nên chủ động. Bố mẹ đã vất vả hơn nửa đời người, không thể ích kỉ bắt họ "nuôi con thơ" 1 lần nữa dù là bà nội hay bà ngoại.

Vậy nên, công minh nhất vẫn là sự thỏa thuận 1 cách thẳng thắn và thoải mái từ 2 phía. Mọi thứ sẽ dựa trên điều kiện của 2 bên. Và mỗi lựa chọn đều có những mặt lợi, mặt hạn chế của nó mà bạn phải chấp nhận, không được đòi hỏi quá nhiều. Hãy nhớ, ưu tiên hàng đầu vẫn là tự giải quyết còn việc nhờ vả mẹ chồng cần cân nhắc kĩ, khéo léo và tính toán sao cho bà không phải chịu nhiều thiệt thòi khi chăm con mình. Hãy để đôi bên cùng được thoải mái, lựa chọn là tự nguyện, ai cũng nên đặt vào vị trí của nhau để nghĩ cho "thiên thần" bé nhỏ, cho gia đình chung.

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang