1. Vì sao trẻ lại ho nhiều về đêm?
Theo thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Lê Phương – chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm điều trị bệnh hô hấp, nguyên lý của phản ứng ho là: Khi đường hô hấp bị viêm nhiễm, bề mặt đường thở có nhiều vi khuẩn, phản ứng viêm tiết ra dịch nhầy (chứa vi khuẩn, bạch cầu, mủ, các chất gây viêm,...) khiến cơ thể sinh ra phản ứng tự vệ là ho để loại bỏ đờm, nhớt, vi khuẩn ra ngoài, làm sạch đường thở.
Khi trẻ ho nhiều về đêm, các con có thể đang mắc một số bệnh như:
- Viêm họng: Viêm họng là bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Nếu bị viêm họng thì ban đêm, dưới tác động của các yếu tố ngoại cảnh, bé sẽ dễ bị ho và ho nhiều hơn so với ban ngày. Đi cùng với tình trạng này có thể là các triệu chứng sốt, đau đầu, sưng hạch bạch huyết,…
- Viêm xoang: Trẻ ho nhiều về đêm cũng có thể là do bị viêm xoang. Lúc này, lớp niêm mạc hô hấp lót trong xoang bị viêm nhiễm, phù nề, làm tăng tiết dịch nhầy. Ban đêm khi nằm ngủ, lượng dịch nhầy này sẽ chảy xuống họng, kích ứng niêm mạc họng. Tình trạng này sẽ khiến bé ho nhiều, thậm chí là ho dữ dội từng cơn.
- Bệnh hen suyễn: Hen suyễn là bệnh hô hấp mãn tính. Người mắc bệnh này thường rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng với sự thay đổi của thời tiết hoặc các chất gây dị ứng. Vào ban đêm, chẳng may con tiếp xúc với những xúc tác này, phế quản sẽ phù nề, co thắt, tăng tiết dịch nhầy. Người bệnh sẽ cảm thấy khò khè, khó thở, đau tức ngực…
- Bệnh trào ngược dạ dày: Đây không phải nguyên nhân phổ biến nhưng cũng không thể loại trừ. Theo đó, khi con ngủ, luồng khí trào ngược từ dạ dày lên thực quản sẽ mang theo axit dịch vị. Lượng axit này tác động đến hệ thần kinh đường khí quản, làm khí quản căng lên và kích thích phản xạ ho.
- Ngoài ra còn có một số nguyên nhân bên ngoài khác tác động, ví dụ như:
+ Yếu tố khí hậu: Nhiệt độ, độ ẩm không khí,... đều biến đổi về đêm. Vào thời điểm giao mùa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể lên tới 10°C. Nhiệt độ thấp, không khí khô khiến trẻ có cơ địa mẫn cảm với thời tiết sẽ bị ho nhiều hơn. Đặc biệt, trẻ cũng hay lên cơn suyễn về đêm.
+ Phòng ngủ không sạch sẽ: Nếu không chú ý vệ sinh phòng ngủ thường xuyên thì nơi đây sẽ tích tụ nhiều bụi bẩn, tóc, lông thú cưng... Khi chăn, ga, gối, đệm ám bụi bẩn, trẻ sẽ vô tình hít phải khi ngủ, gây ho nhiều và hắt hơi, ngứa mũi khó chịu.
+ Ngủ không nằm gối: Ho thường đi kèm với nghẹt mũi, khó thở. Và tình trạng càng thêm tồi tệ nếu bé ngủ với tư thế đầu thấp. Bởi lúc này, chất nhầy và dịch từ trên mũi sẽ chảy xuống họng, gây kích ứng các cơn ho.
2. Các triệu chứng khi trẻ bị bệnh ho nhiều về đêm?
- Ho khan thành từng cơn.
- Ho nhiều về đêm và có đờm.
- Đau rát cổ họng.
- Con cảm thấy khó thở, tức ngực.
- Thở khò khè.
- Người bệnh xuất hiện chứng ợ chua, ợ nóng, khàn tiếng. Sút cân.
Nếu thấy trẻ ho nhiều về đêm kèm các dấu hiệu sau thì cần đưa con đi bệnh viện:
- Ho nhiều, ho có đờm đặc, màu vàng lục và mùi hôi.
- Ho nhiều kèm sốt cao và đổ mồ hôi về chiều.
- Ho ra máu kèm co giật.
- Cơn ho kéo dài hơn 1 tuần, 10 ngày.
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, khó nuốt, khó thở.
3. Điều trị bệnh ho nhiều về đêm ở trẻ thế nào?
Ho nhiều về đêm là một triệu chứng rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Đặc biệt khi các cơn ho kéo dài trên 2 tháng, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý có mức độ nghiêm trọng cao. Vì thế cha mẹ không thể chủ quan khi trẻ bị ho nhiều về đêm.
Các cách trị ho nhiều về đêm cho trẻ:
- Sử dụng sản phẩm trị ho: Cha mẹ có thể mua các siro trị ho có nguồn gốc thảo dược như mật ong hấp với lá húng chanh, lá hẹ, siro ho làm từ các tinh dầu thiên nhiên… để trị ho nhiều về đêm cho trẻ. Nếu bé bị nôn trớ khi ho, bạn nên chọn những sản phẩm có tinh dầu gừng sẽ giúp làm ấm họng, có tác dụng giảm nôn rất tốt.
- Vệ sinh mũi thường xuyên cho bé. Cha mẹ có thể nhỏ 5-10 giọt dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để làm thông sạch đường mũi. Tuy nhiên, phải đảm bảo thực hiện thành thạo, đúng kỹ thuật. Nhìn chung, việc làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp đường thở của bé thông thoáng. Mũi và họng sẽ không bị tắc nghẽn bởi dịch nhầy. Nhờ đó, bé dễ thở và dễ ngủ hơn vào ban đêm.
- Để nhiệt độ máy lạnh phù hợp (không dưới 25 độ C), có thể kết hợp với máy phun sương tạo độ ẩm không khí, giúp bé không bị khô họng.
- Vệ sinh phòng ngủ, có thể thay chăn, ga, gối, nệm cho giường của bé. Việc này rất quan trọng với những bé bị viêm xoang, hen suyễn, dễ dị ứng.
- Kê đầu cho bé bằng gối êm, mềm, đảm bảo phần đầu luôn cao hơn phần ngực. Tư thế này sẽ giúp bé dễ thở, đồng thời, hạn chế dịch nhầy chảy từ mũi xuống họng.
- Không nên cho trẻ ăn sát giờ đi ngủ: Tình trạng trẻ ho nhiều về đêm hay xảy ra ở những bé ăn uống sát giờ đi ngủ. Bởi thức ăn kịp tiêu hóa khi kết hợp với dịch vị tiết ra nhiều hơn trong lúc ngủ gây ứ, chướng dạ dày. Sau một thời gian dài ăn uống vào ban đêm liên tục, các cơ ở đầu trên của dạ dày bị suy yếu, không khép kín, tạo điều kiện để các chất dịch ứ trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản, rỉ vào họng, tràn vào thanh quản gây ho sặc, nôn trớ.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể rất quan trọng khi bé bị ốm. Nước giúp giữ cho đường thở luôn ẩm, không bị khô, kích ứng. Nếu trẻ không uống sữa hoặc không ăn nhiều thực phẩm có nước thì cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước hơn bình thường. Ngoài việc bổ sung nước, cha mẹ cũng có thể cho bé ăn các món súp lỏng, uống nước trái cây để tăng lượng nước đưa vào cơ thể.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.